Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chắp mắt để lâu có sao không?

Ngày 06/04/2022
Kích thước chữ

Chắp mắt là một bệnh viêm nhiễm ngoài da ở mí mắt, xuất hiện ở cả đối tượng người trưởng thành lẫn trẻ nhỏ. Chắp mắt gây nổi cục, có thể hình thành ở nhiều vị trí như mí trên, mí dưới, chắp trong, chắp ngoài ở 1 hoặc cả 2 bên mắt. Khi bị chắp mắt, người bệnh không cảm thấy đau nhức, chỉ có cảm giác hơi cồm cộm nên nhiều người không tiến hành điều trị mà để cho tự hồi phục. 

Tuy nhiên cũng không ít câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc làm này: “Liệu chắp mắt để lâu có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Cách tự chữa trị tại nhà sao cho nhanh hết?...” Nếu cũng có những thắc mắc tương tự thì hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân gây chắp mắt

Cùng hình thành ở vị trí mí mắt với triệu chứng nổi hạt tương tự nên nhiều người hay nhầm tưởng chắp mắt và lẹo mắt. Tuy nhiên, khác với lẹo mắt, chắp mặt xuất hiện do sự tắc nghẽn của tuyến nhờn mí mắt (tuyến Meibomius) tạo thành các nốt u hoặc cộm lên trên mí mắt. Ở trạng thái bình thường, tuyến nhờn này có vai trò cân bằng độ ẩm bên trong mí và rất dễ bị bụi bẩn hoặc do vệ sinh không sạch sẽ làm bít tắc. Tuyến nhờn Meibomius bị nghẽn thời gian dài có thể vỡ ra, vi khuẩn xâm nhập và  gây viêm nhiễm.

Chắp mắt có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng hay gặp nhất vẫn là trẻ em vì các bé thường dùng tay dụi mắt. Ngoài ra, những người đã từng bị chắp mắt, lẹo mắt trước đó hoặc có tiền sử mắc các bệnh liên quan tới da như mụn trứng cá, viêm da tiết bã,... cũng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Chắp mắt để lâu có sao không? 1

Những người có tiền sử mắc mụn trứng cá có nguy cơ cao bị chắp mắt

Chắp mắt có thể có nhiều dạng như chắp trong, chắp ngoài, mọc ở nhiều vị trí như mí mắt dưới, mí mắt trên ở một hoặc cả hai mắt. Khi bị chắp mắt, vùng mí mắt sẽ sưng tấy, hơi đỏ, cộm nhức và có thể bị sụp mí nếu xuất hiện viêm nhiễm. Mặc dù không nguy hiểm nhưng vẫn gây không ít phiền toái trong sinh hoạt cho người chẳng may mắc phải.

Cách điều trị chắp mắt tại nhà

Hầu hết các trường hợp, chắp mắt sẽ tự động khỏi hoàn toàn sau 2-8 tuần mà không cần can thiệp quá nhiều. Nếu muốn đẩy nhanh tốc độ hồi phục của mí mắt, bạn có thể áp dụng các cách sau.

Chườm ấm mắt bằng khăn hoặc túi lọc trà

Phương pháp chườm ấm giúp giảm sưng tấy, đau nhức và hỗ trợ chắp mắt lành nhanh hơn. Bạn nên sử dụng túi lọc trà hoặc khăn mềm, cho chúng vào nước ấm đã chuẩn bị sẵn, vắt ráo nước rồi chườm nhẹ nhàng lên mắt. Thực hiện 4-5 lần mỗi ngày, mỗi lần tiến hành trong 10-15 phút để mắt nhanh hồi phục.

Chắp mắt để lâu có sao không? 2

Phương pháp chườm ấm hỗ trợ chắp mắt lành nhanh hơn

Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt

Với phần lớn những bệnh viêm nhiễm, vệ sinh sạch sẽ, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn là điều không thể thiếu. Do mắt là bộ phận nhạy cảm, dễ tổn thương nên khi vệ sinh mắt, bạn nên sử dụng các loại nước muối sinh lý chuyên biệt hoặc những loại thuốc nhỏ mắt có công dụng sát trùng để làm sạch. 

Nếu chắp mắt sưng to hoặc sau một thời gian tự điều trị tại nhà mà tình trạng chắp mắt vẫn không khỏi thì bạn nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ tiến hành mổ chắp mắt. Phương pháp này không quá phức tạp và tốn ít chi phí nên bạn cũng không cần quá lo lắng.

Chắp mắt để lâu có sao không? 3

Sử dụng những loại thuốc nhỏ mắt có công dụng sát trùng để vệ sinh chắp mắt

Chắp mắt để lâu có sao không?

Chắp mí phần lớn không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng cho mắt. Bệnh nhân chỉ cảm thấy cộm, có chút ngứa và đôi khi đau nhức hoặc tiết nhiều dịch nhầy mắt hơn bình thường. Chắp mắt để lâu ngày có thể gây sẹo, làm co rúm mí mắt, gây mất thẩm mỹ cho đôi mắt. Ngoài ra, nếu không chăm sóc cẩn thận, chắp mắt có thể bị nhiễm trùng, lây sang các vùng mô lân cận, gây nên biến chứng viêm mô tế bào bao quanh hốc mắt (orbital cellulitis). Tình trạng này khiến mí mắt sẽ sưng to, ửng đỏ và đau nhức dữ dội, mắt khó mở và người bệnh có thể bị sốt cao.

Thông thường, các chắp mắt sẽ tự phục hồi sau một thời gian, chắp mắt đã xơ chai cũng ít khi gây cộm mắt hay dẫn đến các vấn đề liên quan đến mắt khác. Tuy nhiên, nếu chúng gây khó chịu hoặc bản thân người bệnh có nhu cầu thì vẫn có thể tiến hành can thiệp giải phẫu bằng phương pháp rạch chắp mắt. Đây chỉ là tiểu phẫu đơn giản, mí mắt sẽ lành lại hoàn toàn sau 5-7 ngày và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi mổ chắp mắt, bạn cũng nên lưu ý một số điều để quá trình hồi phục diễn ra thuận hơn.

  • Không ăn thức ăn cay nóng, các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, món ăn lạ bụng và không sử dụng thuốc lá, rượu bia cũng như các chất kích thích khác.
  • Không dùng tay dụi, gãi mắt. Không nên trang điểm mắt, tẩy trang vùng mắt hoặc đeo kính áp tròng khi đang điều trị chắp mắt. Sau khi ra ngoài cần vệ sinh vùng mi mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, ánh sáng từ thiết bị điện tử, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Nên đeo kính chống bụi, chống tia UV khi ra ngoài. 

Chắp mắt để lâu có sao không? 4

Không ăn thức ăn cay nóng, các thực phẩm dễ gây dị ứng 

Mặc dù chắp mắt không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng chắc hẳn không ai cảm thấy thoải mái với một hạt nhỏ xuất hiện trên mí mắt của mình. Bên cạnh những phương pháp điều trị tại nhà và những điều cần lưu ý sau khi mổ chắp mắt, bạn cũng cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh như thường xuyên rửa tay sạch sẽ, không sử dụng chung dụng cụ trang điểm, luôn đảm bảo vệ sinh mắt đúng cách,... để bảo vệ đôi mắt của mình luôn ở trạng thái tốt nhất.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm