Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Tình trạng bong gân cổ chân khá phổ biến, thường gặp trong các tai nạn thể thao hoặc sinh hoạt thường ngày. Vậy khi xảy ra tình trạng như vậy, bạn phải sơ cứu chấn thương như thế nào? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để biết cách sơ cứu bong gân cổ chân đúng cách nhé.
Tình trạng bong gân cổ chân có nhiều người thường xem nhẹ mức độ tổn thương của nó khi chỉ chườm đá hoặc bó lá mà không lường trước được hậu quả. Vậy chúng ta cần làm gì khi bị bong gân cổ chân? Bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn trả lời các thắc mắc về tình trạng bong gân và cách sơ cứu bong gân cổ chân đúng cách nhé.
Bong gân là tình trạng dây chằng bị căng quá mức hay bị rách gây đau và không thể vận động khớp, sai khớp. Tình trạng bong gân cổ chân chính là tình trạng dây chằng ở khu vực xung quanh khớp cổ chân bị giãn ra hay bị rách một phần hoặc toàn bộ dây chằng.
Tùy thuộc vào mức độ chấn thương này mà có thể chỉ tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng hoặc nặng hơn là dây chằng bị rách một phần hoặc hoàn toàn. Những dấu hiệu khi bị bong gân ở cổ chân có thể là đau nhói, sưng nề, bầm tím và không thể cử động được xung quanh khu vực bị bong gân. Với trường hợp chấn thương nhẹ, chúng ta có thể sơ cứu ngay tại nhà hoặc nặng hơn cần phải gặp bác sĩ để thăm khám và được hướng dẫn điều trị kịp thời.
Bong gân cổ chân là một trong những loại chấn thương phổ biến rất dễ gặp phải trong quá trình vận động hàng ngày. Đôi khi bạn chỉ vô tình đi bước hụt cũng làm cho cổ chân bị chấn thương dẫn đến bong gân, viêm gân. Dựa vào lực chấn thương mà bạn gặp phải sẽ có mức độ tổn thương khớp khác nhau. Với chấn thương bong gân cổ chân, có 3 mức độ tổn thương cụ thể như sau:
Mức độ tổn thương 1 là mức nhẹ nhất khi bạn bị bong gân cổ chân. Trường hợp này xảy ra khi lực tác động làm chấn thương vùng cổ chân của bạn không quá lớn, tình trạng dây chằng bị giãn ra nhẹ. Khi bị bong gân ở mức độ 1, bạn sẽ cảm thấy hơi đau một chút và xuất hiện vết sưng nhỏ ở vùng cổ chân của bạn.
Mức độ tổn thương 2 là mức trung bình khi bạn bị bong gân cổ chân. Ở mức độ này, lực tác động làm chấn thương vùng cổ chân của bạn lớn, tình trạng dây chằng có thể đã bị rách hoặc bị đứt một phần. Khi bị bong gân ở mức độ 2, bạn sẽ cảm thấy đau, hơi mất vững ở phần bàn chân. Đồng thời vùng cổ chân của bạn bị sưng và thâm khá lớn.
Mức độ tổn thương 3 là mức nặng nhất khi bạn bị bong gân cổ chân. Với mức độ này, lực tác động làm chấn thương vùng cổ chân của bạn khá lớn, tình trạng dây chằng có thể đã bị đứt toàn bộ. Khi bị bong gân ở mức độ 3, bạn sẽ cực kỳ đau và hoàn toàn bị mất vững khớp cổ chân. Đồng thời vùng cổ chân của bạn bị sưng và thâm khá lớn.
Như bạn cũng đã biết, tình trạng bong gân, đặc biệt là bong gân ở cổ chân thường gặp trong tai nạn sinh hoạt, vận động hằng ngày. Khi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như cơn đau dữ dội từ cổ chân và kèm theo là vết thâm tím, bạn cần tiến hành sơ cứu kịp thời để không để lại di chứng về sau. Dưới đây là 4 bước thực hiện sơ cứu bong gân cổ chân đúng cách như sau:
Khi bị bong gân cổ chân, bạn cần nghỉ ngơi, không đi lại quá nhiều, hạn chế vận động để giảm đau và tránh việc chấn thương trở nên nặng hơn như bị viêm khớp. Nếu chấn thương nhẹ, bạn có thể dùng nạng, gậy hoặc nẹp để cố định cổ chân. Hãy đảm bảo rằng vùng chấn thương được nghỉ ngơi hoàn toàn. Lưu ý rằng bạn không được cố gắng nắn, bẻ, chỉnh sửa nơi bị đau để đưa về vị trí bình thường hay lặp đi lặp lại các động tác cử động khó khăn sẽ làm cho vết thương của bạn nặng hơn đó.
Khi bị bong gân cổ chân, bạn sẽ cảm thấy đau và sưng phù ở vùng cổ chân bị tổn thương. Bạn có thể dùng thuốc xịt giảm đau hoặc túi chườm đá lạnh. Để giảm đau bằng chườm đá, bạn đặt đá vào túi nilon, dùng khăn bọc lại và chườm mỗi lần 20 - 30 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần trong 24h đầu. Lưu ý không đặt trực tiếp đá chườm lên vết thương mà phải bọc bằng khăn để tránh tê cóng.
Để cố định khớp chân tránh cử động làm vết thương trở nên nặng hơn, bạn cần quấn băng cổ chân. Sử dụng băng thun quấn ép nhẹ nhàng xung quanh khớp chân giúp chấn thương giảm sưng nề và mau phục hồi hơn. Lưu ý không nên quấn chặt quá làm cho máu không lưu thông được nhưng cũng không quá lỏng sẽ làm cho việc quấn băng không có tác dụng gì.
Trong vòng 48 giờ đầu, bạn nên kê cao vùng chân lên để tăng lượng máu tĩnh mạch dồn về hệ tuần hoàn, giảm sưng nề. Sau đó, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để kiểm tra chấn thương và có phương án điều trị phù hợp nhất.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về cách sơ cứu bong gân cổ chân đúng cách. Hy vọng những nội dung trong bài viết này sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho bạn.
Minh Thúy
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.