Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân

Ngày 02/05/2022
Kích thước chữ

Gãy xương cẳng chân là một tình trạng chấn thương thường gặp vì tai nạn thương tích. Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi tới bạn cách sơ cứu gãy xương cẳng chân chính xác qua bài viết dưới đây!

Gãy xương cẳng chân nói riêng hay gãy xương nói chung đều được chia thành hai loại: Gãy hở và gãy kín. Tùy từng trường hợp mà mức độ nguy hiểm của gãy xương cẳng chân là khác nhau.

Tuy nhiên, gãy ở vị trí xương cẳng chân có thể để lại nhiều di chứng cho nạn nhân, tiêu biểu nhất là nạn nhân không thể đi lại bình thường được như trước. Những di chứng này thường khó hồi phục và có thể theo nạn nhân đến suốt đời. Do đó, sơ cứu gãy xương cẳng chân kịp thời và đúng cách sẽ giúp nạn nhân hạn chế được các biến chứng sau này.

Dấu hiệu nhận biết gãy xương cẳng chân

Trong trường hợp gãy kín, có thể quan sát thấy bên chân gãy bị biến dạng, lệch trục và ngắn hơn bên chân lành ở nạn nhân gãy xương cẳng chân. Điểm gãy xương cẳng chân xuất hiện tình trạng sưng nề, bầm tím, khi chạm vào thấy gồ lên và có tiếng lạo xạo. Nạn nhân khi cử động có cảm giác đau nhói khiến khả năng vận động của bên chân gãy bị giảm hoặc mất hoàn toàn.

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân 1 Gãy xương cẳng chân khiến nạn nhân cảm thấy đau đớn khi vận động

Đối với trường hợp gãy xương cẳng chân hở, có thể dễ dàng quan sát thấy ổ gãy thông với bên ngoài nên việc nhận biết xương gãy dễ dàng hơn. Tuy nhiên, gãy xương hở có nguy cơ bị nhiễm trùng và mất máu rất cao nên cần được sơ cứu thật nhanh chóng và chính xác để hạn chế khả năng nạn nhân bị sốc.

Một số điều cần lưu ý trước khi sơ cứu gãy xương cẳng chân

Mục đích của sơ cứu gãy xương là giúp nạn nhân đỡ đau và chống sốc. Do đó, cần hạn chế làm di lệch và tổn thương các mạch máu, cơ, da xung quanh vùng chấn thương, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn trong trường hợp gãy hở.

Cần chuẩn bị nẹp đủ dài để bất động xương cẳng chân bị gãy một cách chắc chắn. Loại nẹp thường được sử dụng là nẹp gỗ trơn nhẵn, nẹp bằng tre hoặc các thanh vật liệu có sẵn, có kích thước tùy thuộc vào nạn nhân cao hay thấp, là người lớn hay trẻ em… Ngoài ra, cần chuẩn bị gạc, bông không thấm nước hoặc vải mềm để làm đệm lót ở vị trí đầu nẹp và chỗ lồi của đầu xương; băng hoặc dây vải để buộc cố định nẹp. 

Trong trường hợp nạn nhân bị gãy hở, cần có gạc, bông băng để sơ cứu và cầm máu vết thương trước khi thực hiện cố định xương bị gãy. Gạc đắp lên vết thương hở cần đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối để tránh nhiễm khuẩn cho nạn nhân.

Các bước sơ cứu gãy xương cẳng chân

Khi nghi ngờ nạn nhân bị gãy xương cẳng chân, cần nhanh chóng gọi thêm ít nhất 2 người đến hỗ trợ và bắt đầu thực hiện các bước sơ cứu sau:

Bước 1: Đánh giá dấu hiệu sinh tồn và tình trạng chấn thương

Người thực hiện sơ cứu đặt nạn nhân ở tư thế nằm và giải thích ngắn gọn quy trình sơ cứu để nạn nhân cùng phối hợp. Sau đó, bộc lộ vùng bị tổn thương, đánh giá nhanh các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng của cẳng chân bị gãy. Nếu nạn nhân có dấu hiệu bị sốc do đau hoặc mất máu quá nhiều, cần thực hiện cầm máu trước khi tiến hành nẹp cố định cẳng chân.

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân 2 Thực hiện cầm máu và băng bó vết thương trong sơ cứu gãy xương cẳng chân

Bước 2: Dùng nẹp để bất động cẳng chân bị gãy

Trong bước này, người phụ thứ nhất ngồi bên cạnh cẳng chân của nạn nhân, luồn hai tay xuống dưới, đỡ chân nạn nhân nâng lên tại điểm trên và dưới vị trí gãy. Người phụ thứ hai ngồi đối diện với lòng bàn chân của nạn nhân, dùng một tay đỡ gót chân nạn nhân và kéo theo tư thế thẳng trục với một lực không đổi vừa phải; tay còn lại nắm bàn chân người bị nạn và đẩy nhẹ ngược về phía đùi để bàn chân vuông góc với cẳng chân; mắt luôn quan sát sắc mặt của nạn nhân.

Trong khi đó, người sơ cứu chính sẽ thực hiện đặt nẹp cố định xương cẳng chân cho nạn nhân. Cần sử dụng 2 nẹp: Nẹp trong đặt từ bẹn đến quá gót, nẹp ngoài đặt từ mào chậu đến quá gót, cố định 2 nẹp vào nhau bằng cách buộc băng cuộn hoặc dây vải tại vị trí trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy, trên khớp gối. Lưu ý, tại đầu nẹp và các phần xương nhô ra, cần dùng bông hoặc vải mềm để đệm lót.

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân 3 Bất động xương gãy bằng nẹp và dây vải

Bước 3: Cố định chân ở tư thế chức năng

Băng bó bàn chân nạn nhân theo kiểu băng số 8 để giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân, sau đó buộc hai chân vào nhau tại vị trí cổ chân và khớp gối để cố định thành một khối.

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân  4 Cố định bằng cách buộc hai chân lại với nhau

Bước 4: Đảm bảo vị trí dưới điểm gãy vẫn được tuần hoàn máu

Người sơ cứu thực hiện kiểm tra sự lưu thông máu của vùng dưới cẳng chân gãy qua các dấu hiệu như nhiệt độ, cảm giác, màu sắc ngón chân…

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân  5 Kiểm tra tuần hoàn ở bàn chân, các đầu ngón chân

Nếu bỏ qua bước này, vùng dưới ổ gãy của nạn nhân có khả năng không được cung cấp máu đầy đủ, lâu dần có thể dẫn đến tình trạng hoại tử và bắt buộc nạn nhân phải cắt cụt chi. Do vậy, cần kiểm tra để đảm bảo sự lưu thông máu ở vùng chân dưới ổ gãy ngay sau khi thực hiện cố định chân và trước khi đưa nạn nhân đi đến trạm xá hay bệnh viện.

Bước 5: Đưa người bị nạn đến cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian sớm nhất

Sau khi hoàn thành sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện ngoại khoa để được thăm khám và điều trị chuyên khoa. Trong quá trình vận chuyển nạn nhân, cần lưu ý hạn chế va đập và dịch chuyển vị trí tổn thương.

Gãy xương cẳng chân là một tình trạng chấn thương phổ biến nhưng có mức độ nguy hiểm vô cùng đa dạng. Nếu không kịp thời sơ cứu, gãy xương cẳng chân có thể để lại cho nạn nhân rất nhiều di chứng về sau. Thậm chí, di chứng đó có thể theo nạn nhân đến suốt đời. Do vậy, việc nắm được phương pháp sơ cứu đúng cách là vô cùng quan trọng, có khả năng giúp bạn và những người xung quanh có thể yên tâm hơn nếu không may gặp phải những chấn thương ngoài ý muốn. Ngoài ra, hãy chú ý tới cách phương pháp chăm sóc người bệnh sau gãy xương nữa bạn nhé.

Qua bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu vừa gửi đến bạn những hướng dẫn về phương pháp sơ cứu gãy xương cẳng chân đúng cách. Hy vọng rằng bài viết này có thể đem lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Nhà thuốc Long Châu kính chúc quý độc giả có thật nhiều sức khỏe và mong rằng bạn sẽ tiếp tục ủng hộ Nhà thuốc trong thời gian sắp tới!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin