Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những thông tin cơ bản về sơ đồ đông máu và các yếu tố đông máu

Thị Ánh

10/03/2025
Kích thước chữ

Cầm máu là quá trình hình thành cục máu đông tại vị trí vết thương mạch máu nhằm ngăn chặn sự chảy máu và hàn gắn vết thương. Quá trình này gồm nhiều phản ứng và nhiều yếu tố tham gia. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về sơ đồ đông máu và các yếu tố tham gia vào quá trình đông máu trong bài viết sức khỏe hôm nay nhé.

Vậy sơ đồ đông máu thể hiện điều gì? Các yếu tố nào tham gia vào quá trình đông máu? Đâu là các xét nghiệm đánh giá quá trình đông máu? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có được lời giải đáp bạn nhé.

Sơ đồ đông máu thể hiện điều gì?

Sơ đồ đông máu là sơ đồ thể hiện quá trình đông máu của cơ thể khi mạch máu bị tổn thương. Sơ đồ này giúp minh họa các giai đoạn và yếu tố tham gia vào việc hình thành cục máu đông nhằm ngăn chặn chảy máu.

Khi mạch máu bị tổn thương, máu có thể chảy ra ngoài mạch vào mô xung quanh hoặc ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, quá trình cầm máu diễn ra ngay tại vị trí tổn thương một cách nhanh chóng và chính xác để ngăn chặn chảy máu và giúp phục hồi mạch máu.

Cầm máu là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều phản ứng sinh học với sự tham gia của thành mạch máu, tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Quá trình này diễn ra trước tiên để hình thành cục máu đông, sau đó là quá trình tiêu cục máu đông nhằm tái lập lưu thông mạch máu và hoàn tất việc hàn gắn tổ chức mạch.

Trong cơ thể, các phản ứng đông máu xảy ra đồng thời. Tuy nhiên, để dễ hình dung, các chuyên gia đã chia quá trình này thành 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn cầm máu ban đầu: Thành mạch co lại để giảm lưu lượng máu. Tiểu cầu kết dính vào vùng tổn thương, tập hợp lại tạo thành nút chặn tiểu cầu.
  • Giai đoạn đông máu huyết tương: Các yếu tố đông máu được kích hoạt dẫn đến sự hình thành fibrin. Fibrin tạo mạng lưới bao quanh nút chặn tiểu cầu và hình thành cục máu đông bền vững.
  • Giai đoạn tan sợi huyết: Plasmin được kích hoạt, làm tan cục máu đông. Mạch máu được tái lập tuần hoàn, khôi phục sự lưu thông máu.
Những thông tin cơ bản về sơ đồ đông máu và các yếu tố đông máu 1
Sơ đồ đông máu thể hiện quá trình đông máu của cơ thể khi có tổn thương mạch máu

Các yếu tố đông máu trên sơ đồ đông máu

Yếu tố đông máu là các chất tham gia vào quá trình đông máu của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cục máu đông để cầm máu khi mạch máu bị tổn thương. Vậy bạn hiểu gì về các yếu tố đông máu trên sơ đồ đông máu?

Dưới đây là bảng các yếu tố đông máu, bạn đọc có thể tham khảo:

Tên theo số

Tên yếu tố

Đặc điểm

Chức năng

Tính chất

I

Fibrinogen

- Trọng lượng phân tử: 340.000.

- Chủ yếu được tạo ra ở gan.

- Nồng độ trong máu: 100 - 700 mg/100 mL.

Là cơ chất trong quá trình đông máu, chuyển thành fibrin tạo mạng lưới cục máu đông.

Không bị ảnh hưởng bởi vitamin K

II

Prothrombin

- Trọng lượng phân tử: 68.700.

- Được gan sản xuất liên tục.

- Nồng độ trong huyết tương: 15 mg/100 mL.

Zymogen (tiền chất) của thrombin, giúp chuyển fibrinogen thành fibrin.

Bị ảnh hưởng bởi vitamin K

III

Thromboplastin

- Tham gia vào con đường đông máu ngoại sinh.

- Có thể thay thế yếu tố 3 tiểu cầu và các yếu tố huyết tương.

Là yếu tố tổ chức, kích hoạt quá trình đông máu.

 

IV

Ion Canxi (Ca²⁺)

- Tham gia vào nhiều giai đoạn trong quá trình đông máu.

Hoạt hóa nhiều yếu tố đông máu.

 

V

Proaccelerin

- Phụ thuộc vào ion Canxi (Ca²⁺).

Đồng yếu tố trong quá trình đông máu.

Không ảnh hưởng bởi vitamin K

VII

Proconvertin

- Trọng lượng phân tử: 60000

Zymogen tham gia vào con đường đông máu ngoại sinh.

Bị ảnh hưởng bởi vitamin K

VIII

Yếu tố chống Hemophilia A

- Tổng hợp từ gan, lá lách.

- Phụ thuộc vào Canxi (Ca²⁺).

Đồng yếu tố hỗ trợ quá trình đông máu.

Không bị ảnh hưởng bởi vitamin K

IX

Yếu tố chống Hemophilia B

- Tổng hợp từ gan, lá lách, hệ thống võng nội mô.

Zymogen tham gia vào con đường nội sinh.

Bị ảnh hưởng bởi vitamin K

X

Stuart

-Tồn tại trong huyết tương ở dạng không hoạt động.

Zymogen  tham gia vào con đường chung.

Bị ảnh hưởng bởi vitamin K

XI

Yếu tố chống Hemophilia C (PTA)

- Tham gia vào con đường đông máu nội sinh.

Zymogen kích hoạt yếu tố IX.

Không bị ảnh hưởng bởi vitamin K

XII

Hageman

- Là yếu tố tiếp xúc, kích hoạt khi tiếp xúc với bề mặt tổn thương của mạch máu.

Zymogen kích hoạt con đường nội sinh.

Không bị ảnh hưởng bởi vitamin K

XIII

FSF

- Ổn định sợi fibrin, giúp cục máu đông bền vững hơn.

Yếu tố chuyển amidase, giúp cố định fibrin.

Không bị ảnh hưởng bởi vitamin K

H.M.W.K

Kininogen trọng lượng phân tử cao

- Đồng yếu tố hỗ trợ các yếu tố khác trong quá trình đông máu.

Hỗ trợ các yếu tố trong con đường nội sinh.

Không bị ảnh hưởng bởi vitamin K

Những thông tin cơ bản về sơ đồ đông máu và các yếu tố đông máu 4
Fibrinogen là một trong những yếu tố đông máu quan trọng được tạo ra ở gan

Các xét nghiệm cơ bản đánh giá quá trình đông máu

Việc thực hiện xét nghiệm kiểm tra đông máu giúp đánh giá hoạt động của các con đường đông máu dựa trên phân tích các yếu tố liên quan. Các xét nghiệm đông máu cơ bản được chia thành ba nhóm chính:

Xét nghiệm đánh giá đông máu nội sinh: Xét nghiệm APTT

Nguyên lý: Xác định thời gian đông của huyết tương kể từ khi phục hồi Canxi sau khi ủ huyết tương với cephalin (thay thế yếu tố 3 tiểu cầu) và Kaolin (hoạt hóa yếu tố tiếp xúc).

Kết quả:

  • Giá trị bình thường: 25 - 33 giây.
  • Tỷ lệ APTT bệnh/APTT chứng: 0,8 - 1,2.
  • APTT kéo dài: Khi tỷ lệ này > 1,25.

Ý nghĩa xét nghiệm:

  • APTT kéo dài (giảm đông máu nội sinh) gặp trong: Thiếu hụt bẩm sinh các yếu tố đông máu (Hemophilia A, B, C), yếu tố đông máu bị tiêu thụ do bệnh lý, bệnh nhân suy gan hoặc đang sử dụng heparin.
  • APTT rút ngắn (tăng đông máu nội sinh) gặp trong tăng đông tiên phát (thiếu hụt Antithrombin III khiến fibrinogen tăng, gây tăng đông) và tăng đông thứ phát (hội chứng thận hư hoặc bệnh nhân dùng chất chống đông lupus).
Những thông tin cơ bản về sơ đồ đông máu và các yếu tố đông máu 3
Xét nghiệm APTT là một trong những xét nghiệm đánh giá quá trình đông máu

Xét nghiệm đánh giá đông máu ngoại sinh: Xét nghiệm PT

Nguyên lý: Đo thời gian đông của huyết tương sau khi thêm Canxi và Thromboplastin, từ đó đánh giá con đường đông máu ngoại sinh.

Kết quả:

  • Giá trị bình thường: 11 - 13 giây. Nếu kéo dài quá 3 giây → PT kéo dài.
  • Tỷ lệ phần trăm bình thường: 70 - 140%.

Ý nghĩa xét nghiệm: PT kéo dài gặp trong thiếu hụt các yếu tố đông máu ngoại sinh (II, VII, X), bệnh lý gan do gan sản xuất các yếu tố đông máu này, sử dụng thuốc kháng vitamin K (Warfarin), bệnh nhân dùng thuốc kháng đông cần theo dõi xét nghiệm PT.

Xét nghiệm đánh giá đông máu chung: Xét nghiệm TT

Nguyên lý: Đo thời gian đông huyết tương từ khi thêm Thrombin đến khi xuất hiện cục đông và gián tiếp đánh giá Fibrinogen.

Kết quả:

  • Giá trị bình thường: 12 - 15 giây.
  • Tỷ lệ TT bệnh/TT chứng: 0,8 - 1,2. Nếu > 1,25 → TT kéo dài.

Ý nghĩa xét nghiệm: TT kéo dài gặp trong thiếu Fibrinogen hoặc Fibrinogen bất thường, bệnh lý gan nặng, tiêu thụ quá mức Fibrinogen trong hội chứng đông máu rải rác nội mạch (DIC).

Những thông tin cơ bản về sơ đồ đông máu và các yếu tố đông máu 4
Xét nghiệm TT (Thrombin Time) là xét nghiệm đánh giá quá trình đông máu chung

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về sơ đồ đông máu và các yếu tố đông máu trong cơ thể mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ đến quý vị độc giả. Mong rằng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về sơ đồ đông máu, các yếu tố đông máu đồng thời nắm được các xét nghiệm đánh giá quá trình đông máu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin