Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chỉ số glucose trong nước tiểu có ý nghĩa gì?

Ngày 19/02/2024
Kích thước chữ

Chỉ số glucose trong nước tiểu là xét nghiệm giúp đánh giá mức độ đường huyết và dự báo về các vấn đề sức khỏe tổng thể. Vậy cụ thể, chỉ số glucose trong nước tiểu có ý nghĩa gì?

Định lượng glucose trong nước tiểu là xét nghiệm nhanh chóng và đơn giản được sử dụng để kiểm tra sự xuất hiện nồng độ cao bất thường của glucose trong nước tiểu. Nhờ đó xác định được bệnh lý về đái tháo đường hoặc các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Nguyên nhân gây xuất hiện glucose trong nước tiểu

Glucose là một loại nguyên liệu cần thiết được sử dụng để tạo năng lượng trong quá trình hô hấp tế bào. Thông thường cơ thể chuyển đổi các carbohydrate từ thức ăn (nguồn glucose ngoại sinh) hoặc chuyển đổi glycogen dự trữ ở gan (nguồn glucose nội sinh) thành glucose để chuyển thành năng lượng.

Trong điều kiện sức khỏe bình thường hầu hết glucose được lọc bởi cầu thận và được tái hấp thu ở ống thận đưa trở lại tuần hoàn. Chỉ có một lượng rất nhỏ glucose ở trong nước tiểu và không thể phát hiện được thông qua các xét nghiệm nước tiểu thường quy.

Chỉ số glucose trong nước tiểu có ý nghĩa gì? 1
Ở người khỏe mạnh, glucose sẽ không xuất hiện trong nước tiểu 

Như vậy một người khỏe mạnh bình thường sẽ không xuất hiện glucose trong nước tiểu. Khả năng tái hấp thu của ống thận đối với glucose hoàn toàn hữu hiệu khi nồng độ glucose máu ≤ 180mg/dl (10 mmol/L).

Nguyên nhân gây xuất hiện glucose trong nước tiểu (glucose niệu) chủ yếu là theo hai cơ chế sau:

  • Thứ nhất, do lượng glucose trong máu quá cao (như trong bệnh đái tháo đường) làm vượt quá khả năng tái hấp thu của ống thận với glucose từ đó gây xuất hiện glucose trong nước tiểu.
  • Thứ hai, lượng glucose trong máu vẫn giữ ở mức bình thường, nhưng thận lại bị tổn thương không có khả năng tái hấp thu glucose vào trong máu, lúc này glucose sẽ thoát ra ngoài qua nước tiểu làm dẫn đến xuất hiện glucose trong nước tiểu.

Xét nghiệm glucose nước tiểu là phương pháp được tiến hành để kiểm tra sự xuất hiện nồng độ cao bất thường của glucose trong nước tiểu.

Vai trò của xét nghiệm glucose trong nước tiểu

Trước đây, xét nghiệm kiểm tra lượng glucose trong nước tiểu là một trong những xét nghiệm được sử dụng trong việc đánh giá và quản lý mức đường huyết trong cơ thể. Thông qua xét nghiệm này, người bệnh và bác sĩ có thể theo dõi sát sao lượng đường huyết, đánh giá tốt hơn về khả năng điều trị bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên hiện nay người ta chủ yếu sử dụng bằng phương pháp xét nghiệm máu nhằm định lượng đường trong máu tĩnh mạch tại các thời điểm khác nhau (sau nhịn ăn 8 - 12 giờ, đường máu bất kỳ hoặc đường máu sau ăn 2 giờ) hoặc định lượng đường mao mạch ở ngón tay để theo dõi và tầm soát đường máu thay vì xét nghiệm glucose trong nước tiểu như trước kia. Tuy nhiên việc xét nghiệm glucose trong nước tiểu vẫn được chỉ định nếu thấy xét nghiệm trên phù hợp với người bệnh.

Chỉ số glucose trong nước tiểu có ý nghĩa gì? 2
Xét nghiệm glucose trong nước tiểu hiện nay xác định các bệnh liên quan đến thận 

Xét nghiệm glucose trong nước tiểu hiện nay thường được chỉ định đối với những trường hợp nghi ngờ có tổn thương liên quan đến thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi khi thận bị tổn thương sẽ làm đào thải glucose ra ngoài thông qua nước tiểu trong khi nồng độ glucose trong máu bình thường.

Trong một số trường hợp, xét nghiệm glucose trong nước tiểu được chỉ định trong các trường hợp mang thai. Phụ nữ khi mang thai sẽ có nồng độ glucose trong nước tiểu cao hơn so với những phụ nữ bình thường. Khi phụ nữ mang thai xét nghiệm thấy có glucose trong nước tiểu tăng cao thì cần phải được kiểm tra cẩn thận nhằm phòng tránh tiểu đường thai kỳ.

Quy trình thực hiện xét nghiệm glucose trong nước tiểu

Chuẩn bị

Trước khi thực hiện xét nghiệm, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Đồng thời không tự ý ngưng hay sử dụng bất kỳ thuốc nào nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc làm giảm glucose trong nước tiểu gây ra nhầm lẫn trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị.

Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, không ăn uống trước khi xét nghiệm tối thiểu là 3 giờ đồng hồ.

Quy trình thực hiện

Để kết quả xét nghiệm chính xác, người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ hay kỹ thuật viên xét nghiệm về cách lấy mẫu nước tiểu. 

Thông thường định lượng glucose trong nước tiểu được thực hiện trên mẫu nước tiểu vào buổi sáng (cho kết quả chính xác hơn so với các thời điểm khác) hoặc một mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.

Chỉ số glucose trong nước tiểu có ý nghĩa gì? 3
Người bệnh sẽ được phát 1 lọ có nắp kín để lấy mẫu nước tiểu 

Quy trình lấy mẫu nước tiểu được thực hiện theo các bước sau:

  • Người bệnh sẽ được phát một lọ đựng mẫu nước tiểu có nắp và ghi nhãn tên. Lúc này người bệnh nên kiểm tra lại thông tin của mình với nhãn ghi trên lọ đựng, nếu phát hiện có sự nhầm lẫn thì cần báo lại cho nhân viên y tế để sửa lại.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng và lau khô trước khi lấy mẫu. Mở lọ đựng nước tiểu sao cho tay không chạm vào bên trong lọ.
  • Làm sạch vùng sinh dục bằng khăn sạch. Đối với nữ tách môi âm hộ (các nếp gấp của da xung quanh âm đạo) và lau mặt trong từ trước ra sau, còn đối với nam lau toàn bộ phần đầu (cuối) dương vật.
  • Tiểu một lượng nhỏ nước tiểu đầu dòng vào bồn tiểu nhằm làm sạch đường tiểu. Sau đó đưa cốc vào dòng tiểu, lấy khoảng nửa cốc nước tiểu giữa dòng. Đậy kín nắp sao cho không chạm vào phía trong thành lọ.
  • Chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm và chờ đợi kết quả.

Sau khi thực hiện xét nghiệm định lượng glucose trong nước tiểu, nếu kết quả có gì bất thường hay bác sĩ đang nghi ngờ một bệnh lý nào đó thì người bệnh có thể sẽ làm bổ sung một số xét nghiệm khác để có thể chẩn đoán bệnh rõ hơn.

Đánh giá kết quả xét nghiệm glucose trong nước tiểu

Nồng độ glucose trong nước tiểu được cho bình thường khi mẫu nước tiểu có chỉ số glucose âm tính, nồng độ glucose nằm trong khoảng từ 0,3 - 7mmol/ngày (đơn vị SI) hay 50 - 300mg/ngày. Nồng độ glucose trong nước tiểu cao hơn hơn giá trị thông thường hay glucose niệu dương tính có thể là dấu hiệu bất thường của một vấn đề sức khỏe như: Tiểu đường, mang thai, bệnh đường niệu do thận, nhiễm độc thận (chì, thuỷ ngân),...

Chỉ số glucose trong nước tiểu có ý nghĩa gì? 4
Tập thể dục giúp cân bằng lượng glucose trong máu 

Biện pháp giúp duy trì lượng glucose trong nước tiểu

Một số biện pháp giúp duy trì sự ổn định của glucose trong nước tiểu có thể áp dụng vào lối sống hàng ngày như:

  • Tuân thủ lịch trình ăn hợp lý, tránh bỏ bữa để duy trì mức đường huyết ổn định, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm và chất béo lành mạnh, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa đường…
  • Luyện tập thể dục thông qua bơi lội, yoga hoặc các bài tập aerobic thường xuyên giúp cơ thể tiêu hao glucose, giữ cân bằng đường huyết.
  • Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình mức đường huyết và thực hiện các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống nếu cần thiết.
  • Tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về cách quản lý glucose và đường huyết trong cơ thể.

Xét nghiệm glucose trong nước tiểu là một xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi, điều trị đái tháo đường và các bệnh lý lâm sàng khác. Để kết quả định lượng glucose trong nước tiểu chính xác, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ hay kỹ thuật viên về cách tiến hành xét nghiệm.

Xem thêm: Độ pH nước tiểu bình thường là bao nhiêu? Làm thế nào để duy trì pH nước tiểu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin