Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cấu tạo âm đạo như thế nào? Vị trí, chức năng của cô bé

Ngày 06/08/2022
Kích thước chữ

Âm đạo là bộ phận sinh dục nữ, giúp người phụ nữ có thể quan hệ với bạn tình và thực hiện các chức năng sinh sản. Tuy nhiên trên thực tế, còn khá nhiều người vẫn e ngại khi nhắc đến âm đạo thậm chí là xấu hổ. Chính vì thế ít người có hiểu biết về cấu tạo âm đạo và các chức năng quan trọng của bộ phận này.

Việc tìm hiểu về cấu tạo âm đạo sẽ giúp chị em phụ nữ có những hiểu biết chính xác về sức khỏe bản thân đặc biệt là các vấn đề phụ khoa. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu xem cấu tạo âm đạo như thế nào và các chức năng của âm đạo qua bài viết này nhé!

Cấu tạo âm đạo như thế nào?

Âm đạo là ống của bộ phận sinh dục nữ, là một đường kênh hẹp, được cấu tạo bởi các cơ và phần bắt đầu dẫn từ cổ tử cung ra bên ngoài cơ thể. Bên ngoài cửa của âm đạo được bao bọc bởi một lớp màng mỏng còn được gọi là màng trinh.

Nhiều người nghĩ rằng âm đạo bao gồm cả môi âm hộ và âm vật. Tuy nhiên các bộ phận này là một phần của âm hộ và nằm ngoài cấu tạo của âm đạo.

Cấu tạo âm đạo như thế nào? Vị trí, chức năng và một số điều cần biết về âm đạo 1 Hình ảnh minh họa cấu tạo của âm đạo 

Cấu tạo chi tiết của âm đạo gồm 3 lớp như sau:

Thành âm đạo

Đây là lớp ngoài cùng của âm đạo, lớp này khá trơn, dạng lưới bao gồm các niêm mạc và các mô chứa nhiều dây thần kinh dẫn truyền. Bề mặt của thành âm đạo có những nếp gấp, điều này giúp cho âm đạo giãn rộng khi quan hệ và sinh đẻ.

Khi chị em vào chu kỳ kinh nguyệt, mô trong thành âm đạo sẽ có những thay đổi. Ở giai đoạn rụng trứng, các lớp tế nào ngoài (có vai trò lưu trữ glycogen) sẽ bong ra, glycogen sẽ bị vi khuẩn phân hủy và giúp cơ thể duy trì pH ở mức độ bình thường. Điều này giúp bảo vệ âm đạo không bị nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm.

Giữa âm đạo

Lớp giữa âm đạo là lớp cơ tròn nội mô yếu và được bọc bên ngoài bằng lớp cơ mạnh mẽ hơn, điều này có tác dụng co bóp mạnh khi chị em quan hệ tình dục hay sinh nở.

Trong âm đạo

Ở lớp trong cùng chính là một lớp mô liên kết bên ngoài kết hợp với các mô chứa mạch máu, dây thần kinh và mạch bạch huyết.

Với cấu tạo nhiều lớp cơ của lỗ âm đạo giúp cho cơ quan này giãn nở tốt, không có kích thước cố định. Ở trạng thái bình thường thì âm đạo có chiều dài khoảng 7 - 8cm, tuy nhiên khi có kích thích thì chiều dài âm đạo có thể lên đến 11cm đặc biệt là lúc sinh đẻ thì kích thước sẽ tăng lên nhiều lần.

Theo thống kê, không có kích thước hay hình dạng cụ thể cho âm đạo của phụ nữ. Mỗi người sẽ có cấu tạo khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, đó có thể là vì yếu tố di truyền, tuổi tác hay môi trường sống.

Âm đạo vị trí nằm ở đâu? Chức năng của âm đạo

Âm đạo nằm trong thành của môi bé, bên dưới lỗ niệu đạo và phía trên hậu môn. Cửa của lỗ âm đạo được bao phủ bởi lớp màng trinh và các môi âm hộ.

Âm đạo có rất nhiều chức năng, là cơ quan có vai trò quan trọng đối với hoạt động sinh lý, sinh sản của phái nữ. Một số chức năng như:

  • Đây là nơi mà kinh nguyệt thoát ra định kỳ theo chu kì của từng chị em.
  • Là bộ phận quan trọng trong việc tình dục: Trong quá trình sinh hoạt tình dục, âm đạo sẽ nhận những kích thích khiến độ ẩm tăng lên, thành niêm mạc giúp tiết những chất nhờn tự nhiên dùng để bôi trơn. Điều này khiến dương vật dễ dàng thâm nhập hơn và hoạt động tình dục sẽ xảy ra trơn tru hơn.
  • Cơ quan quan trọng trong quá trình thai sản: Âm đạo có tính đàn hồi cao, khả năng co dãn tốt, điều này hỗ trợ rất nhiều trong quá trình đón nhận dương vật, thụ tinh, mang thai và sinh nở.
  • Thông qua đường âm đạo, các bác sĩ sẽ khám được cơ quan sinh sản. Điều này giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của chị em đặc biệt là để phòng ngừa và điều trị các bệnh phụ khoa hiệu quả. 
Cấu tạo âm đạo như thế nào? Vị trí, chức năng và một số điều cần biết về âm đạo 2 Âm đạo có rất nhiều chức năng quan trọng với cơ thể

Một số điều cần biết về âm đạo

Sức khỏe âm đạo được biểu hiện thông qua dịch tiết

Dịch tiết âm đạo là chất bôi trơn tự nhiên khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, dịch tiết này còn có chức năng ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, giữ cho âm đạo luôn sạch sẽ.

Dịch tiết âm đạo bình thường có các đặc điểm như: Trong suốt, màu trắng đục, mùi âm đạo bình thường, dính nhờn như lòng trắng trứng,...

Dịch tiết âm đạo bất thường báo hiệu dấu hiệu của viêm âm đạo như: Dịch màu xanh, vàng, đỏ hoặc nâu, có mùi hôi, dịch bột, đôi khi có lẫn máu,...

Tập “thể dục” cho âm đạo với bài tập Kegel

Kegel là một bài tập dành cho âm đạo, giúp siết chặt các cơ xung quanh, giống như phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cố gắng ngăn chặn dòng nước tiểu. Kegel có tác dụng rất tốt đối với nữ giới, giúp tăng cường cơ âm đạo và xương chậu, cải thiện khả năng tình dục.

Bất kì bạn nữ nào cũng có thể tự tập bài tập này hàng ngày, đặc biệt là phụ nữ sau sinh để lấy lại cảm giác và hứng thú tình dục.

Nguyên nhân gây đau ở nữ giới khi quan hệ tình dục

Có rất nhiều phụ nữ trải qua cảm giác đau khi quan hệ tình dục, thường xảy ra vào những lần quan hệ đầu tiên. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do không đủ dịch nhờn bôi trơn, tâm trạng không thoải mái hay quan hệ thô bạo, quan hệ lần đầu,...

Để cải thiện cảm giác đau ở âm đạo khi quan hệ, cặp đôi có thể tham khảo các biện pháp sau: Sử dụng gel bôi trơn, dành thời gian nhiều hơn cho màn dạo đầu, quan hệ tình dục trong tâm trạng thoải mái,...

Không nên thụt rửa âm đạo

Việc giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín đối với nữ giới là rất quan trọng. Trong đó, thói quen thụt rửa âm đạo không được nhiều chuyên gia khuyến khích vì:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng phụ khoa, nhiễm nấm men âm đạo do làm mất cân bằng pH âm đạo.
  • Khiến cho tử cung và các cơ quan vùng chậu khác bị viêm nhiễm.
  • Loại bỏ dịch âm đạo tự nhiên và làm tổn thương thành âm đạo.

Như thế nào là vệ sinh âm đạo đúng cách?

Một trong những lý do quan trọng khiến nhiều người mắc các bệnh về phụ khoa là chưa biết vệ sinh vùng kín đúng cách. Âm đạo vốn là một môi trường vô khuẩn, việc thụt rửa quá sâu hay thường xuyên là không nên và khong cần thiết. Đôi khi việc bạn vệ sinh âm đạo quá kỹ còn làm cơ quan này dễ nhiễm khuẩn hơn.

Cấu tạo âm đạo như thế nào? Vị trí, chức năng và một số điều cần biết về âm đạo 3 Vệ sinh âm đạo đúng cách để phòng tránh viêm nhiễm âm đạo

Một số cách vệ sinh âm đạo đúng là:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Điều này làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai... và giảm khả năng mang thai ngoài ý muốn.
  • Nên đi tiểu sau khi đã quan hệ tình dục để tránh nhiễm trùng.
  • Hạn chế việc quan hệ tình dục qua đường âm đạo ngay sau khi quan hệ qua đường hậu môn. Việc làm này có thể khiến vi khuẩn lây từ hậu môn sang âm đạo.
  • Giữ vùng âm đạo khô thoáng, thay đồ lót thường xuyên.
  • Vệ sinh xung quanh âm hộ bằng cách rửa vùng kín bên ngoài bằng nước sạch. Bên cạnh đó có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ và tuyệt đối không cho bất cứ dung dịch nào vào trong âm đạo.

Âm đạo của mỗi người là khác nhau và chúng giữ vai trò rất quan trọng đối với quá trình sinh sản của con người. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp chị em hiểu rõ hơn về cấu tạo âm đạo cũng như biết được thêm những chức năng quan trọng của âm đạo. Chúc các bạn đọc giả luôn khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các bài viết trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin mới nhất nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin