Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cẩn trọng với những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Ngày 15/03/2020
Kích thước chữ

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, lây lan qua đường tiêu hóa hoặc khi trẻ tiếp xúc với dịch của người bệnh. Không giống như sởi, thủy đậu, tay chân miệng hoàn toàn có thể bị tái nhiễm nhiều lần nên mẹ cần cẩn trọng với những dấu hiệu của bệnh này. 

Thời điểm từ tháng 3-5 là thời gian bệnh tay chân miệng dễ bùng phát nhất, có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hiện nay chưa có vacxin tiêm phòng đặc hiệu cho bệnh này nên cách tốt nhất khi trẻ mắc bệnh là theo dõi và chăm sóc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Những dấu hiệu thường gặp của bệnh tay chân miệng

Cẩn trọng với những dấu hiệu của bệnh tay chân miệngNhững dấu hiệu thường gặp của bệnh tay chân miệng

Trẻ em có hệ miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng nhất, đặc biệt là những thời điểm giao mùa khoảng tháng 3-5 và tháng 9-11. Đây là bệnh tương đối lành tính và có thể tự khỏi trong vòng 10-15 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Cùng nhận biết nhanh những dấu hiệu điển hình của tay chân miệng:

Thời gian ủ bệnh: Tương tự như những bệnh viêm đường hô hấp như sốt phát ban, sởi thì trẻ bị tay chân miệng cũng có những triệu chứng ủ bệnh như: biếng ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ khoảng 38-38,5 độ. Ngoài ra còn một số biểu hiện không thường thấy của bệnh viêm long đường hô hấp trên như đau họng, sổ mũi, viêm hô hấp.

Thời gian khởi phát: Sau khoảng 1-2 ngày kể từ khi có những triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng, trẻ mệt nhiều và hay quấy khóc, sợ ăn, nôn mửa.  Những biểu hiện ban đầu của tay chân miệng có thể tương tự như những bệnh khác, nên khi phát hiện những dấu hiệu này mẹ nên đưa bé ngay đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng bệnh.

Thời gian toàn phát: Trẻ bị đau miệng, ho khan, bên trong niêm mạc miệng có xuất hiện những mụn nước có kích thước nhỏ khoảng 3mm. Sau đó những vết mụn nước vỡ ra trong quá trình ăn uống của trẻ, tạo thành những vết loét đỏ lan ra những vùng như trong má, lưỡi, lợi...Lúc này trẻ không ăn uống được và thường xuyên quấy khóc do đau.

Các mụn nước nhanh chóng lây lan ra những vùng ngoài của cơ thể như lòng bàn tay, bàn chân, mông và bắp tay chân của trẻ. Chúng có hình bầu dục, không gây đau, khi hết để lại những vết thâm nhẹ, nếu có sẹo là do bội nhiễm những loại virus khác.

Thời gian lui bệnh: Sau khoảng 7 ngày phát ban thì cơ thể trẻ sẽ bước vào giai đoạn hồi phục, và hết hẳn những triệu chứng bệnh tay chân miệng sau khoảng 3-5 ngày nữa. Nếu có những biến chứng khác thường thì sẽ xuất hiện sau khoảng 1-2 ngày. 

Cẩn trọng với những dấu hiệu của bệnh tay chân miệngCần đưa trẻ đến bác sĩ khi phát hiện những dấu hiệu bệnh đầu tiên

Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng, nhưng tùy vào cơ địa của từng bé mà xuất hiện những dấu hiệu khác nhau. Một số trường hợp chỉ loét miệng, nổi ban đỏ nhưng không xuất hiện nhiều mụn nước nên dễ nhầm lẫn với bệnh thủy đậu, loét miệng do nhiệt hoặc do Herpes.  

Bệnh tay chân miệng thường sẽ tự khỏi và không gây nguy hiểm cho trẻ, nhưng nếu không được chữa trị đúng cách trẻ dễ bị biến chứng thành những dạng bệnh khác, gây bội nhiễm và đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng 

Cẩn trọng với những dấu hiệu của bệnh tay chân miệngNhững biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Những trẻ mắc tay chân miệng thông thường sẽ hoàn toàn khỏi hẳn sau 10-15 ngày, tuy nhiên nếu bạn thấy trẻ vẫn không hết bệnh và xuất hiện những dấu hiệu sau thì cần rất cẩn trọng:

Sốt cao liên tục không hạ, nôn mửa liên tục:

Trẻ sốt cao trên 39 độ và không có dấu hiệu ngưng sốt, có những triệu chứng suy hô hấp như thở mệt, thở yếu thì có thể dẫn đến bệnh viêm phổi cấp, phù phổi.

Quấy khóc liên tục kéo dài, hay giật mình chới với

Vào ban đêm trẻ không thể ngủ sâu, ngủ yên và sau khoảng 1 thời gian ngắn lại giật mình tỉnh giấc và quấy khóc thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm độc hệ thần kinh giai đoạn đầu, dễ dẫn đến biến chứng viêm màng não - não (có thể gây bại liệt ở trẻ).

Toàn thân lạnh nhưng lại vã mồ hôi, mạch đập chậm, huyết áp tăng nhanh

Đây là biểu hiện rất nặng có thể dẫn đến những biến chứng bệnh tay chân miệng khiến suy tim và tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Trẻ dễ lâm vào hôn mê sâu và không thể hồi phục như bình thường, vì vậy từ khi xuất hiện 1 trong những dấu hiệu chuyển biến nặng thì mẹ nên đưa bé ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.

Điều cần nhất khi trẻ bị tay chân miệng là mẹ kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh và không chủ quan trong việc chăm sóc và điều trị. Chế độ ăn uống cũng giúp ích cho quá trình hồi phục và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Nếu bác sĩ cho phép bé điều trị tại nhà thì mẹ nên túc trực bên cạnh trẻ thường xuyên để phát hiện nhanh những bất thường.

Tốt nhất nên tái khám 1-2 ngày một lần trong những ngày đầu của bệnh. Với những trường hợp bé điều trị tại bệnh viện thì mẹ áp dụng các biện pháp vệ sinh thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm và bội nhiễm những vết loét trên cơ thể trẻ. 

Trúc

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin