Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khô âm đạo là một triệu chứng phụ khoa bất thường gây ra cảm giác khó chịu và tự ti ở phái nữ có thể gặp phải ở bất kỳ thời điểm nào đó trong đời. Triệu chứng này có thể do rối loạn nội tiết tố nữ, đặc biệt là thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Việc nhận biết sớm triệu chứng này và áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp giúp phụ nữ nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Khô âm đạo là gì?

Khoảng 17% dân số là nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi cho biết rằng họ gặp vấn đề về khô âm đạo trong quá trình quan hệ tình dục, ngay cả trước khi đến độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Hơn một nửa trong số đó gặp tình trạng khô âm đạo nghiêm trọng sau khi mãn kinh.

Khô âm đạo là một triệu chứng khó chịu, đôi khi dẫn đến đau đớn ở bộ phận sinh dục và sâu bên trong do niêm mạc âm đạo khô, không đủ ẩm và teo mỏng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Thông thường, niêm mạc âm đạo được bôi trơn bằng một loại chất lỏng được tiết ra từ các tuyến tiết từ âm đạo, cổ tử cung và nội mạc tử cung. Loại chất nhờn dưỡng ẩm này có tác dụng bôi trơn thành âm đạo, giữ âm đạo luôn trơn láng, giảm sự ma sát khi di chuyển và khi quan hệ tình dục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khô âm đạo

Bạn có thể nhận biết được dấu hiệu của khô âm đạo khi gặp một số tình trạng sau:

  • Cọ xát, thậm chí đau khi đi lại, ngồi, tập thể dục hoặc khi quan hệ tình dục.
  • Cảm giác ngứa hoặc nóng rát vùng âm đạo và âm hộ.
  • Tiểu lắt nhắt, tiểu buốt, rát tại lỗ niệu đạo và âm đạo khi đi tiểu.
  • Dịch âm đạo tiết rất ít, thắt chặt lỗ âm đạo khi quan hệ tình dục.
  • Cảm giác bốc hỏa và bứt rứt.

Biến chứng có thể gặp phải khi bị khô âm đạo

Khô âm đạo không đơn thuần chỉ là một triệu chứng. Hệ lụy của nó khiến phụ nữ suy giảm cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Một số tác hại của khô âm đạo cần kể đến như:

  • Nứt hoặc loét thành âm đạo hoặc lỗ âm đạo.
  • Mất ham muốn tình dục.
  • Khó khăn khi quan hệ tình dục.
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
  • Nguy cơ nhiễm trùng, nấm âm đạo, nhiễm trùng tiểu cao hơn và dễ tái phát hơn.
  • Lo âu, trầm cảm, kém tự tin trong cuộc sống.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khô âm đạo đôi khi không là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, triệu chứng này mang lại cảm giác khó chịu kéo dài và ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hạnh phúc của các cặp vợ chồng. Nếu không được điều trị kịp thời, khô âm đạo có thể dẫn đến những tác hại ảnh hưởng đến sinh lý phái nữ. Hãy đến khám tại các cơ sở y tế Sản phụ khoa uy tín để được bác sĩ khám và tư vấn điều trị.

Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 1
Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu của khô âm đạo, bạn nên đến gặp bác sĩ

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến khô âm đạo

Buồng trứng đóng vai trò là một tuyến nội tiết, sản xuất estrogen và hormone này giúp kiểm soát sự phát triển các đặc điểm đặc trưng của phụ nữ như phát triển vú, lông mu và vóc dáng. Ngoài ra, estrogen đóng vai trò rất quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và quá trình mang thai. Estrogen giúp củng cố và bảo vệ lớp niêm mạc âm đạo được dày, ẩm và khỏe mạnh.

Trong hầu hết trường hợp, khô âm đạo xảy ra khi nồng độ estrogen trong máu giảm. Đây là một hiện tượng sinh lý do quá trình lão hóa ở phụ nữ. Mãn kinh là khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn kết thúc và bạn không thể mang thai được nữa. Khi nồng độ estrogen suy giảm, da và các mô ở âm hộ và âm đạo của bạn trở nên mỏng hơn, khô hơn và kém đàn hồi hơn. Các đặc điểm của sự thay đổi này được gọi là teo âm đạo.

Một số tình trạng sức khỏe hoặc những phương pháp điều trị bệnh có thể gây khô âm đạo, bao gồm:

  • Phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Phẫu thuật cắt buồng trứng.
  • Phụ nữ sau sinh con và trong thời kỳ cho con bú.
  • Sử dụng các loại thuốc tránh thai hoặc bất kỳ hình thức ngừa thai bằng nội tiết tố nào.
  • Sử dụng các thuốc kháng estrogen điều trị u xơ tử cung, ung thư vú hoặc lạc nội mạc tử cung.
  • Sử dụng các thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ gây khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và khó đạt cực khoái.
  • Sử dụng thuốc kháng histamin điều trị ngứa mắt, ngứa mũi và chảy nước mũi có tác dụng phụ gây khô âm đạo và tiểu khó.
  • Phương pháp điều trị ung thư bao gồm hóa trị, xạ trị và liệu pháp hormone thay thế.
  • Đái tháo đường.
  • Hội chứng Sjogren là một rối loạn tự miễn dịch liên quan đến viêm tuyến nước bọt và tuyến lệ, có thể gây khô da và niêm mạc khắp cơ thể.
  • Giảm lượng máu cung cấp đến vùng âm đạo. Lưu ý hội chứng Flammer là tình trạng rối loạn chức năng mạch máu nguyên phát với các kích thích như lạnh hoặc căng thẳng.
  • Sử dụng xà phòng có độ pH cao, nước hoa hoặc các loại dung dịch có hương liệu khác xịt và rửa xung quanh hoặc thụt tháo trong âm đạo.
Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 3
Phụ nữ sau sinh và cho con bú có thể bị khô âm đạo

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải khô âm đạo?

Những đối tượng có nguy cơ mắc phải khô âm đạo là người đang có các bệnh lý đái tháo đường, rối loạn lo âu, ung thư, dị ứng,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải khô âm đạo

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ của khô âm đạo mà bạn cần lưu ý:

  • Phụ nữ có hút thuốc lá đã được chứng minh rằng có thể diễn tiến đến thời kỳ mãn kinh sớm hơn so với người không hút thuốc và tình trạng khô âm đạo sẽ xảy ra sớm hơn.
  • Sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH không phù hợp với âm hộ.
  • Thụt rửa âm đạo bằng nước hoặc các loại dung dịch vệ sinh, xà phòng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán khô âm đạo

Để chẩn đoán tình trạng khô âm đạo, bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa sẽ tiến hành khai thác bệnh sử, thói quen sinh hoạt, kinh nguyệt, tiền sử bệnh và các loại thuốc đang sử dụng, các yếu tố nguy cơ tăng khả năng bệnh để đưa ra định hướng về nguyên nhân. Đồng thời, bác sĩ cũng tiến hành thăm khám phụ khoa và chú ý một số đặc điểm sau:

  • Khám vùng sàn chậu: Quan sát cấu tạo của vùng âm hộ và tầng sinh môn, ghi nhận các bất thường nếu có. Sau đó thăm khám bên trong âm đạo bằng mỏ vịt và bằng tay, xác định có tình trạng niêm mạc khô, mỏng, teo, xuất huyết, trầy xước hay loét không.
  • Khám bụng và phần phụ: Khám bụng tổng quát và chú ý vùng hạ vị và hai phần phụ.

Một số xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định như sau:

  • Xét nghiệm máu: Định lượng nồng độ hormone nữ hoặc những tình trạng sức khỏe khác dẫn đến khô âm đạo.
  • Xét nghiệm dịch tiết âm đạo: Loại trừ các nguyên nhân nhiễm trùng, nhiễm nấm và các bệnh lý phần phụ khác.
Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Khám phụ khoa giúp tìm ra nguyên nhân gây khô âm đạo

Phương pháp điều trị khô âm đạo hiệu quả

Có nhiều phương pháp điều trị tình trạng khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục liên quan đến khô âm đạo.

Thuốc điều trị khô âm đạo

Các loại thuốc này hoạt động bằng cách thay thế estrogen hoặc hoạt động tương tự estrogen trong cơ thể. Một số loại thuốc cần có sự tư vấn và kê toa từ bác sĩ.

  • Kem bôi tại chỗ, vòng âm đạo hoặc viên đặt âm đạo estrogen liều thấp: Những loại thuốc này hoạt động bằng cách thay thế estrogen trong cơ thể.
  • Kem bôi tại chỗ: Các nghiên cứu cho thấy kem bôi chứa estrogen là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả và dung nạp tốt đối với tình trạng teo và khô niêm mạc âm đạo so với giả dược.
  • Viên nén đặt âm đạo chứa estrogen: Dehydroepiandrosterone là một loại thuốc hoạt động giống như estrogen. Thuốc này được sử dụng bằng cách đặt vào âm đạo giúp giảm đau khi quan hệ tình dục ở những người mãn kinh.
  • Vòng đặt âm đạo chứa estrogen: Vòng sau khi được đặt sẽ giải phóng lượng estrogen thấp và liên tục vào các mô ở thành âm đạo. Tác dụng của vòng tối đa ba tháng, sau đó vòng sẽ được bác sĩ thay thế.
  • Ospemifene: Thuốc thuộc nhóm chất điều biến đặc hiệu thụ thể estrogen chọn lọc (SERM) và được dùng bằng đường uống. Nó hoạt động giống như estrogen trong cơ thể và giúp điều trị tình trạng đau khi quan hệ tình dục liên quan đến teo âm đạo.

Có khá ít các nghiên cứu khảo sát tác dụng lâu dài của các estrogen sử dụng tại chỗ. Tuy nhiên, những loại thuốc này có nhiều bằng chứng an toàn hơn so với việc sử dụng liệu pháp hormone thay thế bằng đường uống.

Đừng quên tham vấn ý kiến bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của thuốc có chứa estrogen hoặc các chất hoạt động tương tự estrogen. Estrogen có thể không an toàn cho những người bị ung thư vú hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú.

Chất bôi trơn và dưỡng ẩm cho tình trạng khô âm đạo

Các chất bôi trơn và chất dưỡng ẩm bạn có thể tự mua mà không cần toa bác sĩ. Các chất này có vai trò bổ sung độ ẩm cho âm đạo và điều này có thể giúp giảm đau khi quan hệ tình dục. Các loại kem dưỡng ẩm (chẳng hạn như kem dưỡng ẩm cho mặt hoặc cơ thể) không thể thay thế các chất dưỡng ẩm dành cho âm đạo.

  • Kem dưỡng ẩm âm đạo: Thoa kem dưỡng ẩm âm đạo vài ngày một lần để giữ cho niêm mạc âm đạo đủ ẩm và khỏe mạnh.
  • Chất bôi trơn âm đạo: Bôi chất bôi trơn ngay trước khi quan hệ tình dục để giảm bớt sự khó chịu trong quá trình quan hệ. Chất bôi trơn gốc dầu có thể làm hỏng bao cao su. Vì vậy, nếu bạn đang trong độ tuổi sinh sản và cần kế hoạch hóa gia đình, chỉ nên sử dụng chất bôi trơn gốc nước.
Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
Gel bôi trơn gốc nước giúp bổ sung độ ẩm cho âm đạo

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của khô âm đạo

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị trong quá trình điều trị.
  • Duy trì lối sống lạc quan, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.
  • Thăm khám theo lịch của bác sĩ đưa ra để theo dõi diễn tiến của bệnh và đánh giá độ hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất và khoa học. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.

Phương pháp phòng ngừa khô âm đạo hiệu quả

Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn cải thiện và phòng ngừa tình trạng khô âm đạo. Bạn có thể tham khảo các phương pháp sau đây:

  • Uống đủ nước: Hãy đảm bảo bạn uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước một ngày, ưu tiên nước lọc thay vì các loại nước ép trái cây hoặc nước chứa các loại đường.
  • Quan hệ tình dục thường xuyên: Việc quan hệ tình dục đều đặn với màn dạo đầu chất lượng có thể giúp tăng lưu lượng máu đến vùng âm đạo và kích thích vùng này tiết ra chất dịch bôi trơn làm ẩm âm đạo. Màn dạo đầu cũng giúp quá trình quan hệ tình dục trở nên tự nhiên và thú vị, khiến nữ giới không còn tự ti trước tình trạng khô âm đạo. Sử dụng một số sản phẩm bôi trơn được bác sĩ tư vấn cũng giúp việc quan hệ tình dục dễ dàng hơn.
  • Tránh một số sản phẩm vệ sinh vùng kín không phù hợp: Nhiều sản phẩm vệ sinh vùng kín có độ pH cao, chứa hương liệu và các chất độn không phù hợp với âm đạo. Âm đạo với sự cân bằng của lợi khuẩn và khả năng tự làm sạch có thể loại bỏ các vi khuẩn có hại. Việc thụt rửa hay sử dụng hương liệu khiến âm đạo trở nên nhạy cảm và dễ viêm nhiễm hơn.
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ: Khám phụ khoa trong độ tuổi sinh sản hoặc đến khám ngay tại các cơ sở y tế Sản phụ khoa uy tín nếu có các triệu chứng bất thường về phụ khoa, không tự ý dùng thuốc hoặc ngưng thuốc mà bác sĩ chỉ định.
Khô âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Uống đủ nước giúp cải thiện triệu chứng khô âm đạo
Nguồn tham khảo
  1. Vaginal Dryness: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21027-vaginal-dryness
  2. Goncharenko V, Bubnov R, Polivka J Jr, Zubor P, Biringer K, Bielik T, Kuhn W, Golubnitschaja O. Vaginal dryness: individualised patient profiles, risks and mitigating measures. EPMA J. 2019;10(1):73-79. doi: 10.1007/s13167-019-00164-3.
  3. Archer DF, Simon JA, Portman DJ, Goldstein SR, Goldstein I. Ospemifene for the treatment of menopausal vaginal dryness, a symptom of the genitourinary syndrome of menopause. Expert Rev Endocrinol Metab. 2019;14(5):301-314. doi: 10.1080/17446651.2019.1657008.
  4. Waetjen LE, Crawford SL, Chang PY, Reed BD, Hess R, Avis NE, Harlow SD, Greendale GA, Dugan SA, Gold EB; Study of Womenʼs Health Across the Nation (SWAN). Factors associated with developing vaginal dryness symptoms in women transitioning through menopause: a longitudinal study. Menopause. 2018;25(10):1094-1104. doi: 10.1097/GME.0000000000001130.
  5. Cagnacci A, Xholli A, Sclauzero M, Venier M, Palma F, Gambacciani M; writing group of the ANGEL study. Vaginal atrophy across the menopausal age: results from the ANGEL study. Climacteric. 2019 Feb;22(1):85-89. doi: 10.1080/13697137.2018.1529748.

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng tiền mãn kinh

  2. Xuất tinh sớm

  3. Herpes hậu môn

  4. Đau tinh hoàn

  5. Chậm kinh

  6. Di tinh, mộng tinh

  7. U cơ trơn tử cung

  8. Hội chứng nam hóa

  9. Rong kinh

  10. Ấu dâm