Thông thường, khi bệnh viêm tai ngoài được phát hiện và điều trị đúng cách theo hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc uống/thuốc nhỏ tai của bác sĩ, bệnh có thể được điều trị khỏi từ 1 đến 2 tuần. Không những thế, việc nhanh chóng được điều trị viêm tai ngoài dứt điểm là vấn đề được đánh giá quan trọng vì hạn chế được rất nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm không mong muốn. Bên cạnh đó, việc trang bị cho bản thân những kiến thức về vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài càng được đánh giá cao khi đây là bước quan trọng giúp hạn chế sự viêm cũng như nhiễm trùng lan rộng.
Viêm tai ngoài có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ sơ sinh. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn đọc vệ sinh tai đúng cách khi ai đó trong gia đình đang có vấn đề về bệnh viêm tai ngoài.
Triệu chứng cảnh báo của bệnh viêm tai ngoài là gì?
Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng niêm mạc ống tai phía bên ngoài chủ yếu do nấm và vi khuẩn xâm nhập vào ống tai gây ra. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm sau 10 đến 15 ngày nếu: Bệnh được phát hiện sớm, bệnh được điều trị đúng cách theo hướng dẫn bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân được chăm sóc và vệ sinh tai đúng cách và người bệnh nên thay đổi những thói quen có thể ảnh hưởng đến tai...
Dưới đây là những triệu chứng cảnh báo việc tai của bạn có thể bị viêm tai ngoài như sau:
- Bệnh nhân bị ngứa tai dữ dội, khó chịu và có âm thanh trong tai.
- Khi ngứa, người bệnh thường xuyên cho tay vào tai cào gãi.
- Cảm giác đau nhức tai càng ngày càng kéo dài khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau đầu hoặc mất thăng bằng.
- Thính lực trở nên kém dần và có dịch không màu hoặc có màu chảy ra từ ống tai.
- Một số trường hợp có u hoặc mụn nhọt trong khoang tai.
- Hạch bạch huyết khu vực lân cận như cổ có dấu hiệu sưng to.
- Một vài bệnh nhân có triệu chứng sốt và rất đau khi thực hiện động tác nhai.
Bị ngứa tai dữ dội và có âm thanh trong tai là triệu chứng của viêm tai ngoài
Vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài đúng cách – bạn đã biết chưa?
Khi bệnh nhân bị viêm tai ngoài, đúng như tên gọi của bệnh, điều đó có nghĩa tai ngoài của họ đang gặp phải vấn đề viêm. Đối với vết thương bên ngoài bị viêm, việc vệ sinh sạch sẽ là vấn đề rất quan trọng và khi tai ngoài bị viêm, việc vệ sinh sạch sẽ cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, việc vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài cần được thực hiện đúng cách nhằm hạn chế nhiễm trùng lan rộng sang những cấu trúc lân cận trong tai. Dưới đây là cách vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài đúng cách mà bạn đọc có thể tham khảo:
Vệ sinh vùng tai ngoài và vành tai sạch sẽ
Khi cơ thể có dấu hiệu bị viêm dù bất kì cơ quan hoặc bộ phận nào, khi thực hiện vệ sinh, người bệnh hoặc người chăm sóc cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô nhằm đảm bảo sự lây nhiễm chéo không diễn ra.
Khi bị viêm tai ngoài, việc giữ vệ sinh vùng vành tai đóng vai trò rất quan trọng giúp cho việc hồi phục diễn ra thuận lợi hơn. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý thấm vào khăn sạch và mềm để lau sạch sẽ những bụi bẩn, dịch chảy ra từ ống tai (nếu có), lau sạch vùng vành tai nhằm hạn chế vi khuẩn có cơ hội tấn công một lần nữa. Bên cạnh đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề vệ sinh luôn phần mũi và họng đúng cách. Bởi những bộ phận như tai – mũi – họng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Vệ sinh vùng ống tai sạch sẽ
Để vệ sinh vùng ống tai khi bị viêm tai ngoài, bạn cần chuẩn bị nước muối sinh lý, nhỏ 4 – 5 giọt từ từ vào tai, cho bệnh nhân nằm nghiêng nhằm để dịch chảy ra ngoài. Sau đó, hãy dùng một chiếc khăn sạch khác, lau những chất dịch vừa chảy ra ngoài.
Lưu ý, rất nhiều người thường lầm tưởng rằng, vệ sinh tai đúng cách khi bị viêm tai ngoài là cần làm sạch sẽ ráy tai nhằm tránh nguy cơ ráy tai sinh ra càng nhiều vi khuẩn gây viêm. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm khi ráy tai là sản phẩm tự nhiên của quá trình bài tiết và còn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ ống tai.
Vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài đúng cách giúp nhanh chóng khỏi bệnh
Những lưu ý vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài
Khi bị viêm tai ngoài, bệnh nhân hạn chế việc đi bơi, hãy chờ đến khi bệnh phục hồi và tai lành hẳn. Hơn thế nữa, bệnh nhân có thể xin ý kiến bác sĩ về việc quay trở lại việc bơi lội khi nào là thích hợp nhất. Bên cạnh đó, ngoài vấn đề bơi lội, việc tham gia những môn thể thao vận động mạnh lúc này cũng cần được tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị bởi, mồ hôi khi luyện tập có thể ảnh hưởng đến việc hồi phục bệnh. Dưới đây là những lưu ý về vấn đề vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài thân ái gửi đến bạn đọc:
- Khi vệ sinh tai, động tác cần được thực hiện nhẹ nhàng, không được ngoáy hoặc ngoáy quá mạnh, ngoáy sâu, móc... Điều này sẽ làm tổn thương vùng niêm mạc tai và màng nhĩ đang bị viêm. Chỉ nên vệ sinh vùng vành tai bên ngoài.
- Không được lấy ráy tai lúc này.
- Chỉ nên dùng nước muối sinh lý, dung dịch thuốc nhỏ tai hoặc thuốc nhỏ kháng sinh bác sĩ chỉ định dùng vệ sinh cho tai. Không được tự ý mua và sử dụng bất kì loại thuốc nào cho tai khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Nên vệ sinh tai 2 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ tùy theo mỗi bệnh trạng. Tránh việc nôn nóng, lạm dụng việc vệ sinh tai quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng quá trình hồi phục.
- Nên giữ cho tai luôn trong trạng thái khô ráo đặc biệt là khi tắm gội.
- Nên thay vỏ áo gối mỗi ngày khi đang điều trị bệnh viêm tai ngoài, điều này đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh cũng như giúp cho việc vệ sinh tai được thuận lợi hơn.
Vệ sinh đúng cách khi bị viêm tai ngoài sẽ đẩy nhanh quá trình hồi phục
Viêm tai ngoài đem lại không ít sự phiền toái và lo lắng cho người mắc phải. Do đó, để đẩy nhanh quá trình hồi phục, bệnh nhân cần có phương án chăm sóc tai, cách vệ sinh tai khi bị viêm tai ngoài đúng cách nhằm hạn chế sự lây lan sang những vị trí khác của tai, giúp cho bệnh nhanh chóng hồi phục, tránh nguy cơ biến chứng dai dẳng thành mãn tính.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp