Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chấn động não có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị chấn động não

Ngày 28/09/2022
Kích thước chữ

Chấn động não là tình trạng rối loạn tâm thần sau khi bệnh nhân chấn thương, va chạm vùng đầu. Điều này có thể gây mất ý thức, rối loạn tinh thần hay thay đổi hành vi sau chấn thương. Tuy nhiên, biểu hiện của chấn động não rất đa dạng khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Vậy chấn động não do nguyên nhân gì? Cách điều trị phù hợp cho tình trạng chấn động não là gì?

Chấn động não thường gặp sau khi người bệnh bị va chạm mạnh vùng đầu. Biểu hiện của chấn động não rất đa dạng, thời gian biểu hiện bệnh có thể chỉ trong vài ngày cũng có thể kéo dài hơn. Nếu triệu chứng xuất hiện nhẹ và thoáng qua trong thời gian ngắn, bạn có thể tự điều chỉnh lối sống giúp quá trình hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng rối loạn tinh thần kéo dài, kèm theo một số triệu chứng như nôn mửa, hôn mê, choáng váng… kéo dài, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và điều trị.

Chấn động não là gì?

Chấn động não là tình trạng tổn thương về mặt tinh thần sau chấn thương đầu, có thể kèm theo hoặc không kèm mất tri giác, nhận thức. Đây là định nghĩa phổ biến về chấn động não trích dẫn theo hội nghị thần kinh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một hội nghị quốc tế đa chuyên khoa năm 2012 đã định nghĩa chấn động não là tổn thương não và là một quá trình sinh lý bệnh phức tạp, tác động trực tiếp vào não bộ, gây ra những tổn thương mặt sinh học do chấn thương não.

Tổng kết, có thể hiểu chấn động não chính là một dạng chấn thương sọ não mức độ nhẹ, do tác nhân vật lý chấn thương trực tiếp vào vùng đầu, mặt, cổ. Chấn động não sẽ không bao gồm tổn thương thực thể trên não bộ, não vẫn có khả năng hồi phục nguyên vẹn chức năng thần kinh.

Chấn động não có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị chấn động não 1 Chấn động não xuất hiện sau chấn thương vùng đầu

Triệu chứng của chấn động não

Chấn động não sẽ gây ra các triệu chứng phản ánh sự rối loạn chức năng thần kinh. Các triệu chứng tuy có thể hồi phục, nhưng sẽ kéo dài từ vài giờ, vài ngày hay vài tháng. Biểu hiện của chấn động não có thể gặp là:

  • Bất tỉnh tạm thời.
  • Nhức đầu và ù tai.
  • Hay quên.
  • Mất trí nhớ ngắn hạn.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Chóng mặt, choáng váng.
  • Lú lẫn.
  • Nói lắp.

Chấn động não có nguy hiểm không?

Tuy chấn động não nguy hiểm nhưng không đe dọa tới sức khỏe và tính mạng người bệnh như chấn thương sọ não. Triệu chứng biểu hiện của chấn động não thường rất đa dạng, mức độ nhẹ và xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn. Nếu được chăm sóc tốt, người bệnh có thể khôi phục hoàn toàn thể trạng và tinh thần.

Chấn động não có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị chấn động não 2 Chấn động não có thể gây hoa mắt chóng mặt

Ngược lại, một số trường hợp chấn động não nặng hoặc bị chẩn đoán nhầm, bỏ sót chấn thương sọ não. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng trần trọng hơn như đau đầu dữ dội, yếu chi, nhìn đôi, hoa mắt chóng mặt thường xuyên… là dấu hiệu cho thấy người bệnh đã bị chấn động nặng. 

Ngoài ra, một số trường hợp chấn động não hiếm gặp gây ra bệnh lý thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ kéo dài.

Điều trị chấn động não

Mặc dù không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho tình trạng chấn động não, người bệnh sẽ nhanh hồi phục nếu được chăm sóc tốt. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị tại gia giúp người bệnh mau hồi phục.

Chế độ ăn uống dinh dưỡng

Một chế độ dinh dưỡng toàn diện cho người bệnh cần được xây dựng dựa trên bốn nhóm thực phẩm thiết yếu:

  • Nhóm carbohydrate(tinh bột).
  • Nhóm protein (đạm).
  • Nhóm lipid (chất béo).
  • Nhóm vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Thực đơn ăn uống khoa học, cân bằng và hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục. Chú ý cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi theo mùa, đa dạng màu sắc. Đảm bảo tiêu thụ tối thiểu 400 gam chất xơ. 

Chấn động não có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị chấn động não 3 Chế độ cân bằng dưỡng chất giúp phục hồi chấn động não

Ngoài ra, không nên cho bệnh nhân ăn các món ăn quá nhiều gia vị đậm như muối hoặc đường. Muối chỉ nên sử dụng tối đa một thìa cà phê, hay 5 gam muối, tốt hơn nếu là muối kèm iot. Với đường, chỉ nên tiêu thụ khoảng 50 gam, tương đương với 12 thìa cà phê.

Đồng thời, hạn chế ăn các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ không tốt cho sức khỏe người bệnh.

Cuối cùng, tránh các loại đồ uống, chế phẩm, thực phẩm chứa chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia… Các loại thực phẩm này có thể kích thích gây rối loạn tâm thần và hành vi, nhiễm độc và thoái hóa hệ thần kinh.

Hạn chế căng thẳng, áp lực

Căng thẳng kéo dài không chỉ gây hại lên hệ thần kinh và não bộ mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe toàn cơ thể. Khi bị căng thẳng thần kinh lâu ngày, chất dẫn truyền thần kinh sẽ kích thích dây thần kinh phế vị. 

Thần kinh phế vị bị kích thích có thể làm tăng nguy cơ mắc ICP (tăng áp lực nội sọ) gây nên những cơn đau đầu kéo dài, chóng mặt ù tai. Ngoài ra, khi dây phế vị bị kích thích sẽ tác động mạnh lên hoạt động tiết dịch vị của dạ dày, tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày do stress. 

Mặt khác, tình trạng căng thẳng góp phần gây nên các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, rối loạn nhân cách hay trầm cảm.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ rất quan trọng, đối với cả người khỏe mạnh và người bệnh. Nếu trong quá trình tĩnh dưỡng, bạn không có giấc ngủ ngon sẽ gây rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, suy giảm hệ miễn dịch và tác động tiêu cực tới tinh thần người bệnh.

Ngược lại, khi người bệnh có thể dành 6 đến 8 tiếng mỗi ngày cho giấc ngủ, hormone sẽ được điều hòa cân bằng, hệ miễn dịch được tăng cường để chống lại mầm bệnh. Không những vậy, tinh thần người bệnh sẽ luôn sảng khoái và tràn trề năng lượng.

Chấn động não có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị chấn động não 4 Giấc ngủ ngon giúp người bệnh phục hồi tốt

Trường hợp cần bác sĩ can thiệp

Nếu tình trạng rối loạn tâm thần kéo dài và tiến triển nặng hơn, kèm theo một số triệu chứng như:

  • Buồn nôn, nôn mửa kéo dài.
  • Mất ý thức thường xuyên.
  • Xuất hiện cơn động kinh.
  • Cử động bất thường, yếu cơ.
  • Khó giữ thăng bằng, dễ bị ngã, dễ bị choáng váng mất thăng bằng.
  • Hôn mê.

Nếu xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại trên, người bệnh cần tìm tới bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kỹ lưỡng và xây dựng phương án điều trị phù hợp.

Ngoài thăm khám lâm sàng, người bệnh sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm thường quy như xét nghiệm tổng phân tích máu ngoại vi, xét nghiệm điện giải đồ, xét nghiệm hóa sinh cơ bản… và thực hiện một số phương pháp thăm dò hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính não, chụp mạch máu não để hỗ trợ chẩn đoán. Tùy theo tình trạng của người bệnh và thể trạng, phác đồ điều trị sẽ khác nhau.

Chấn động não có nguy hiểm không? Triệu chứng và cách điều trị chấn động não 5 Người bệnh cần được bác sĩ thăm khám nếu triệu chứng bệnh kéo dài

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về hiện tượng chấn động não. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Chấn động não là tình trạng thường gặp sau khi va chạm và chấn thương vùng đầu. Biểu hiện của chấn động não rất đa dạng, từ triệu chứng nhẹ như choáng váng, nhức đầu cho tới triệu chứng đáng lo ngại như rối loạn tinh thần, mất ý thức. Nếu triệu chứng chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, bạn có thể tự khắc phục tại nhà. Ngược lại, nếu bệnh tiến triển nặng, bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm