Mỗi quốc gia sẽ có cộng đồng nhóm máu hiếm khác nhau. Vậy, nhóm máu hiếm ở Việt Nam là nhóm nào? Nếu một người thuộc nhóm máu này có nguy hiểm gì không? Hãy tham khảo bài viết sau đề tìm hiểu về các loại nhóm máu là gì và nhóm máu hiếm là gì.
Nhóm máu là gì?
Nhóm máu ABO và nhóm máu Rh dương/âm được sử dụng rộng rãi nhất
Máu của con người chứa các kháng nguyên bao xung quanh bề mặt của các tế bào hồng cầu và các kháng nguyên này giữ vai trò quan trọng để xác định nhóm máu nhằm mục đích truyền hoặc nhận máu. Nếu người nhận máu có chứa kháng nguyên không giống với với nhóm máu của người hiến máu thì hệ thống miễn dịch của người nhận sẽ cố tấn công các tế bào máu lạ, có thể gây tử vong cho người nhận. Do đó, khi cấp cứu người bệnh, việc nắm rõ được thông tin nhóm máu là rất quan trọng, đặc biệt là những người thuộc nhóm máu hiếm.
Trong các thành phần có trong máu, còn chứa các kháng nguyên, là các protein và đường nằm trên bề mặt các tế bào hồng cầu. Dựa vào kháng nguyên, các nhà khoa học phân loại nhóm máu của từng người.
Trong ít nhất 33 hệ thống nhóm máu thì thực tế lâm sàng chỉ có hai hệ thống được sử dụng rộng rãi gồm hệ thống nhóm máu ABO và Rh dương/ Rh âm. Hai hệ thống này kết hợp với nhau tạo thành tám nhóm máu cơ bản:
- Nhóm máu A dương/âm.
- Nhóm máu B dương/âm.
- Nhóm máu AB dương/âm.
- Nhóm máu O dương/âm.
Nhóm máu được quy định bởi gen di truyền được thừa hưởng từ bố mẹ gồm một từ mẹ và một từ bố để tạo ra nhóm máu của mỗi người.
Hệ thống nhóm máu ABO và yếu tố Rh
Nhóm máu ABO
Khi nói đến nhóm máu, bạn có thể được di truyền kháng nguyên A từ bố và kháng nguyên B từ mẹ và ngược lại, dẫn đến kết quả là bạn có nhóm máu AB. Bạn cũng có thể nhận được từ cả bố và mẹ kháng nguyên B, nên bạn mang nhóm BB hoặc nhóm máu B.
Mặt khác, loại máu O không có bất kỳ kháng nguyên nào nên không tác động gì tới nhóm máu A và B. Nếu bạn thừa hưởng O từ mẹ và A từ bố thì nhóm máu của bạn sẽ là A. Cũng có thể bố mẹ có nhóm máu A hoặc nhóm máu B và đều mang kháng nguyên O, có thể sinh con có nhóm máu O. Ví dụ, bố mẹ có dòng máu AO, truyền kháng nguyên O cho con, tạo ra máu OO (gọi là O). Sự kết hợp này dẫn đến sáu kết quả gồm AA, AB, BB, AO, BO, OO, được gọi là kiểu gen. Từ kiểu gen này, có bốn nhóm máu A, B, AB và O.
Xét nghiệm máu cho biết mỗi người thuộc nhóm máu nào để truyền máu cho phù hợp
Yếu tố Rh
Nhóm máu cũng được phân loại theo kháng nguyên Rh, được tìm thấy trên các tế bào hồng cầu. Nếu các tế bào có kháng nguyên, chúng sẽ được coi là dương tính với Rh, ghi là Rh+. Nếu họ không có, thì sẽ được xem là âm tính với Rh, ghi là Rh-. Dựa vào kháng nguyên Rh, mỗi nhóm máu được ký hiệu ở đằng sau tên một biểu tượng dương tính hoặc âm tính, ví dụ nhóm máu A dương tính được ghi thành A+.
Vậy nhóm máu hiếm là nhóm máu nào?
Bạn có biết nhóm máu nào hiếm nhất? Hiện nay, Rh-null được xem là nhóm máu hiếm nhất thế giới và được gọi là “loại máu vàng”. Người mang nhóm máu hiếm này không có bất kỳ kháng nguyên thuộc loại Rh nào cả, chứ không chỉ riêng RhD. Chỉ có chưa tới 50 người mang nhóm máu Rh-null.
Tuy nhiên, người ta chỉ quan tâm tới 8 nhóm máu theo phân loại kể trên trong quá trình truyền máu. Theo thống kê vào tháng 12/2018, tỷ lệ người có các nhóm máu như sau:
- O dương: 35%.
- O âm: 13%.
- A dương: 30%.
- A âm: 8%.
- B dương: 8%.
- B âm: 2%.
- AB dương: 2%.
- AB âm: 1%.
Như vậy, nhóm máu AB âm hay ghi là AB- được xem là nhóm máu hiếm nhất so với các nhóm máu khác.
Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+) nhưng số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-) chỉ có 0,04 - 0,07%. Theo Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu hiếm là nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng và nhóm máu rất hiếm là dưới 0,01%. Do đó, ở nước ta những người có nhóm máu Rh- thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4 - 7 người mang nhóm máu Rh-).
Xét về các nhóm máu hiếm, mỗi nước sẽ có nhóm máu hiếm khác nhau. Tại Mỹ, nhóm máu AB- là nhóm máu hiếm nhất và nhóm máu O+ phổ biến nhất.
Người thuộc nhóm máu hiếm Rh- có thể gặp rủi ro cao hơn những người thuộc nhóm máu khác
Mang nhóm máu hiếm có nguy hiểm không?
Những người thuộc nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn khi truyền và nhận máu so với những người thuộc nhóm máu khác bởi các lý do:
- Khi họ cần truyền máu do gặp tai nạn gây mất máu, phẫu thuật cấp cứu..., các cơ sở y tế hoặc bệnh viện đang cấp cứu cũng có sẵn nhóm máu hiếm này.
- Trường hợp mẹ có nhóm máu Rh-, bố có nhóm máu Rh+, sẽ có ít nhất 50% trẻ sinh ra có nhóm máu giống bố là Rh+ theo quy luật di truyền. Trong trường hợp có thai lần thứ nhất, nếu quá trình mang thai, bánh nhau không bị tổn thương, thai nhi mang nhóm máu Rh+ vẫn phát triển bình thường cho đến khi ra đời. Nhưng từ lần mang thai thứ 2 trở đi, nếu thai nhi vẫn mang nhóm máu Rh+ sẽ có sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con và gây nên những rủi ro nghiêm trọng. Vì cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đi qua bánh nhau chống lại kháng nguyên Rh(D)+ có trên bề mặt hồng cầu của con dẫn đến hiện tượng ngưng kết hồng cầu (tan máu), hậu quả có thể gây thai chết lưu, sảy thai, đẻ non hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.
- Những phụ nữ có nhóm máu Rh-, mang thai đứa bé có nhóm máu Rh+, ngay ở lần nhận máu nhóm Rh+ đầu tiê thì vẫn có thể xảy ra tai biến truyền máu.
Như vậy, mỗi người chúng ta nên xét nghiệm để biết rõ nhóm máu của mình là gì, có phải là nhóm máu hiếm hay không từ đó chủ động bảo vệ bản thân khi bắt buộc phải truyền máu hay nhận máu.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp