Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu hạ huyết áp bạn nên biết

Ngày 07/07/2022
Kích thước chữ

Vấn đề bệnh lý tim mạch hiện nay đang là chủ đề nóng trong y học. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ quan tâm đến tăng huyết áp mà không hề biết rằng hạ huyết áp cũng có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các sơ cứu hạ huyết áp qua bài viết này nhé!

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch và là chỉ số nhằm đánh giá chức năng sống của con người. Bất kể sự biến động tăng hay giảm huyết áp đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Sơ cứu cao huyết áp hiện nay đã được phổ biến rộng rãi và chỉ định dùng thuốc tương đối đơn giản, nhưng sơ cứu hạ huyết áp lại không dễ như vậy, để điều trị hạ áp cần đưa bệnh nhân vào viện để theo dõi từ sớm, xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hạ huyết áp là gì?

Chỉ số huyết áp của mỗi người cũng như mỗi thời điểm có thể có sự thay đổi. Tuy nhiên, hạ huyết áp là khi huyết áp tâm thu (chỉ số đứng trước) nhỏ hơn 90 mmHg và huyết áp tâm trương (chỉ số đứng sau) nhỏ hơn 60 mmHg, hoặc giảm hơn 20 mmHg so với bình thường.

Huyết áp thấp còn được gọi là tụt huyết áp gây thiếu máu và oxy nuôi dưỡng cho não bộ và các cơ quan trọng khác có thể gây sốc, suy thận cấp hoặc đột quỵ đem lại những nguy hại cho tính mạng người bệnh.

Cách sơ cứu hạ huyết áp bạn nên biết 1 Các chỉ số huyết áp cần quan tâm trong sơ cứu hạ huyết áp

Nguyên nhân hạ huyết áp

Có rất nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp, trong đó các nguyên nhân phổ biến được biết đến bao gồm:

  • Hạ huyết áp tư thế tức là khi bệnh nhân đang ngồi hoặc nằm đột nhiên đứng dậy thấy chóng mặt, choáng váng.
  • Mất quá nhiều máu sau một chấn thương gây chảy máu số lượng lớn hoặc bệnh nhân có nôn máu nhiều, đi ngoài ra máu hoặc phân nâu đen kéo dài.
  • Bệnh nhân có tình trạng mất nước như nôn nhiều ra dịch tiêu hóa, tiêu chảy cấp hoặc sau lao động nặng toát nhiều mồ hôi.
  • Các rối loạn của tim như rối loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim, suy tim hoặc nhiễm trùng mức độ nặng đều có thể gây nên hạ huyết áp.
  • Người bệnh có thể có hạ huyết áp trong trường hợp sử dụng quá liều thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm.
Cách sơ cứu hạ huyết áp bạn nên biết 2 Tiêu chảy cấp có thể gây hạ huyết áp

Ai dễ bị hạ huyết áp?

Ở những đối tượng dễ bị hạ huyết áp cần phải thường xuyên để tâm đến các triệu chứng bất thường để kịp thời sơ cứu hạ huyết áp. Người dễ bị hạ huyết áp bao gồm:

  • Người có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng.
  • Người nằm quá nhiều, ít vận động.
  • Người bệnh đang có các đợt nhiễm trùng, tiêu chảy hoặc các bệnh tim mạch...
  • Phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Biểu hiện hạ huyết áp

Hạ huyết áp gây thiếu máu vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng cho não, thận, phổi, hệ tiêu hóa... Tùy theo mức độ hạ huyết áp mà các triệu chứng người bệnh có thể gặp như:

  • Bệnh nhân có choáng váng, hoa mắt hoặc xây xẩm mặt mày thường gặp khi hạ huyết áp tư thế.
  • Người bệnh đau vùng đỉnh đầu dữ dội có thể lan khắp đầu.
  • Nếu hạ huyết áp nặng có thể gây mê sảng hoặc ngất lịm.
  • Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp dấu hiệu ù tai, mất hoặc giảm thính giác, mắt mờ...
  • Thiếu nuôi dưỡng cho hệ tiêu hóa có thể gây đau bụng, buồn nôn.
  • Hạ huyết áp có thể gây tăng tần số thở, thở nông kèm theo hồi hộp, tim nhanh, có thể nghe thấy tiếng trống ngực.
  • Người bệnh có thể da nhợt nhạt, lạnh ẩm hoặc có cảm giác khát nhiều, nước tiểu ít.
Cách sơ cứu hạ huyết áp bạn nên biết 3 Hoa mắt, xây xẩm mặt mày có thể gặp trong hạ huyết áp

Cách sơ cứu hạ huyết áp

Khi có các biểu hiện gợi ý hạ huyết áp thì người bệnh hoặc người xung quanh cần phát hiện sớm và thực hiện sơ cứu hạ huyết áp kịp thời để ổn định tình trạng cho người bệnh.

Bước 1: Sơ cứu hạ huyết áp bằng nằm đầu thấp

Diễn biến xấu nhất ở hạ huyết áp là thiếu nuôi dưỡng cho não gây đau đầu, đột quỵ hoặc biến chứng thần kinh sau này. Khi phát hiện hạ huyết áp, chúng ta cần:

  • Đỡ người bệnh từ từ ngồi xuống, nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh, thoáng mát.
  • Cho người bệnh nằm sao cho đầu thấp hơn tim.
  • Có thể gác chân người bệnh lên ghế hoặc nhấc cao chân để dồn máu từ chân về tim sau đó cấp máu cho não.
Cách sơ cứu hạ huyết áp bạn nên biết 4 Tư thế đầu thấp trong sơ cứu hạ huyết áp

Bước 2: Sơ cứu hạ huyết áp cần đo huyết áp

Nếu có thiết bị đo huyết áp tại nhà thì cần nhanh chóng đo để đánh giá mức độ hạ huyết áp của người bệnh. 

Nếu huyết áp không giảm quá nhiều và các dấu hiệu hạ huyết áp ở mức độ nhẹ có thể để người bệnh nằm tại nhà để theo dõi, ngược lại thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Bước 3: Sơ cứu hạ huyết áp cần hỗ trợ nâng huyết áp

Người bệnh có hạ huyết áp nên uống 2 cốc nước ấm tương đương 500ml vì có thể tăng khối lượng dịch trong cơ thể, nhờ đó nâng huyết áp. Ngoài ra, người bệnh có thể thay thế bằng trà gừng ấm, nước chè đặc, cà phê, socola hoặc ăn đồ ăn có nhiều muối.

Nếu người bệnh có thuốc điều trị hạ huyết áp như coramin, heptamyl... thì có thể uống ngay lập tức theo đúng liều lượng quy định.

Bước 4: Sơ cứu hạ huyết áp bằng bấm huyệt

  • Có thể dùng tay day vào huyệt thái dương ở trên trán mức độ mạnh dần từ 20 - 50 vòng.
  • Day vào huyệt phong trì ở sau gáy tương ứng vị trí giữa 2 khối cơ gần ụ xương sau đầu.
  • Ngoài ra, có thể dùng 2 ngón tay vuốt từ vùng giữa trán đến huyết thái dương từ 20 - 30 lần.

Bước 5: Sơ cứu hạ huyết áp theo nguyên nhân

Nếu người bệnh thuốc các đối tượng dễ bị hạ huyết áp, đang có các bệnh lý hoặc sử dụng thuốc thì sau khi tiến hành sơ cứu hạ huyết áp cần được đưa đến cơ sở y tế để điều trị hạ huyết áp theo đúng nguyên nhân và phác đồ.

Dự phòng hạ huyết áp

Hạ huyết áp nếu biết sơ cứu đúng cách có thể không nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, cách tốt hơn hết là cần dự phòng để không để tình trạng hạ huyết áp xảy ra. Một vài cách có thể áp dụng để dự phòng hạ huyết áp như:

  • Tránh đột ngột thay đổi tư thế.
  • Nếu không mắc các bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc tăng huyết áp thì cần ăn đầy đủ muối mỗi ngày.
  • Uống đủ nước, bù dịch hoặc điện giải ở người lao động nặng hoặc có tiêu chảy cấp.
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
  • Ăn uống đầy đủ, đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
  • Khám sức khỏe hoặc kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên để phát hiện sớm bệnh.

Tóm lại, hạ huyết áp có thể chưa được mọi người biết đến rộng rãi nhưng có thể đe dọa tính mạng người bệnh tương đối nhanh chóng. Nhà thuốc Long Châu hi vọng qua bài viết trên, bạn đã nắm được các sơ cứu hạ huyết áp để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của nó.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin