Cách khắc phục vết sẹo và hạn chế để lại sẹo hiệu quả khi bị vết thương
Ngày 08/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sẹo là một trong những vấn đề về da khá phổ biến hiện nay, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Những vết sẹo tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng lại là một khuyết điểm gây mất thẩm mỹ. Vậy cách khắc phục vết sẹo là gì? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Những vết sẹo trên da khiến bạn chán nản và tự ti, không thể ăn diện theo sở thích? Thay vì chọn cách cho qua những vết sẹo khiến cho làn da bạn trở nên xấu đi, bạn có thể thử tìm hiểu cách khắc phục vết sẹo qua bài viết dưới đây. Trị sẹo là một quá trình đòi hỏi sự nhẫn nại, việc thử áp dụng nhiều biện pháp khác nhau có thể giúp bạn tìm thấy phương pháp phù hợp nhất cho làn da của mình.
Vì sao việc loại bỏ sẹo lại mất nhiều thời gian?
Khi một vết sẹo đã hình thành trên da, nó sẽ phát triển theo thời gian và các mô sẹo ngày càng khó loại bỏ, tuổi sẹo càng cao thì càng khó chữa trị. Do đó các phương pháp xóa sẹo tự nhiên hay can thiệp y tế cần nhiều thời gian để khắc phục sẹo trên cơ thể. Các biện pháp can thiệp cũng chỉ giúp vết sẹo mờ đi chứ không thể làm biến mất hoàn toàn. Vì vậy nên việc chữa trị và khắc phục sẹo mất rất nhiều thời gian và bạn cần thử áp dụng nhiều phương pháp để tìm ra cách trị liệu phù hợp với bản thân nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Một số loại sẹo phổ biến:
Sẹo lồi: Sẹo lồi là những vùng da sau khi vết thương phục hồi sẽ tạo thành những vùng gồ lên, phần da của vết sẹo sẽ căng và cứng, không có độ đàn hồi. Loại sẹo này tuy không gây ngứa ngáy nhưng lại gây mất thẩm mỹ và có thể tạo cảm giác khó chịu khi cọ xát với quần áo. Sẹo lồi thường được hình thành bởi những vết thương như vết cắt do phẫu thuật, vết bỏng, vết rách lớn..
Sẹo lõm: Sẹo lõm, hay còn được gọi là sẹo rỗ, hình thành khi lớp biểu bì của da bị thương. Khi cơ thể không sản sinh đủ collagen để phục hồi, vết thương sẽ hình thành sẹo lõm. Sẹo lõm thường có 3 loại phổ biến là sẹo chân vuông, sẹo đá nhọn và sẹo hình lượn sóng.
Sẹo thâm: Sẹo thâm được hình thành khi da bị tổn thương do viêm nhiễm, mụn trứng cá hoặc bị chấn thương. Cơ thể sẽ phản ứng với các vết thương này bằng cách sản xuất melanin, việc sản xuất dư thừa melanin làm cho vùng da bị sẹo trở nên sậm màu hơn so với các vùng da khác.
Một số cách khắc phục vết sẹo
Để làm mờ những vết sẹo xấu xí trên da và lấy lại sự tự tin của mình, bạn có thể tham khảo một số cách khắc phục vết sẹo như sau:
Tham khảo ý kiến của chuyên gia
Để có được kết quả trị sẹo tốt nhất, các cách khắc phục vết sẹo tại nhà vẫn không thể so sánh với điều trị y tế từ bác sĩ chuyên ngành. Bạn nên đi khám và sử dụng thuốc kê đơn của bác sĩ để đạt được hiệu quả trị sẹo tốt nhất. Một số phương pháp thẩm mỹ xóa sẹo có thể được khuyến nghị nếu vết sẹo của bạn to và lâu năm.
Bôi kem chống nắng thường xuyên
Khi da không được bảo vệ dưới nắng, tia UV từ ánh mặt trời có thể làm chậm quá trình tái tạo của da. Ánh nắng làm cho da tạo ra nhiều sắc tố, khiến vết sẹo trở nên sậm màu hơn. Bạn nên sử dụng kem chống nắng thường xuyên và lựa chọn các loại kem chống nắng có chỉ số SPF 15 trở lên để đạt được hiệu quả che chắn cho da cao hơn.
Thoa kem dưỡng Vaseline
Một số nghiên cứu cho rằng Vaseline có tác dụng làm mờ thâm sẹo tốt. Sử dụng Vaseline 3 lần/ngày đều đặn giúp da đủ ẩm, nhờ đó vết sẹo sẽ mềm mại hơn. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với các vết sẹo lồi, vết sẹo do mụn và thuỷ đậu.
Có chế độ chăm sóc da phù hợp
Một vài sản phẩm chăm sóc da có chứa các thành phần như AHA sẽ làm cho tình trạng sẹo trở nên trầm trọng hơn. Do đó, khi chăm sóc vùng da bị sẹo, bạn nên sử dụng những sản phẩm lành tính và có xuất xứ từ thiên nhiên để không gây ngứa rát cho vết sẹo.
Hạn chế sử dụng mỹ phẩm lên vết sẹo
Bạn không nên lạm dụng mỹ phẩm để che đi vết sẹo vì chúng có thể chứa các thành phần gây kích ứng, vùng da bị sẹo có khả năng bị ngứa. Nếu bạn bắt buộc phải che phủ vết sẹo, bạn có thể tham khảo bảng thành phần của các sản phẩm trang điểm, hãy chọn những sản phẩm chứa khoáng chất và lành tính để đảm bảo an toàn cho da.
Phương pháp giúp hạn chế để lại sẹo
Cũng như cách khắc phục vết sẹo, những cách giúp bạn hạn chế để lại sẹo khi bị thương cũng quan trọng không kém. Bạn nên chăm sóc vết thương theo các bước như sau để tránh hình thành sẹo:
Giữ vùng bị thương sạch sẽ, vệ sinh da bằng nước muối sinh lý hoặc nước.
Cung cấp ẩm cho vết thương để giúp da mau lành hơn. Bạn có thể dưỡng ẩm vết thương bằng sáp dầu khoáng, giúp vết thương không bị khô.
Dùng băng gạc để che phủ vùng da bị thương.
Thay băng mỗi ngày để đảm bảo vết thương luôn sạch và không bị nhiễm trùng.
Bôi kem chống nắng thường xuyên sau khi lành vết thương.
Nếu vết thương là vết thương khâu chưa tháo chỉ, bạn nên tuân thủ hướng dẫn về cách chăm sóc của bác sĩ để vết thương nhanh lành hơn.
Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về cách khắc phục vết sẹo hiệu quả. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích để giúp bạn hạn chế và khắc phục những vết sẹo trên cơ thể, mang lại một diện mạo tự tin hơn nhé.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.