Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sai khớp là bệnh gì? Sai khớp có dễ tái lại không?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sai khớp xảy ra khi có va chạm hay té ngã làm khớp xương bị lệch khỏi vị trí vốn có, gây đau và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Khi bị sai khớp, bạn có thể chườm đá để giảm đau và sưng, tuyệt đối không di chuyển khớp bị thương và đến bệnh viện ngay lập tức để được xử lý kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sai khớp là gì?

Sai khớp (hay trật khớp) là tình trạng khi khớp xương bị lệch khỏi vị trí vốn có của nó. Tùy mức độ chấn thương mà khớp có thể bị trật một phần hoặc lệch hoàn toàn khỏi vị trí ban đầu.

Sai khớp có thể gặp ở bất cứ khớp nào trên cơ thể nhưng thường bị ảnh hưởng nhất là các khớp ngón tay, vai, đầu gối, khuỷu tay, hông, hàm. Thời gian lành tùy thuộc vào vị trí bị thương và mức độ nghiêm trọng của va chạm. Sai khớp ngón tay thường lành sau 3 tuần, sai khớp hông có thể mất đến vài tháng hoặc lâu hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sai khớp

Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của sai khớp có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tổn thương:

  • Đau, đặc biệt là mỗi khi cử động.

  • Bầm tím và sưng, tê ở nơi bị tổn thương.

  • Khớp không ổn định và không cử động được.

  • Khớp bị biến dạng.

Tác động của Sai khớp đối với sức khỏe 

Sai khớp có thể sẽ rất đau và bệnh nhân không thể cử động vùng bị sai khớp. Tuy nhiên, tình trạng này thường không quá nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời và cơn đau sẽ giảm đáng kể khi khớp được nắn trở lại vị trí cũ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Sai khớp

Hầu hết các trường hợp trật khớp không gây nên biến chứng nào nghiêm trọng hoặc lâu dài. Tuy nhiên, sai khớp nặng có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu xung quanh khớp. Các trường hợp này nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến máu không thể lưu thông đến vùng bị ảnh hưởng, làm chết các mô xung quanh.

Bên cạnh đó, sai khớp có thể bị tái phát vì các mô xung quanh đã bị kéo căng, đặc biệt là ở các khớp hoạt động nhiều như khớp gối và khớp vai.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sai khớp là tình trạng khẩn cấp, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sai khớp

Chấn thương do tai nạn giao thông, chơi thể thao, té ngã…

Khi các cơ, gân xung quanh khớp yếu cũng có thể dễ dẫn đến sai khớp dù chỉ thực hiện các hoạt động bình thường.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Sai khớp?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị sai khớp, đặc biệt là những đối tượng sau:

  • Người lớn tuổi;

  • Trẻ em;

  • Người bị yếu cơ hoặc có các vấn đề về thăng bằng;

  • Vận động viên thể thao hoặc người chơi các môn thể thao có nguy cơ cao té ngã (bóng đá…);

  • Người có cường độ vận động cao hoặc thường xuyên mang vác vật nặng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Sai khớp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Sai khớp, bao gồm:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi (đặc biệt là trên 65 tuổi) có nguy cơ cao bị sai khớp hơn do xương khớp, các cơ, gân bắt đầu lão hóa và khả năng vận động bị suy giảm; trẻ em dễ bị sai khớp do năng động, đứng chưa vững...

  • Đang mắc phải các bệnh về cơ xương khớp (hội chứng Ehlers – Danlos, viêm khớp…)

  • Yếu tố môi trường (mưa gió làm tăng nguy cơ té ngã và tai nạn giao thông…).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sai khớp

Bác sĩ có thể chẩn đoán sai khớp bằng cách quan sát độ biến dạng khớp ở khu vực bị thương, cách bệnh nhân cử động khớp và hỏi về nguyên nhân chấn thương.

Để chẩn đoán chính xác hơn và xác định mức độ nghiêm trọng của sai khớp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X quang hoặc MRI vùng bị thương.

Phương pháp điều trị sai khớp hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Chườm đá để giảm đau và hạn chế di chuyển khớp bị thương đến khi gặp bác sĩ.

Bác sĩ có chuyên môn sẽ giúp bạn nắn khớp về vị trí cũ. Sau đó, bạn có thể phải sử dụng đến đai, nẹp để cố định khớp hoặc bó bột nếu bị gãy xương cho đến khi lành hoàn toàn.

Thuốc giảm đau có thể được chỉ định để làm dịu cơn đau.

Tập các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường sự dẻo dai của cơ và dây chằng.

Một số trường hợp sau có thể phải cần phải phẫu thuật:

  • Không thể nắn khớp về vị trí cũ được.

  • Sai khớp có ảnh hưởng đến mạch máu và dây thần kinh.

  • Sai khớp có ảnh hưởng đến xương, làm rách cơ hoặc dây chằng.

  • Một khớp bị trật nhiều lần có thể cần phải phẫu thuật thay khớp.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sai khớp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Đi lại cẩn thận, tránh té ngã.

  • Đeo đai/nẹp theo yêu cầu của bác sĩ để khớp nhanh được chỉnh về đúng vị trí.

  • Không cử động nhiều ở khớp bị tổn thương và tuyệt đối không mang vác vật nặng đến khi khớp xương lành hẳn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều chất xơ, hạn chế chất béo.

  • Bổ sung thêm thức ăn giàu calci (xương sụn, sữa và các sản phẩm từ sữa…).

Phương pháp phòng ngừa Sai khớp hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Đi lại cẩn thận, tránh té ngã, đặc biệt là khi đi cầu thang hoặc đường trơn trượt.

  • Sử dụng thảm chống trượt trong nhà, lắp các thanh vịn ở cầu thang.

  • Theo dõi kỹ trẻ em và người già.

  • Sử dụng quần áo và dụng cụ bảo hộ khi chơi thể thao.

  • Thường xuyên rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe và tăng cường sự dẻo dai cho cơ bắp.

  • Duy trì cân nặng thích hợp để tránh béo phì gây tăng áp lực lên các khớp xương.

Nguồn tham khảo
  1. https://my.clevelandclinic.org/
  2. https://www.healthline.com/
  3. https://www.webmd.com/
  4. https://www.mayoclinic.org/

Các bệnh liên quan

  1. Đau xương khớp

  2. Gout cấp tính

  3. Viêm xương

  4. Viêm khớp mạn tính

  5. Viêm cơ

  6. Rách sụn chêm khớp gối

  7. Tê bì chân tay

  8. Đau vùng thắt lưng

  9. Thoát vị đĩa đệm

  10. Loãng xương ở nam