Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách vệ sinh tai khi thủng màng nhĩ theo hướng dẫn từ chuyên gia

Ngày 27/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi bị thủng màng nhĩ, vệ sinh tai sạch sẽ là điều quan trọng để ngăn chặn vi khuẩn. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ đúng chuẩn.

Thủng màng nhĩ nếu không được giữ vệ sinh đúng cách sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Vậy cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ là gì? Hãy cùng theo dõi lời khuyên từ các chuyên gia ngay sau đây nhé!

Thủng màng nhĩ là gì và do đâu? 

Màng nhĩ là một màng mỏng nằm giữa tai ngoài và tai giữa. Lớp màng này thực hiện hai chức năng quan trọng là phản ứng lại với sóng âm và hoạt động như một hàng rào bảo vệ tai khỏi các tác nhân từ môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng,... Vì vậy khi màng nhĩ bị rách (thủng màng nhĩ), tai trong rất dễ bị nhiễm trùng. Từ đó có thể ảnh hưởng đến thính lực thậm chí gây điếc vĩnh viễn. 

Thủng màng nhĩ có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do: 

  • Viêm tai giữa gây ra sự tích tụ chất lỏng bên trong tai và làm tăng áp lực lên màng nhĩ. 
  • Chấn thương tai do một té ngã hay va đập vào đầu, thậm chí lấy ráy tai không đúng cách cũng có thể gây tổn hại cho màng nhĩ. 
  • Tiếng ồn quá lớn ví dụ như tiếng nổ bom cũng là tác nhân có thể gây tổn thương màng nhĩ.
  • Thay đổi áp suất đột ngột chẳng hạn như khi đi máy bay.

cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ 1

Thủng màng nhĩ sẽ gây đau đớn dữ dội và suy giảm thính lực

Khi màng nhĩ bị rách do những lý do kể trên, người bệnh thường có dấu hiệu đau tai, ù tai và chảy dịch. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng lớn đến thính lực của người bệnh nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Tầm quan trọng của việc vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ 

Theo khuyến cáo từ bác sĩ, vệ sinh tai là một bước rất quan trọng. Nếu biết cách vệ sinh tai khi thủng màng nhĩ, bạn sẽ giúp quá trình điều trị thủng màng nhĩ hiệu quả hơn và ngăn ngừa các biến chứng do viêm nhiễm ở tai. 

Ngược lại, nếu vệ sinh tai không đúng cách vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm như: 

  • Suy giảm hoặc mất thính lực vĩnh viễn tùy thuộc vào vị trí và kích thước lỗ thủng trên màng nhĩ. 
  • Viêm tai giữa là biến chứng thường gặp nhất khi vết thủng màng nhĩ đồng thời cũng là nguyên nhân khiến tình trạng thủng màng nhĩ trở nên trầm trọng hơn. 
  • U nang tai giữa là khối u hình thành do các mảnh vụn của màng nhĩ bị rách chạy vào tai giữa.

cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ

Vệ sinh tai đúng cách sẽ giúp bạn ngăn ngừa biến chứng của thủng màng nhĩ

Hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh tai khi thủng màng nhĩ

Vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ đúng cách sẽ giúp tai thông thoáng hơn và hạn chế sự xâm nhập của tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài vào tai. Nếu bạn chưa biết cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ sao cho đúng, hãy tham khảo các bước làm sạch tai sau đây: 

Bước 1: Chuẩn bị khăn mềm, nước ấm, nước muối sinh lý, cốc đựng nước và dung cụ nhỏ thuốc rửa tai. 

Bước 2: Hòa nước ấm với một lượng nước muối vừa đủ để làm nước rửa tai và lưu ý giữ cho dung dịch này vẫn còn độ ấm cho đến khi sử dụng. Sau đó từ từ bơm dung dịch vào ống đến khi đạt một nửa ống thì dừng lại.

Bước 3: Vào tư thế để nhỏ thuốc. Người bệnh nên nhỏ thuốc ở tư thế nằm và nghiêng đầu về một bên sao cho phần tai bị bệnh nằm ở phía trên giúp cho việc nhỏ nước vệ sinh tai dễ dàng hơn. 

Bước 4: Nhỏ dung dịch thuốc trong ống bơm đã chuẩn bị vào tai bị bệnh. Lưu ý nên đặt ống cách tai một vài cm, không nên đặt quá gần để tránh cho dung dịch chảy ra ngoài và đảm bảo đủ lượng thuốc trong tai. Người bệnh cần giữ nguyên tư thế nghiêng đầu trong từ 3-5 phút để tránh tình trạng thuốc chảy ngược ra ngoài. 

Bước 5: Xả dung dịch rửa ra ngoài. Bạn cần đặt một chiếc bát ở dưới tai hoặc có thể đặt miếng bông ở bên ngoài tai rồi từ từ nghiêng đầu theo hướng ngược lại để nước có thể chảy ra phía ngoài. Nếu sử dụng miếng bông thì tránh đặt quá gần tai mà chỉ cần đặt hờ phía bên ngoài.

Bước 6: Sử dụng nước ấm bơm vào phía trong để gội sạch toàn bộ ráy tai ra ngoài. 

Bước 7: Đây là bước cuối cùng trong cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ tại nhà. Bạn lấy một chiếc khăn mềm nhúng vào nước ấm và vắt kiệt. Sau đó dùng khăn này lau lại xung quanh tai một lần để đảm bảo vệ sinh tai một cách sạch sẽ nhất có thể. 

cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ

Cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ hết sức quan trọng để quyết định vết thủng có nhanh lành lại hay không

Bạn có thể áp dụng cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ kể trên khoảng từ 2 - 3 lần mỗi ngày. Sau một thời gian vệ sinh và điều trị, vết thương nhỏ trên màng nhĩ sẽ từ từ lành lại. Với một số trường hợp nặng, người bị thủng màng nhĩ sẽ cần đến sự hỗ trợ của thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. 

Lưu ý khi vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ

Ngoài cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ theo lời khuyên của bác sĩ như trên, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau trong việc chăm sóc bệnh nhân thủng màng nhĩ:

  • Tuyệt đối không lấy vật cứng hay vật nhọn để lấy dịch mủ trong tai ra ngoài. Bởi tai mũi và họng là ba cơ quan thông nhau nên bạn cũng cần lưu ý vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý 3 lần mỗi ngày. 
  • Tuyệt đối không để nước tràn vào trong tai. Tốt nhất là không nên đi bơi lội trong thời gian bị thủng màng nhĩ. 
  • Hạn chế tiếp xúc nhiều với tiếng ồn. 
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày để cải thiện tình trạng viêm nhiễm ở tai. Đồng thời nên ăn thức ăn mềm để ít phải nhai gây tác động đến tai và gây đau. 
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ cũng là điều quan trọng cần làm khi đang bị thủng màng nhĩ. 

Tổn thương màng nhĩ không quá khó để điều trị nhưng dễ gây viêm nhiễm nếu bạn không biết cách vệ sinh tai khi bị thủng màng nhĩ. Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn biết được cách vệ sinh và chăm sóc tai giúp cho vết thủng màng nhĩ mau lành lại và hạn chế gây ra biến chứng nhé! 

Vi Quỳnh 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm