Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?

Ngày 09/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ em là đối tượng rất thường bị chảy máu cam. Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ em. Vậy chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?

Mũi của chúng ta chứa nhiều mạch máu, nằm sát phía trước và sau mũi. Đặc biệt ở trẻ em, các mạch máu này rất dễ vỡ và dẫn đến chảy máu. Chảy máu cam là tình trạng rất thường gặp ở người lớn tuổi và cả ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi. Những nguyên nhân gây ra chảy máu cam ở trẻ nhỏ đa phần là do dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng xoang mũi, độ ẩm trong mũi giảm do hít phải không khí khô và những kích thích khác như trẻ ngoáy mũi mạnh, có vật lạ lọt vào trong mũi, chấn thương và va đập mũi… Đôi khi, nguyên nhân gây chảy máu cam còn có thể do bất thường ở kết cấu của mũi và sự phát triển không bình thường của mũi từ lúc mới sinh.

Nếu bé thường xuyên chảy máu cam dù đã điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám bởi rất có thể đây là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, trẻ em từ 4 tuổi nên được khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm một lần nhằm theo dõi sức khỏe.

Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?

Có hai loại chảy máu cam là chảy máu cam trước và chảy máu cam sau. Chảy máu cam trước, xảy ra khi các mạch máu ở phía trước của mũi vì nguyên nhân nào đó bị vỡ và chảy máu. Chảy máu cam sau nguy hiểm hơn, xảy ra ở phía sau hoặc phần sâu nhất của mũi. Với trường hợp này, máu có thể sẽ chảy xuống phía sau cổ họng và có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm, khó thở…

Trẻ bị chảy máu cam cũng là hiện tượng được cho là bình thường khi cơ thể của trẻ quá nóng hoặc do thiếu vitamin C. Tuy nhiên, nếu bé bị chảy máu cam thường xuyên, nhiều lần trong ngày, ba mẹ nên đưa con đi khám kịp thời vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như rối loạn đông máu ở trẻ sơ sinh, có khối u ở mũi hoặc bệnh bạch cầu…

Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?1 Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều bậc cha mẹ

Dấu hiệu chảy máu cam ở trẻ em cần đi khám ngay

Đối với trẻ em nhỏ, phụ huynh cần đặc biệt chú ý và trẻ cần được chăm sóc khẩn cấp khi bị chảy máu cam:

  • Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, nhiều lần trong ngày và liên tục trong nhiều ngày.
  • Trẻ bị chảy máu cam kèm theo chóng mặt và da dẻ nhợt nhạt.
  • Trẻ bị chảy máu mũi do nguyên nhân bị té ngã, va đập hoặc có chấn thương.
  • Trẻ bị chảy máu không ngừng, ngay cả khi đã sơ cứu bịt cánh mũi 2 lần, mỗi lần liên tục 10 phút để ngăn máu chảy.
  • Trẻ bị chảy máu mũi do trẻ có nhét vật gì đó vào mũi.
  • Tình trạng chảy máu đồng thời cũng xảy ra từ các khu vực khác trên cơ thể, như nướu răng, tai…
  • Có dấu hiệu bị bầm tím do chấn thương.

Cần làm gì để ngăn ngừa chảy máu cam ở trẻ em?

Để ngăn ngừa chảy máu cam ở trẻ, ba mẹ cần cần thực hiện những vấn đề sau đây:

  • Nên thường xuyên kiểm tra và cắt ngắn móng tay cho trẻ nhằm hạn chế việc ngoáy mũi gây trầy xước mũi dẫn đến chảy máu.
  • Nên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, đảm bảo trẻ tiêu thụ đủ các nhóm chất như vitamin C, K, Kali, sắt…
  • Vào mùa đông có thể cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí.
  • Không được để trẻ hít phải khói thuốc lá nhằm tránh bị khô mũi dẫn đến chảy máu cam và những bệnh nguy hiểm khác.
  • Nên dạy cho trẻ cách mở miệng khi hắt hơi nhằm làm giảm áp lực lên mũi.
  • Hướng dẫn trẻ cách xì mũi nhẹ nhàng.
  • Khi trẻ chảy máu mũi nên để trẻ ngồi thẳng lưng, đầu và cổ hướng về phía trước. Không được đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau.
  • Hạn chế sử dụng những thuốc giảm đau như aspirin cho trẻ vì có nguy cơ gia tăng chảy máu.
  • Cần nhỏ mũi thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh và giữ ẩm cho mũi.
Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?2 Nên cắt móng tay và hạn chế cho trẻ ngoáy mũi nhằm ngăn ngừa chảy máu cam ở trẻ em

Điều trị chảy máu cam ở trẻ em

Điều trị chảy máu cam ở trẻ em phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Phụ huynh không nên tự ý mua thuốc uống hoặc thuốc nhỏ mũi sử dụng cho trẻ vì có nguy cơ gây biến chứng nặng nề hơn tình trạng chảy máu. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị đúng cách nhất.

Thông thường, nếu trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường và không có tiền sử bị chảy máu cam, khi bị chảy máu mũi thường là tình trạng nhẹ và ba mẹ có thể tự sơ cứu đúng cách cho trẻ và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng xuất huyết không có dấu hiệu giảm, không tự cầm máu… hãy gặp bác sĩ ngay lập tức vì trẻ có thể bị chảy máu mũi sau và cần điều trị sâu hơn.

Khi bị chảy máu mũi sau, máu cũng có xu hướng chảy từ phía sau của mũi xuống cổ họng của trẻ. Chảy máu cam sau không được tự điều trị tại nhà, không được để bé trong tình trạng chảy máu mũi quá lâu.

Một số trường hợp trẻ đang trong độ tuổi phát triển, có thể nhanh nhẹn khiến xảy ra tình trạng xuất hiện dị vật mũi. Trường hợp này, trẻ thường chảy máu mũi và máu có mùi hôi lạ. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và loại bỏ dị vật.

Chẩn đoán chảy máu cam ở trẻ

Nếu tình trạng chảy máu cam ở trẻ có dấu hiệu trầm trọng, thường xuyên, nhiều lần… các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe của trẻ nhằm xác định nguyên nhân chính xác. Đầu tiên, nếu loại bỏ được nguy cơ trẻ bị mắc dị vật, việc thực hiện một số xét nghiệm dưới đây sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu cam ở trẻ, những xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu.
  • Xét nghiệm chức năng đông – chảy máu ở trẻ.
  • Nội soi mũi trẻ.
  • Chụp cắt lớp CT/scan mũi.
  • Chụp X-quang mặt và mũi.
Chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không?3 Nếu tình trạng chảy máu cam ở trẻ có dấu hiệu trầm trọng nên nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ

Trên đây là thông tin về tình trạng chảy máu cam ở trẻ em có nguy hiểm không hi vọng làm hài lòng bạn đọc. Sau khi xác định được nguyên nhân gây chảy máu mũi cụ thể, các bác sĩ sẽ có hướng kiểm tra và điều trị hợp lý, giúp trẻ nhanh chóng lấy lại sức khỏe.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm