Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe/
  4. Dịch bệnh

Gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Kim Toàn

16/05/2025
Kích thước chữ

Những tháng đầu năm 2025, tình hình bệnh tay chân miệng tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Mời bạn đọc theo dõi thông tin về tình hình các ca mắc tay chân miệng ở trẻ trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Những tháng gần đây, số ca mắc đang có chiều hướng tăng mạnh, đặt ra nhiều lo ngại cho phụ huynh và ngành y tế.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ: Báo động từ môi trường học đường

Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Số ca nhiễm tăng đột biến từ tháng 3, riêng tháng 3 và tháng 4 ghi nhận số ca mắc cao gấp đôi tổng số ca của tháng 1 và tháng 2 cộng lại.

Theo thống kê mới nhất từ ngành Y tế, tình hình bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng đáng lo ngại. Trẻ dưới 10 tuổi chiếm tới 98,6% tổng số ca mắc, đặc biệt nhóm trẻ từ 1–5 tuổi – lứa tuổi đang theo học nhà trẻ và mẫu giáo – chiếm đến 93,4%. Thống kê này cho thấy môi trường học đường, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, đang là điểm nóng dễ bùng phát dịch nếu không được kiểm soát tốt.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường tiêu hóa, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Bệnh thường xuất hiện theo mùa, với hai giai đoạn cao điểm trong năm là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ 1
Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ trong đầu năm 2025 tăng đáng kể

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 310/PB-BTN gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố nhằm yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, trọng tâm là:

  • Đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh trong cộng đồng và trường học.
  • Phối hợp ngành Giáo dục triển khai vệ sinh lớp học, đồ dùng học tập và khu vực rửa tay.
  • Giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch để hạn chế lây lan và tử vong.
  • Kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng dịch và xử lý kịp thời các khó khăn.
  • Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch theo đúng quy định.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, nổi ban đỏ ở tay, chân, miệng – cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, tay nắm cửa... cũng là những biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm.

Tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trường cần được trang bị đầy đủ xà phòng, nước rửa tay; đảm bảo lớp học và dụng cụ học tập luôn sạch sẽ; phát hiện sớm ca bệnh và thông báo kịp thời đến cơ sở y tế. Việc tuyên truyền đến giáo viên và phụ huynh cũng đóng vai trò thiết yếu để nâng cao nhận thức phòng bệnh.

Nhằm tăng cường hiệu quả phòng chống, Bộ Y tế đã phát đi thông điệp “3 sạch – Chìa khóa phòng bệnh”, gồm:

Ăn uống sạch:

  • Ăn chín, uống chín, dùng nước sạch, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ;
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân.

Ở sạch:

  • Thường xuyên lau rửa sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa,...
  • Sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Bàn tay sạch:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, bế trẻ, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ.
Gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ 2
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng

Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Hiện nay, Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng được cấp phép lưu hành chính thức. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong nước đang ghi nhận những tiến triển tích cực.

Dù vắc xin phòng bệnh tay chân miệng chưa được phổ biến, bạn vẫn có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:

Giữ gìn vệ sinh cá nhân

Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả và còn giúp ngăn chặn nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Cả người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thực phẩm, trước khi tiếp xúc với trẻ nhỏ và sau khi đi vệ sinh. Cần che miệng, che mũi khi ho hoặc hắt hơi để hạn chế phát tán mầm bệnh.

Đảm bảo vệ sinh thực phẩm

Thực phẩm dành cho trẻ và cả gia đình cần được nấu chín kỹ, đảm bảo an toàn và đầy đủ dinh dưỡng. Nước uống nên được đun sôi. Các dụng cụ chế biến và ăn uống phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Không để trẻ mút tay, ngậm đồ chơi hoặc sử dụng chung dụng cụ ăn uống chưa được tiệt trùng.

Làm sạch đồ dùng và khu vực sinh hoạt của trẻ

Tại các gia đình, trường học và cơ sở mầm non, cần thường xuyên vệ sinh những bề mặt trẻ hay tiếp xúc như: Bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, cầu thang, sàn nhà và các vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa phù hợp.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ 4
Thường xuyên vệ sinh môi trường và đồ dùng sinh hoạt của trẻ

Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng

Không gian sinh hoạt của trẻ cần được giữ gìn thông thoáng, sạch sẽ. Rác thải như khăn giấy, tã lót đã qua sử dụng phải được xử lý đúng quy định để tránh phát tán mầm bệnh.

Theo dõi sức khỏe và nhận biết sớm dấu hiệu bệnh

Cha mẹ cần chú ý quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ hằng ngày để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng và đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị đúng lúc.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng cần được đưa đi cấp cứu ngay gồm: Sốt cao liên tục không hạ sau 48 giờ, quấy khóc không dứt, giật mình nhiều lần, run tay chân, nôn ói nhiều, thở nhanh, khó thở, co giật hoặc tím tái.

Gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ 4
Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời

Cách ly và điều trị sớm khi trẻ mắc bệnh

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học và cách ly tối thiểu 10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp và cộng đồng. Không nên đưa trẻ đang có dấu hiệu bệnh đến nơi công cộng như công viên, hồ bơi,...

Trường lớp và gia đình cũng cần tiến hành vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu vực sinh hoạt, lớp học và đồ dùng trẻ thường tiếp xúc để hạn chế lây lan diện rộng.

Trước thực trạng gia tăng ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ, việc chủ động phòng bệnh thông qua giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ và theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ là hết sức cần thiết. Mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức, cùng nhau chung tay xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin