Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở ở trẻ em

Ngày 12/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi bị sặc thức ăn hoặc đồ chơi, trẻ nhỏ sẽ bị hóc. Trong 4 phút không được sơ cứu hóc dị vật đường thở kịp thời, trẻ không thở được, não không được cấp đủ oxy thì sẽ tổn thương vĩnh viễn. Tham khảo bài viết của Nhà Thuốc Long Châu dưới đây để thực hiện sơ cứu đúng cách.

Dị vật đường thở là những vật có chất rắn hoặc lỏng, xâm nhập vào đường hô hấp ở vùng miệng, mũi, từ thanh quản đến phế quản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hóc dị vật đường thở. Tai nạn sinh hoạt này xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Biết cách sơ cứu hóc dị vật đường thở sẽ giúp bạn xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng cho nạn nhân.

Nguyên nhân gây hóc dị vật đường thở

Một số nguyên nhân chính dẫn đến dị vật đường thở thường gặp có thể kể đến là:

  • Khóc, đùa giỡn trong lúc ăn, uống.
  • Thói quen ngậm đồ vật khi chơi.
  • Rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở trẻ em và người lớn tuổi.
  • Uống nước không đảm bảo vệ sinh, ký sinh trùng không thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ chui vào sống ký sinh trong đường thở.
  • Vật nhỏ cho vào mũi, miệng rơi vào đường thở, chẳng hạn như hạt na, hạt đậu phộng, hạt hồng xiêm, xương cá, đuôi bút bi…
Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở ở trẻ em 1 Trẻ ăn trong lúc khóc là nguyên nhân gây hóc, cần sơ cứu dị vật đường thở sớm

Dấu hiệu hóc dị vật đường thở

Khi bị hóc đường thở, trẻ sẽ có một số biểu hiện sau:

  • Đang ăn, đang chơi đột nhiên bị ho sặc sụa.
  • Khó thở, ngạt thở, tím tái.
  • Trợn mắt, cố ho khạc để tống dị vật ra ngoài.
  • Có âm thanh rít khi cố gắng thở.
  • Mất ý thức.

Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở

Khi sơ cứu dị vật đường thở, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà bạn hãy quyết định loại kỹ thuật phù hợp. Đối với trẻ nhỏ, bạn hãy thực hiện thủ thuật vỗ lưng ấn ngực. Đối với trẻ lớn, kỹ thuật sơ cứu cần thực hiện là Heimlich.

Sơ cứu dị vật đường thở khi trẻ còn hồng hào

Nếu trẻ bị hóc dị vật đường thở nhưng cơ thể còn hồng hào, la hét, khóc và nói được, vẫn thở bình thường thì dị vật không cản trở đường thở hoặc cản trở không nhiều. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần nhanh chóng xử lý để tránh dị vật thay đổi vị trí làm tổn thương các bộ phận khác.

Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở ở trẻ em 2 Đưa trẻ đến bệnh viện gắp dị vật nếu bé vẫn còn hồng hào

Các bước sơ cứu:

  • Đặt trẻ ở tư thế ngồi thở.
  • Cố gắng giữ yên tư thế rồi đưa bé đến bệnh viện khám và gắp dị vật ra ngoài.

Sơ cứu hóc dị vật đường thở khi trẻ tím tái

Nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu tím tái, khó thở, khóc yếu hoặc không thể khóc nghĩa là dị vật đã cản trở đường thở nhưng không cản trở hoàn toàn. Việc đầu tiên cha mẹ cần làm là nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc người có chuyên môn y tế đến hỗ trợ.

Trong thời gian chờ cấp cứu, cha mẹ cần thực hiện thủ thuật sơ cứu để đẩy dị vật ra ngoài. Nếu dị vật không thể ra ngoài thì cách này ít nhất cũng giúp đường thở thông thoáng hơn. Các bước thực hiện còn tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.

Phương pháp vỗ lưng, ấn ngực đối với trẻ dưới 2 tuổi:

  • Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái, đầu hạ thấp.
  • Dùng bàn tay trái giữ chặt cổ và đầu trẻ. Lưu ý dùng ngón trỏ và ngón giữa để đẩy cằm trẻ lên, tránh làm gập đường thở.
  • Dùng gót của bàn tay phải vỗ vào lưng trẻ 5 cái, vị trí vỗ ở khoảng giữa 2 bả vai.
  • Lật ngửa trẻ sang bên tay phái. Nếu thấy trẻ vẫn khó thở, tím tái, không có dấu hiệu chuyển biến tốt thì tiếp tục dùng ngón tay trái ấn mạnh vào khu vực giữa xương ức 5 cái.
  • Thực hiện luân phiên 2 động tác vỗ lưng, ấn ngực đến khi dị vật đường thở rơi ra ngoài, bé có thể thở và khóc được.
Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở ở trẻ em 3 Phương pháp vỗ lưng, ấn ngực là cách sơ cứu hóc dị vật đường thở

Phương pháp Heimlich trong sơ cứu dị vật đường thở cho trẻ trên 2 tuổi:

  • Đứng hoặc quỳ sau lưng trẻ, vòng 2 tay qua ôm trẻ.
  • Tạo hình bàn tay thành nắm đấm, đặt dưới mũi ức, tay còn lại ôm lấy tay nắm đấm.
  • Dùng lực tay ấn mạnh bụng trẻ theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên 5 lần liên tiếp.
  • Kiểm tra xem dị vật có đẩy lên miệng trẻ không, nếu có thì lấy ra.
  • Nếu dị vật chưa ra, tiếp tục lặp lại động tác ấn bụng đến khi dị vật rớt ra khỏi đường thở, trẻ có thể khóc và thở được.

Sơ cứu hóc dị vật đường thở khi trẻ hôn mê, bất tỉnh

Với trẻ dưới 2 tuổi:

  • Thực hiện thao tác vỗ lưng, ấn ngực tương tự, chú ý phản ứng của trẻ.
  • Khi dị vật bị đẩy ra khỏi đường thở hoặc đẩy lệch vị trí cản trở đường thở, bé sẽ bớt tím tái, khó thở.
  • Trẻ cần thời gian lâu hơn để tỉnh lại vì dị vật hóc làm giảm oxy, ảnh hưởng đến não.

Với trẻ trên 2 tuổi:

  • Đặt bé nằm ngửa.
  • Quỳ gối, đặt 2 chân cạnh 2 đùi của trẻ, 2 bàn tay nắm lại thành hình nắm đấm, ấn vào xương ức của trẻ.
  • Dùng lực mạnh để ấn theo hướng từ dưới lên trên 5 lần liên tiếp.
  • Kiểm tra đường thở xem dị vật có bị đẩy ra ngoài hay không. Nếu có thì loại bỏ, quan sát biểu hiện của trẻ. Nếu dị vật chưa bị loại bỏ thì lặp lại các thao tác trên đến khi dị vật được loại bỏ hoặc khi cấp cứu y tế đến.
Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở ở trẻ em 5 Cần sơ cứu dị vật đường thở đúng cách để tránh biến chứng nặng nề

Tóm lại, việc sơ cứu hóc dị vật đường thở cần được thực hiện nhanh chóng và đúng cách. Trường hợp bố mẹ không có kinh nghiệm hoặc chưa được đào tạo, bạn tốt nhất hãy tìm người có chuyên môn hoặc chờ cấp cứu. Việc xử lý sai cách sẽ khiến dị vật đường thở gây tổn thương nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Cách phòng ngừa trẻ bị hóc dị vật đường thở

Dị vật đường thở gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ. Để phòng ngừa tai nạn hóc dị vật cản trở đường thở, bố mẹ hãy chú ý:

  • Đặt các vật dụng nhỏ tránh xa tầm với của trẻ.
  • Giám sát kỹ khi trẻ chơi để tránh cho trẻ nuốt phải.
  • Không ép bé ăn uống khi đang khóc, không được nô đùa khi trẻ đang ăn.
  • Luyện cho bé thói quen không đưa tay hay vật dụng vào miệng.
  • Hạn chế cho bé quá nhỏ ăn các thực phẩm dễ bị hóc như đậu phộng, nhãn, thạch…
Cách sơ cứu hóc dị vật đường thở ở trẻ em 6 Cần giám sát khi trẻ chơi đùa để tránh bé nuốt phải vật dụng

Nếu không biết cách sơ cứu hóc dị vật đường thở và mắc phải sơ xuất nhỏ, trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bạn hãy trang bị cho mình cẩm nang sơ cứu để xử lý kịp thời. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng cần lưu tâm đến kỹ thuật này khi chăm sóc trẻ nhỏ để tránh bị động khi có sự cố bất ngờ xảy ra với con mình.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin