Cách làm đồ chơi bằng chai nhựa đơn giản và thú vị cho trẻ
Ngày 18/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nhựa là một chất khó phân huỷ, do đó việc xử lý rác thải nhựa là một vấn đề nan giải đối với môi trường. Do vậy, thay vì vứt bỏ những chai nhựa đã qua sử dụng, bạn có thể tận dụng chúng và làm đồ chơi bằng chai nhựa cho trẻ. Việc tái chế chai nhựa thành đồ chơi không chỉ khiến trẻ thích thú mà còn giúp trẻ học cách bảo vệ môi trường. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những cách làm đồ chơi từ chai nhựa cho bé qua bài viết sau đây nhé!
Tận dụng các loại chai nhựa đã qua sử dụng và làm đồ chơi bằng chai nhựa cho bé là một cách tái chế đầy thú vị và vô cùng đơn giản. Việc biến những chai nhựa cũ thành những món đồ chơi độc đáo và mới lạ không chỉ giúp trẻ học cách tái chế rác thải, bảo vệ môi trường xanh mà còn dạy cho trẻ cách phát huy sự sáng tạo. Bạn có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết dưới đây để tìm hiểu một số cách làm đồ chơi bằng chai nhựa đơn giản tại nhà nhé!
Lợi ích của việc làm đồ chơi bằng chai nhựa tái chế
Trước khi đi vào tìm hiểu về những phương pháp làm đồ chơi bằng chai nhựa tại nhà, chúng ta hãy cùng điểm qua một số lợi ích của việc tái chế chai nhựa cũ thành đồ chơi cho trẻ là gì nhé! Sau đây là một số lợi ích bạn có thể tham khảo:
Giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường: Một trong những loại rác thải phổ biến nhất hiện nay là các loại rác thải từ nhựa, đặc biệt là chai nhựa. Việc sử dụng chai nhựa để tạo ra những món đồ chơi tái chế cũng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, giúp bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giữ gìn nguồn tài nguyên đất, nước và không khí.
Tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên: Sản xuất nhựa yêu cầu phải sử dụng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên như khí đốt, dầu mỏ. Do đó, việc tái sử dụng các chai nhựa bỏ đi không chỉ giúp hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường mà còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hạn chế sự ô nhiễm môi trường: Rác thải nhựa là một loại rác thải khó xử lý, nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái và con người.
Thúc đẩy khả năng sáng tạo của trẻ: Việc tái chế chai nhựa thành đồ chơi có thể là một hoạt động thú vị đối với trẻ, giúp trẻ nâng cao khả năng tư duy sáng tạo của mình.
Rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường: Cha mẹ cho trẻ tham gia vào quá trình làm đồ chơi cũng nên giúp trẻ nhận thức rõ hơn về việc bảo vệ môi trường thông qua tái chế chai nhựa cũ, rèn cho trẻ ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ.
Cách làm đồ chơi bằng chai nhựa đơn giản và thú vị cho bé
Sau đây là một số cách để làm đồ chơi bằng chai nhựa tại nhà đơn giản, cha mẹ có thể tham khảo để cùng bé làm đồ chơi tại nhà như sau:
Cách làm ống heo bằng chai nhựa
Ống heo bằng chai nhựa là một ý tưởng tuyệt vời, không chỉ giúp trẻ học cách tái chế rác thải nhựa mà còn giúp trẻ học tính tiết kiệm tiền với chú heo mình tự làm ra. Sau đây là những nguyên liệu cần chuẩn bị và cách để làm heo đất bằng chai nhựa tại nhà:
Chuẩn bị nguyên liệu: Vỏ chai nhựa cũ, dao rọc giấy, giấy màu, màu nước/sơn acrylic, keo dán nhựa.
Các bước thực hiện: Bạn hãy vẽ 2 hình chiếc lá lên giấy màu rồi dùng kéo cắt ra để làm phần tai. Dùng dao rọc giấy khoét một lỗ hình chữ nhật trên thân chai sao cho vừa đủ để nhét tiền vào. Sau đó, dùng màu nước hoặc sơn để tô màu và trang trí theo sở thích cho ống heo. Dùng keo dán phần tai đã cắt trước đó lên chai và vẽ thêm mắt mũi cho ống heo là quá trình làm ống heo bằng chai nhựa đã hoàn thành.
Cách làm hộp bút bằng chai nhựa
Chỉ với vài bước đơn giản sau đây, cha mẹ có thể hoàn thiện một chiếc hộp bút độc đáo cho con bằng nguyên liệu tái chế:
Chuẩn bị nguyên liệu: Chai nhựa, kéo, màu nước, bút dạ.
Các bước thực hiện: Dùng bút dạ để vẽ lên thân chai các hình ảnh nhân vật mà bé thích, chẳng hạn như mèo hoặc chó,... Sau đó, dùng kéo để cắt theo các đường nét đã phác họa trước đó một cách cẩn thận. Dùng màu nước hoặc giấy màu và các vật dụng tái chế khác trong nhà như nút áo, ghim cài để trang trí thêm cho ống bút.
Cách làm bảng chữ cái bằng chai nhựa
Nếu bạn không có đủ điều kiện để mua những loại đồ chơi giáo dục có trên thị trường, bạn có thể thử áp dụng cách làm đồ chơi bảng chữ cái bằng chai nhựa như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu: Khoảng 29 nắp chai nhựa (nên dùng nắp chai loại lớn), bìa carton/bảng gỗ bỏ đi, bút dạ, keo dán.
Các bước thực hiện: Vẽ 29 chữ cái lên miếng bìa carton/bảng gỗ, để trống 1 khoảng giữa các chữ cái sao cho lớn hơn các nắp chai. Viết đủ các chữ cái lên các nắp chai đã chuẩn bị.
Cha mẹ có thể sử dụng bộ trò chơi bảng chữ cái tự làm này bằng cách hỏi con về một chữ cái để trẻ tự tìm kiếm vị trí của chữ cái trên bảng và đặt nắp chai có viết chữ cái đó lên đúng vị trí. Điều này giúp trẻ rèn luyện tư duy, nhận biết mặt chữ và học chữ cái nhanh thuộc khi chơi cùng bố mẹ.
Những lưu ý khi làm đồ chơi bằng nhựa tái chế
Làm đồ chơi bằng chai nhựa tái chế tại nhà là một hoạt động đơn giản và thú vị để chơi cùng con trẻ, giúp bé nâng cao khả năng sáng tạo và góp phần bảo vệ môi trường sống của chính bạn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên lưu ý một số điểm sau khi làm đồ chơi bằng nguyên liệu tái chế:
Rửa chai nhựa kỹ càng trước khi sử dụng.
Tránh làm đồ chơi có hình dáng và đường nét sắc nhọn để không làm bé bị thương khi chơi.
Chọn lựa những loại nhựa an toàn để sử dụng, không sử dụng những loại nhựa chứa hóa chất có hại.
Sử dụng các loại màu vẽ hoặc sơn màu lành tính, không chứa chất độc hại để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Làm đồ chơi bằng chai nhựa là một cách tốt để giúp các bậc phụ huynh tiết kiệm chi phí và giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Thay vì vứt bỏ những chai nhựa đã qua sử dụng, hãy biến chúng thành những món đồ chơi độc đáo, tạo cho con những kỷ niệm vô giá bạn nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.