Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tai ngoài: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh viêm tai ngoài, hay còn gọi là viêm ống/khoang tai ngoài là một bệnh lý thường gặp ở tai, tuy nhiên ít trầm trọng hơn so với viêm tai giữa. Mặc dù vậy, bệnh có thể làm người bệnh khó chịu vì cảm giác ngứa, đau hoặc chảy mủ tai. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng viêm có thể lan đến tai giữa và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thính lực. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp những thông tin về căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tai ngoài là gì? 

Tai ngoài bao gồm vành tai và ống tai ngoài, được cấu tạo bởi tổ chức sụn, bọc bên ngoài là lớp tổ chức dưới da mỏng và lớp da. Có hệ thống mạch máu và thần kinh phong phú nên bệnh ở tai ngoài gây đau nhức và ảnh hưởng tới chức năng nghe và thẩm mỹ. Đây là tình trạng nhiễm trùng lớp da mỏng ở khoang tai, thường là do vi khuẩn hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể do nấm.

Khoang tai bao gồm từ màng nhĩ đến phần bên ngoài tai. Viêm tai ngoài có thể xảy ra vài ngày sau khi bạn đi bơi, có thể cấp tính hoặc mãn tính.

Bệnh viêm tai ngoài gồm các bệnh cảnh sau:

  • Nhọt ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, thường gặp một bên, hay gặp vào mùa hè và do tụ cầu khuẩn.

  • Viêm tấy lan tỏa ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm lan tỏa khắp ống tai ngoài, thường gặp do bơi lội, tắm biển,…

  • Viêm sụn vành tai là tình trạng ứ thanh dịch giữa sụn và màng sụn hoặc viêm sụn hoại tử, nếu được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của vành tai.

  • Chàm ống tai (Eczema) thường gặp ở trẻ nhỏ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tai ngoài

  • Đau tai là triệu chứng nổi bật, đau ngày càng tăng dữ dội, đau tăng khi nhai, ngáp, đau nhiều về đêm. Đau nhiều hơn khi kéo dái tai hoặc khi ấn vào tai.

  • Nghe tiếng trầm kém, thường kèm theo ù tai hoặc bị mất thính lực tạm thời.

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy lan tỏa. 

  • Da ống tai nề đỏ, sau đó ống tai bị chít hẹp lại do sưng nề và ứ dịch vàng, có thể bong từng đám biểu bì trắng. 

  • Ngứa trong tai.

  • Đôi khi có cục u hoặc mụn nhọt nhỏ gây đau dữ dội trong khoang tai.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tai ngoài

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tai ngoài, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây:

  • Do viêm nhiễm: Thông thường, nguyên nhân gây nhiễm trùng tai là do Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) và các vi khuẩn khác sinh sống trong nước. Trong một số trường hợp hiếm hơn, nhiễm trùng có thể do một số loại nấm gây ra.

  • Do dịch hay mủ ở tai giữa bị bít hoặc các vật lạ mắc kẹt, đọng trong ống tai.

  • Do chấn thương: Do ngoáy tai bằng vật cứng, bẩn, gây xước da ống tai.

  • Các bệnh về da mãn tính như chàm, vảy nến.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm tai ngoài?

  • Bệnh viêm tai ngoài thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và những người thường xuyên bơi lội.

  • Người mắc các bệnh da mạn tính như chàm, vảy nến, viêm da dị ứng,…

  • Người mắc các bệnh làm hệ miễn dịch bị suy yếu như HIV, tiểu đường,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm tai ngoài

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Đi bơi thường xuyên.

  • Bơi trong vùng nước kém vệ sinh, có lượng vi khuẩn cao.

  • Ống tai hẹp như ở trẻ em sẽ dễ dàng giữ nước lại trong tai làm nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.

  • Làm sạch quá mức ống tai với tăm bông hoặc các vật dụng khác.

  • Sử dụng nhiều các thiết bị như tai nghe hoặc máy trợ thính.

  • Dị ứng hoặc kích thích da do trang sức, keo xịt tóc hoặc thuốc nhuộm tóc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tai ngoài

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm tai ngoài bằng cách kiểm tra tai của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, trong trường hợp nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng tái phát, bác sĩ có thể lấy mẫu thử của mủ trong tai và gửi đến phòng xét nghiệm để tìm loại vi khuẩn hoặc nấm đã gây ra nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị viêm tai ngoài hiệu quả

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ cần phải sử dụng thuốc nhỏ viêm tai ngoài chứa kháng sinh trong 10 - 14 ngày.

Phương pháp điều trị khác có thể là:

  • Uống thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng tai giữa hoặc nhiễm trùng lan ra ngoài tai.

  • Dùng corticosteroid để giảm ngứa và viêm.

  • Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen.

  • Chườm nước ấm có thể giúp giảm những cơn đau nhẹ.

  • Không được để ướt khoang tai trong vòng 7 - 10 ngày sau khi tất cả triệu chứng đã mất.

Những người bị viêm khoang tai ngoài mãn tính có thể cần điều trị lâu dài hoặc tái khám thường xuyên để tránh các biến chứng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tai ngoài

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Khi bị bệnh nên dùng khăn ấm để chườm tai để giảm đau, giảm sưng rất hiệu quả. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh ăn thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, kích thích viêm sưng, chất kích thích như đồ chiên rán, ớt, hạt tiêu, đồ nếp, rau muống, cafe, trà đặc, rượu bia,…

  • Bổ sung các thực phẩm sau vào chế độ dinh dưỡng: Rau xanh, thịt cá, ngũ cốc,…

Phương pháp phòng ngừa viêm tai ngoài hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ vệ sinh ống tai, dùng tăm bông sạch lau khô sau khi tắm hoặc bơi.

  • Không sử dụng những vật sắc, nhọn ngoáy tai khi ngứa.

  • Khi có dị vật trong ống tai hoặc ráy tai phải đến cơ sở y tế để lấy và vệ sinh.

  • Không tự động xử trí những vết trầy xước xảy ra trên bề mặt da vành tai.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng.

  2. https://www.msdmanuals.com/

  3. https://khoataimuihongnhi.com/viem-tai-ngoai-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri/

Các bệnh liên quan

  1. Liệt dây thanh quản

  2. Chấn thương thanh quản

  3. Nấm họng

  4. Thủng màng nhĩ

  5. Ung thư hầu họng

  6. Viêm amidan xơ teo

  7. Viêm mũi

  8. Nhiệt miệng

  9. Viêm tai

  10. Ù tai