Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Quỳnh Loan
Mặc định
Lớn hơn
Sốt phát ban và tay chân miệng là hai bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, mỗi bệnh có nguyên nhân đặc trưng và diễn tiến khác nhau cần được nhận biết sớm để điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây giúp ba mẹ hiểu rõ dấu hiệu bệnh và cách phân biệt hai bệnh lý này nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Trong giai đoạn giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt phát ban và tay chân miệng. Cả hai bệnh đều có biểu hiện ban đỏ trên da, mệt mỏi, nôn, sốt nhưng đặc điểm và mức độ nguy hiểm lại hoàn toàn khác nhau. Việc nhận biết đúng sẽ giúp hạn chế biến chứng và tránh điều trị sai hướng.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch vào các thời điểm giao mùa như tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus thuộc nhóm enterovirus xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với dịch tiết chứa virus. Trong số các tác nhân này, virus coxsackie a16 và enterovirus 71 là phổ biến nhất.
Diễn tiến của bệnh tay chân miệng được chia thành 4 giai đoạn rõ rệt:
Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 3 - 7 ngày với các dấu hiệu mờ nhạt như sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, tiết nhiều nước bọt hoặc tiêu chảy nhẹ. Một số trẻ có thể nổi hạch ở cổ hoặc vùng dưới hàm khiến ba mẹ khó nhận biết bệnh sớm.
Giai đoạn khởi phát diễn ra trong 1 - 2 ngày sau khi ủ bệnh. Trẻ bắt đầu sốt cao từ 39 - 40 độ C kèm triệu chứng như loét miệng, đau rát họng, phát ban ở tay, chân hoặc mông. Các biểu hiện này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt phát ban khác.
Giai đoạn toàn phát là thời kỳ các dấu hiệu bệnh biểu hiện rõ rệt nhất. Trẻ xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hoặc quanh miệng (có thể chỉ có loét miệng hoặc hồng ban không kèm bóng nước).
Một số trẻ có biểu hiện mệt mỏi, nôn nhiều, sốt cao kéo dài dễ dẫn đến biến chứng thần kinh, tim mạch hoặc hô hấp nếu không được can thiệp kịp thời. Thời gian của giai đoạn này kéo dài khoảng 3 - 10 ngày.
Giai đoạn lui bệnh xảy ra khi các triệu chứng dần biến mất, vết loét lành lại và trẻ hồi phục sức khỏe sau 3 - 5 ngày nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao kéo dài quá 48 giờ hoặc xuất hiện triệu chứng bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Biểu hiện của bệnh sốt phát ban thường xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 1 - 2 tuần. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ ràng hoặc chỉ ở mức độ nhẹ. Người bệnh có thể sốt cao trên 39 độ C kèm theo viêm họng, sổ mũi, đau đầu. Tình trạng sốt kéo dài từ 3 - 5 ngày. Trẻ nhỏ bị sốt phát ban có thể nổi hạch bạch huyết ở vùng cổ khiến trẻ quấy khóc và ăn uống kém.
Khi cơn sốt giảm, các nốt phát ban bắt đầu xuất hiện. Ban thường có dạng đốm đỏ nhỏ hoặc nổi gồ nhẹ và có thể kèm theo viền trắng xung quanh. Vùng phát ban lan từ ngực ra lưng bụng, sau đó đến cổ tay, cánh tay, chân hoặc mặt tùy trường hợp. Phát ban không gây ngứa và sẽ tự biến mất sau vài giờ đến vài ngày mà không để lại dấu vết trên da.
Ngoài các triệu chứng điển hình, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi biếng ăn, tiêu chảy nhẹ hoặc sưng mí mắt. Ba mẹ cần theo dõi kỹ để phân biệt sốt phát ban và tay chân miệng nhằm điều trị kịp thời và đúng cách.
Sốt phát ban và tay chân miệng là hai bệnh lý truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ với triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Điều này dễ khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn trong nhận biết và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, hai bệnh này có nguyên nhân, biểu hiện và mức độ nguy hiểm hoàn toàn khác nhau. Việc phân biệt rõ sẽ giúp cha mẹ theo dõi sức khỏe của trẻ tốt hơn và đưa trẻ đi khám kịp thời khi cần thiết.
Sốt phát ban
Sốt phát ban có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ 6 tháng tuổi đến người cao tuổi. Người bệnh thường bị sốt cao liên tục trên 39 độ C và có thể giảm khi dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên sau đó thường sốt trở lại và kéo dài trong 2 đến 6 ngày.
Người bị sốt phát ban vẫn tỉnh táo sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp hoặc tiêu hóa dù có thể kèm theo tiêu chảy, ho, sổ mũi. Bệnh có khả năng tự khỏi sau 2 - 4 ngày nhưng có thể tái phát nhiều lần trong năm.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 3 tuổi. Tùy vào thể bệnh mà trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục hoặc chỉ sốt nhẹ.
Điểm khác biệt quan trọng là bệnh tay chân miệng thường không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Trong thể bệnh tối cấp diễn tiến có thể rất nhanh và gây biến chứng nguy hiểm như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có nguy cơ tử vong chỉ sau 2 - 4 ngày. Ở thể không điển hình, trẻ có thể chỉ có loét miệng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng thần kinh, tim mạch mà không phát ban ngoài da.
Mặc dù cả hai bệnh đều có triệu chứng phát ban nhưng đặc điểm ban lại hoàn toàn khác nhau.
Sốt phát ban
Ban đỏ thường xuất hiện sau giai đoạn sốt cao. Các nốt ban có màu đỏ, sáng, mọc dày trên toàn thân bé với hình dạng mịn, không sần sùi. Ban không ngứa và sẽ biến mất sau vài ngày mà không để lại dấu vết thâm sẹo trên da.
Tay chân miệng
Các nốt ban xuất hiện sau 1 - 2 ngày phát bệnh. Ban thường có dạng hồng ban, kích thước vài mm sau đó phát triển thành mụn nước. Các nốt ban này thường tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, miệng, trong lưỡi và vòm họng.
Ở tay chân và mông, ban có kích thước 2 - 5 mm, màu xám sẫm, ở giữa hình bầu dục, không gây ngứa hoặc đau. Thời gian tồn tại có thể kéo dài đến 10 ngày. Ban trong miệng có thể lớn hơn, từ 4 - 8 mm gây đau rát và khó khăn khi trẻ nuốt thức ăn.
Trên đây là một số dấu hiệu giúp phân biệt sốt phát ban và tay chân miệng. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhằm phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.