Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Huyết áp kẹt: Nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả

Ngày 21/10/2024
Kích thước chữ

Huyết áp kẹt là một tình trạng nguy hiểm khi khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương bị thu hẹp đáng kể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuần hoàn máu và chức năng tim. Không ít người thường bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của huyết áp kẹt, dẫn đến các biến chứng khó lường. Hiểu rõ nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả sẽ giúp ngăn ngừa rủi ro sức khỏe, bảo vệ tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong các vấn đề về sức khỏe tim mạch, huyết áp kẹt là tình trạng mà nhiều người chưa nắm rõ dù nguy cơ gây biến chứng cao. Sự bất thường này có thể là hệ quả của nhiều yếu tố sức khỏe khác nhau, từ bệnh lý đến những căng thẳng thường nhật. Vậy đâu là nguyên nhân gây huyết áp kẹt và làm thế nào để xử trí hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về tình trạng này cùng các biện pháp giúp kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả.

Huyết áp kẹt là gì?

Huyết áp là chỉ số cho biết áp lực máu tác động lên thành mạch máu, bao gồm huyết áp tâm thu (áp lực cao nhất khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (áp lực thấp nhất khi tim giãn ra). Một người được coi là có huyết áp bình thường khi huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg. Để duy trì tuần hoàn máu ổn định, khoảng cách giữa hai chỉ số này cũng cần được giữ ở mức phù hợp.

Huyết áp kẹt: Nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả 1
Huyết áp kẹt là tình trạng khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 20 mmHg

Huyết áp kẹt (huyết áp kẹp) là tình trạng khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 20 mmHg. Ví dụ, nếu huyết áp tâm thu là 110 mmHg và huyết áp tâm trương ở mức 85 - 90 mmHg, người đó có thể gặp tình trạng huyết áp kẹt.

Khi huyết áp kẹt xảy ra, khả năng bơm máu của tim bị suy giảm, tuần hoàn máu trong cơ thể sẽ yếu đi hoặc bị ngưng trệ. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể làm tăng lực cản ngoại vi, dẫn đến phì đại thất trái và sau cùng là suy tim. Dù huyết áp kẹt có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp kiểm soát tình trạng này hiệu quả.

Tình trạng huyết áp kẹt có thể xảy ra ngắn hạn, gây ra một số triệu chứng như:

  • Tức ngực, khó thở, cảm giác hụt hơi, thở ngắn, phải thở mạnh hơn bình thường.
  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt do lượng máu cung cấp cho não giảm sút.
  • Cảm giác ớn lạnh, khó tập trung và suy giảm trí nhớ.

Nếu không được điều trị, huyết áp kẹt kéo dài có thể làm suy yếu chức năng tim và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như phì đại thất trái và suy tim.

Huyết áp kẹt: Nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả 2
Tình trạng huyết áp kẹt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ

Nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp kẹt

Khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương bất thường có thể xuất hiện do tình trạng tăng huyết áp tâm trương, giảm huyết áp tâm thu, hoặc cả hai. Dưới đây là một số nguyên nhân và tình trạng sức khỏe thường gặp có thể dẫn đến huyết áp kẹt:

Mất máu nội mạch

Tình trạng mất máu nội mạch quá mức có thể xảy ra do chấn thương hoặc do dịch rò rỉ khỏi mạch máu trong các bệnh lý như sốt xuất huyết, suy tim,… Khi lượng máu trong mạch giảm đáng kể, áp lực máu lên thành mạch cũng giảm, dễ gây ra huyết áp kẹt. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu và bổ sung máu kịp thời để tránh rủi ro.

Bệnh lý van tim

Một số bệnh lý van tim có thể gây ra tình trạng huyết áp kẹt:

Hẹp van động mạch chủ: Bệnh lý này làm hạn chế lượng máu được bơm ra từ thất trái trong mỗi nhịp tim, khiến huyết áp tâm thu giảm. Nếu huyết áp tâm trương vẫn giữ nguyên hoặc tăng, khoảng cách giữa hai chỉ số này sẽ thu hẹp, dẫn đến huyết áp kẹt.

Hẹp van hai lá: Khi van hai lá bị hẹp, máu ứ lại trong tâm nhĩ trái, làm tăng huyết áp tâm trương. Trong khi đó, huyết áp tâm thu có thể giảm hoặc giữ nguyên, làm gia tăng nguy cơ huyết áp kẹt.

Huyết áp kẹt: Nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả 3
Bệnh lý van tim có thể gây ra tình trạng huyết áp kẹt

Các nguyên nhân sức khỏe khác

Huyết áp kẹt cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác như chèn ép tim do tràn máu hoặc dịch trong màng tim, tràn dịch ổ bụng, cổ trướng, hoặc suy tim. Những tình trạng này làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, ảnh hưởng đến áp lực trong mạch máu và gây ra huyết áp kẹt.

Khi đã xác định được nguyên nhân gây ra huyết áp kẹt, việc điều trị và kiểm soát sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong nhiều trường hợp, biến chứng do bệnh lý gây ra thậm chí còn nghiêm trọng hơn là tình trạng huyết áp kẹt. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát tốt sức khỏe và giảm thiểu các rủi ro liên quan.

Cách xử trí khi bị huyết áp kẹt

Huyết áp kẹt là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm, nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tim và lưu thông máu. Vì vậy, người bệnh cần nắm được kiến thức cơ bản để nhận biết sớm và xử lý đúng cách khi gặp phải tình trạng này.

Triệu chứng của huyết áp kẹt khá rõ ràng. Khi xuất hiện các biểu hiện như chóng mặt, đau đầu, hoặc khó thở, người bệnh nên dừng mọi hoạt động, tập trung hít thở sâu và nằm nghỉ ngơi. Đa số các triệu chứng sẽ giảm dần khi cơ thể được thư giãn và nghỉ ngơi, vì vậy việc giữ bình tĩnh là rất quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều người thường lo lắng hoặc mất bình tĩnh khi gặp triệu chứng này, điều này chỉ làm cho huyết áp dao động mạnh hơn. Sau khi các triệu chứng thuyên giảm, người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị thích hợp, đảm bảo tình trạng không tái phát hay tiến triển nặng hơn.

Huyết áp kẹt: Nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả 4
Huyết áp kẹt là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám

Đối với những người đã có chẩn đoán mắc các bệnh lý tim mạch hoặc huyết áp, cần tuân thủ điều trị và uống thuốc đúng cách để duy trì huyết áp ổn định. Tuy nhiên, mọi loại thuốc cần phải được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ hoặc tình trạng xấu đi.

Nắm vững các bước xử lý và phòng ngừa huyết áp kẹt không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giúp người bệnh tự tin hơn trong việc kiểm soát tình trạng này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.