Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu nào nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng?

Thu Thủy

15/05/2025
Kích thước chữ

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt dễ bùng phát vào mùa nắng nóng hoặc thời điểm giao mùa. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh không chỉ giúp phụ huynh chủ động chăm sóc trẻ mà còn hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tay chân miệng là nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ có con trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học. Do bệnh lây lan nhanh và thường bùng phát thành dịch, việc phát hiện sớm các triệu chứng ngay từ giai đoạn đầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả. Vậy dấu hiệu nào nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường do các virus đường ruột thuộc nhóm Enterovirus gây ra, phổ biến nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71.

Thời gian ủ bệnh (tức khoảng thời gian từ khi bị nhiễm virus đến khi các khởi phát triệu chứng) thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Thông thường, trẻ bị nhiễm bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng ban đầu là sốt kèm theo đau họng, khó chịu và biếng ăn. Sau khi sốt khoảng 1 – 2 ngày, các vết loét gây đau và những mụn nước có thể xuất hiện trong miệng, ở họng hoặc cả hai vị trí này.

Dấu hiệu nào nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng? 1
Trẻ bị bệnh tay chân miệng sẽ xuất hiện triệu chứng ban đầu là sốt kèm theo đau họng

Ngoài miệng, mụn nước còn có thể nổi lên ở tay, chân, lưỡi, bên trong má và đôi khi ở vùng mông (thường là hậu quả của tiêu chảy). Ở trẻ em, các mụn nước thường không gây ngứa, nhưng với người lớn thì có thể gây cảm giác ngứa dữ dội. Các vết loét và mụn nước này thường tự biến mất sau khoảng một tuần hoặc hơn.

Bệnh tay chân miệng thường không nghiêm trọng, biểu hiện bằng sốt nhẹ trong vài ngày và triệu chứng cũng khá nhẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ không uống được nước do đau họng hoặc vết loét miệng hoặc khi triệu chứng trở nên nặng hơn sau vài ngày.

Dấu hiệu nào nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng?4
Các vết loét và mụn nước thường tự biến mất sau khoảng một tuần hoặc hơn

Các giai đoạn tiến triển của bệnh tay chân miệng

Giai đoạn ủ bệnh

Kéo dài từ 3 – 7 ngày. Sau đó, bệnh bước vào giai đoạn khởi phát kéo dài khoảng 1 – 2 ngày với các biểu hiện như sốt nhẹ, uể oải, đau họng, kém ăn, trẻ quấy khóc và có thể bị tiêu chảy nhẹ vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát

Thường kéo dài từ 3 – 10 ngày, đây là lúc các triệu chứng điển hình xuất hiện rõ rệt:

  • Loét miệng: Các vết loét đỏ hoặc phỏng nước đường kính 2 – 3 mm xuất hiện ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi. Chúng gây đau khiến trẻ khó ăn, bỏ bú, chảy nước dãi – đôi khi dễ bị nhầm với triệu chứng mọc răng.
  • Phát ban dạng phỏng nước: Thường nổi ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hoặc mông. Những mụn nước này tồn tại dưới 7 ngày và có thể để lại vết thâm, hiếm khi bị loét hoặc nhiễm trùng thứ phát.
  • Sốt nhẹ, buồn nôn: Nếu trẻ sốt cao kéo dài và nôn ói nhiều thì nguy cơ gặp biến chứng sẽ cao hơn.
  • Biến chứng nghiêm trọng: Có thể xảy ra ở hệ thần kinh (viêm não, viêm màng não), tim mạch và hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch). Các biến chứng nguy hiểm này thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Dấu hiệu nào nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng? 3
Các nốt phát ban dạng phỏng nước xuất hiện ở giai đoạn toàn phát

Giai đoạn hồi phục

Bắt đầu từ khoảng ngày thứ 8 đến ngày thứ 10. Nếu không xuất hiện biến chứng, trẻ sẽ dần hồi phục hoàn toàn và trở lại trạng thái sức khỏe bình thường.

Các biện pháp điều trị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus gây ra nên không sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị. Việc điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát và làm giảm các triệu chứng mà bệnh gây ra, cụ thể như sau:

  • Hạ sốt, giảm đau: Các loại thuốc dùng để hạ sốt và giảm đau cho trẻ cần có sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và tránh các tác dụng phụ.
  • Làm dịu vết loét, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn: Một số loại thuốc bôi có thể được dùng để giảm đau do loét miệng, giúp trẻ ăn uống thoải mái hơn. Tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc và bôi cho trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Giảm cảm giác ngứa: Có thể sử dụng một số thuốc kháng histamin giúp làm dịu cơn ngứa. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng.
  • Bổ sung nước đầy đủ: Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước lọc, sữa, dung dịch bù điện giải hoặc nước ép trái cây. Với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, nên cho bú mẹ đầy đủ để tăng cường miễn dịch và bù nước hiệu quả.
Dấu hiệu nào nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng? 2
Việc điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát và làm giảm các triệu chứng

Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Trong giai đoạn đầu nếu các triệu chứng của trẻ nhẹ, phụ huynh có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện nghiêm trọng như:

  • Sốt cao trên 39°C kéo dài và không đáp ứng thuốc hạ sốt;
  • Trẻ thở nhanh, thở gấp hoặc có biểu hiện khó thở;
  • Xuất hiện các triệu chứng bất thường như giật mình liên tục, lơ mơ, run tay chân, nôn mửa, bồn chồn, khó ngủ;
  • Mất thăng bằng, đi đứng không vững;
  • Ra mồ hôi nhiều, tay chân lạnh, da nổi vân tím;
  • Có dấu hiệu co giật, hôn mê hoặc mất ý thức.

Hiểu rõ và nhận diện kịp thời những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng sẽ giúp phụ huynh có hướng xử lý phù hợp, tránh để bệnh tiến triển nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, việc chăm sóc đúng cách và chủ động phòng ngừa cũng góp phần giúp hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin