Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Sẹo mổ đẻ: Quá trình hình thành, nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Sinh con là thiên chức cao cả của người phụ nữ và mổ lấy thai là một trong 2 phương pháp sinh được nhiều chị em lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, với phương pháp đẻ mổ, chị em có nguy cơ hình thành sẹo và sẹo mổ đẻ khiến chiều chị em không khỏi tự ti.

Vậy nguyên nhân dẫn đến sẹo mổ đẻ là gì? Cách khắc phục sẹo mổ đẻ ra sao? Trước khi giải đáp các thắc mắc này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các giai đoạn hình thành sẹo mổ đẻ bạn nhé.

Quá trình hình thành sẹo mổ đẻ

Hiện nay, việc sinh mổ ngày càng trở nên phổ biến hơn so với trước đây. Khi mổ đẻ, bác sĩ sẽ rạch phần da ở bụng dưới và phần cơ tử cung để tiếp cận em bé. Vết rạch thường cách phần lông mu một khoảng từ 2 - 5 cm. Chính vì thế, sau mổ đẻ, sản phụ có thể sẽ hình thành sẹo mổ đẻ ở phần bụng dưới.

Tùy theo cơ địa của từng người cũng như tay nghề của bác sĩ khi khâu đóng da bụng trong sinh mổ mà vết sẹo đẻ mổ sẽ có hình dáng và đặc điểm khác nhau.

Về cơ bản, quá trình hình thành sẹo mổ đẻ sẽ trải qua 3 giai đoạn, đó là:

  • Giai đoạn viêm: Kéo dài trong một vài ngày đầu sau khi sinh mổ. Đây là thời điểm máu ngừng chảy và các tế bào bạch cầu trong cơ thể tràn ngập vết mổ đẻ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Trong thời gian này, vết sẹo mổ đẻ sẽ sưng tấy và có màu hồng hoặc đỏ.
  • Giai đoạn tăng sinh: Diễn ra trong 3 - 4 tuần đầu sau mổ. Trong giai đoạn này, các tế bào nguyên bào sợi bắt đầu tập hợp và tăng sinh tại vết sẹo mổ đẻ. Các nguyên bào này sản sinh ra collagen giúp kéo các mép rách lại với nhau. Các mạch máu mới được hình thành, phá vỡ collagen. Lúc này, sẹo mổ đẻ sẽ dày hơn và khi co lại sẽ có sự thay đổi về màu sắc.
  • Giai đoạn tu sửa: Kéo dài vài tháng, thậm chí là một năm. Ở thời kỳ này, các mô sẹo dày và phồng rộp dần dần bong ra và mờ dần.

Thông thường, sẹo mổ đẻ sẽ lành tốt và gần như chỉ thấy một vết sẹo mảnh và trắng, nhạt màu dần theo thời gian. Ở một số trường hợp, vết sẹo mổ chỉ như một đường lằn mờ trên da và trùng khớp với những vết lằn tự nhiên của cơ thể do vậy mà thường rất khó phát hiện.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ chế lành sẹo hoạt động quá mức gây hình thành sẹo lồi, thường xảy ra ở những chị em dưới 30 tuổi và có làn da sẫm màu. Một số chị em lại có vết sẹo mổ đẻ phì đại, cứng, dày và nhô lên cao hơn so với vết sẹo thông thường.

Sẹo mổ đẻ: Quá trình hình thành, nguyên nhân và cách khắc phục 1
Sẹo mổ đẻ hình thành như thế nào?

Nguyên nhân hình thành sẹo mổ đẻ

Trên thực tế, sự hình thành sẹo mổ đẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không kể đến một số nguyên nhân phổ biến sau:

  • Cơ địa: Những chị em có cơ địa dễ hình thành sẹo khi có vết thương hở thì có nguy cơ hình thành sẹo sau mổ đẻ rất cao.
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì khả năng hồi phục vết thương càng chậm. Do đó, nếu mổ đẻ trong độ tuổi càng cao thì nguy cơ để lại sẹo mổ đẻ càng lớn.
  • Chế độ chăm sóc: Chăm sóc vết mổ sau sinh mổ không đúng cách sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc vết mổ có nhanh lành hay không và có để lại sẹo mổ đẻ lớn hay không.
  • Chế độ dinh dưỡng: Sau sinh, chị em phụ nữ cần được bổ sung nhiều dưỡng chất để cơ thể sớm hồi phục sức khỏe, lành thương nhanh và đảm bảo đủ sữa cho trẻ bú. Theo kinh nghiệm của ông bà ta thời xưa, những phụ nữ sau sinh mổ cần tránh các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, gạo nếp, hải sản, rau muống… bởi những loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sự lành thương và hình thành sẹo. Ngoài ra, các loại thực phẩm hoặc thức uống chứa nhiều đường, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… cũng sẽ khiến vết mổ lâu lành hơn bởi chúng sẽ ngăn cản quá trình sản sinh collagen và elastin.
Sẹo mổ đẻ: Quá trình hình thành, nguyên nhân và cách khắc phục 2
Sử dụng chất kích thích sau sinh cũng là nguyên nhân hình thành sẹo mổ đẻ

Cách khắc phục sẹo mổ đẻ

Sẹo mổ đẻ tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe song lại gây mất thẩm mỹ. Tùy theo vết sẹo lớn hay nhỏ, nhu cầu và điều kiện của từng chị em mà các phương pháp điều trị sẹo giữa mỗi người sẽ có sự khác biệt.

Thông thường, với những vết sẹo nhỏ, các chị em thường lựa chọn hỗ trợ cải thiện tại nhà thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên hoặc một số sản phẩm kem trị sẹo. Tuy nhiên, với những vết sẹo mổ đẻ lớn, chị em cần áp dụng đến những phương pháp điều trị công nghệ cao hơn.

Hỗ trợ cải thiện sẹo tại nhà

Một số phương pháp hỗ trợ cải thiện sẹo tại nhà đơn giản, chị em thường áp dụng đó là:

  • Sử dụng đu đủ chín: Đu đủ chín không chỉ chứa các thành phần mang đến công dụng hỗ trợ cải thiện sẹo mà còn chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ làm đều màu vùng da bị sẹo. Với cách hỗ trợ cải thiện sẹo này, chị em chỉ cần xay nhuyễn đu đủ chín sau đó xoa đều lên vết sẹo kết hợp massage nhẹ nhàng trong 15 phút. Kết thúc, chị em lau lại bằng khăn sạch.
  • Vitamin E kết hợp với nghệ: Nghệ kết hợp cùng vitamin E được chứng minh là mang lại hiệu quả rất cao trong việc điều hỗ trợ cải thiện sẹo mổ đẻ. Chị em chỉ cần trộn đều 2 thìa bột nghệ và 2 viên vitamin E tán vụn sau đó thoa lên vết sẹo để trong vòng 15 - 20 phút sau đó rửa lại với nước sạch và dùng khăn sạch lau khô.
  • Sử dụng nha đam: Mẹ bỉm có thể sử dụng gel lấy trực tiếp từ lá của cây nha đam để hỗ trợ cải thiện sẹo mổ đẻ. Là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, nha đam giúp làm mờ sẹo đồng thời giúp làn da của chị em trở nên đều màu và mịn màng hơn.
  • Dầu dừa: Dầu dừa có chứa nhiều khoáng chất có lợi giúp hỗ trợ cải thiện sẹo, làm mềm mịn da và cải thiện sức khỏe làn da vô cùng hiệu quả. Cách thực hiện vô cùng đơn giản, chị em chỉ cần thoa một lượng dầu dừa vừa phải lên vị trí sẹo và massage đều trong thời gian khoảng 20 phút.
  • Kem trị sẹo: Hiện nay trên thị trường có vô vàn các loại kem trị sẹo có chứa các thành phần như vitamin E, vitamin C… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chị em cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đồng thời tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng và thời gian sử dụng các sản phẩm trị sẹo.
Sẹo mổ đẻ: Quá trình hình thành, nguyên nhân và cách khắc phục 3
Nha đam là một trong những nguyên liệu tự nhiên mang lại hiệu quả trị sẹo rất tốt

Điều trị sẹo bằng công nghệ hiện đại

Một số công nghệ trị sẹo được áp dụng phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

  • Liệu pháp laser: Một số tia laser có khả năng loại bỏ sự đổi màu ở sẹo và làm mềm cấu trúc da. Chị em có thể cân nhắc sử dụng liệu pháp này để điều trị sẹo mổ đẻ. Tuy nhiên, chị em cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ sản khoa và bác sĩ thẩm mỹ trước khi tiến hành liệu pháp này.
  • Tiêm steroid: Với những vết sẹo mổ đẻ lồi lớn, phương pháp tiêm steroid có thể giúp giảm viêm và giúp sẹo phẳng hơn. Chị em có thể lựa chọn tiêm ngay tại thời điểm sinh hoặc ngay sau khi vết mổ đã lành để ngăn ngừa sẹo lồi xuất hiện. Ngoài ra, tùy theo mức độ nghiêm trọng của sẹo mà chị em cần được tiêm steroid trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng sau sinh. Với phương pháp này, chị em cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua thuốc tự tiêm ở nhà và chỉ tiêm tại những đơn vị y tế được Bộ Y tế cấp phép.
  • Phẫu thuật sửa sẹo: Ở phẫu thuật sửa sẹo, bác sĩ sẽ loại bỏ hoàn toàn vùng da xung quanh sẹo mổ đẻ sau đó khâu thẩm mỹ tại vết thương mới. Vết khâu thẩm mỹ này sẽ để lại sẹo mỏng và đẹp hơn.
Sẹo mổ đẻ: Quá trình hình thành, nguyên nhân và cách khắc phục 4
Tiêm steroid là một trong những phương pháp giúp hỗ trợ điều trị sẹo lồi

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về sẹo mổ đẻ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ nắm được quá trình hình thành sẹo mổ đẻ, nguyên nhân hình thành sẹo mổ đẻ và cách khắc phục. Cảm ơn bạn đã luôn dõi theo các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu trong suốt chặng đường vừa qua.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:SẹoSinh mổ