Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn cách điều trị bệnh tiểu đường

Ngày 26/02/2024
Kích thước chữ

Mỗi bệnh nhân sẽ được áp dụng cách điều trị bệnh tiểu đường cụ thể phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến và có hiệu quả cao nhất. Hẫy cùng tìm hiểu qua bài viết của Nhà thuốc Long Châu.

Mục tiêu của các cách điều trị bệnh tiểu đường là giúp kiểm soát đường huyết để ngăn ngừa các biến chứng. Tuy nhiên, cách điều trị tiểu đường sẽ thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe và nhu cầu riêng của từng người bệnh.

Đái tháo đường là bệnh gì?

Trước khi tìm hiểu về các cách điều trị bệnh tiêu đường, chung ta sẽ cùng tìm hiểu chung về bệnh tiểu đường là gì và các triệu chứng cũng như hậu quả mà bệnh tiểu đường gây ra cho người bệnh.

Đái tháo đường là tình trạng cơ thể không thể xử lý đường huyết một cách bình thường, dẫn đến việc đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với mức bình thường. Bệnh này thường được chia thành ba loại chính: đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ (xảy ra trong thai kỳ).

Nguyên nhân của bệnh thường là do cơ thể thiếu insulin hoặc không phản ứng đúng với insulin, hoặc cả hai vấn đề này cùng xảy ra.

Hướng dẫn cách điều trị bệnh tiểu đường 1
Hiểu rõ về đái tháo đường

Ai dễ bị đái tháo đường?

Tầm soát đái tháo đường nên được thực hiện cho những người có nguy cơ. Việc sàng lọc biến chứng cho bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng quan trọng.

Những người có nguy cơ cao về đái tháo đường loại 1, như anh chị em ruột hoặc con của những người mắc bệnh này, có thể được kiểm tra để phát hiện sự hiện diện của các kháng thể tiểu đảo tụy hoặc anti-glutamic acid decarboxylase.

Tuy nhiên, không có phương pháp phòng tránh chính xác cho nhóm người có nguy cơ, do đó việc sàng lọc thường cần thiết để nghiên cứu thêm.

Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường loại 2 bao gồm:

  • Độ tuổi trên 45;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Ít hoặc không vận động;
  • Tiền sử gia đình mắc đái tháo đường;
  • Tiền sử suy giảm điều hòa glucose;
  • Bị đái tháo đường khi mang thai hoặc con sinh ra có cân nặng trên 4,1 kg;
  • Tiền sử tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu (HDL cholesterol < 35 mg/dL hoặc mức triglyceride > 250mg/dL);
  • Tiền sử bệnh tim mạch;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Sắc tộc da đen, người Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Á hoặc gốc Ấn Độ.
Hướng dẫn cách điều trị bệnh tiểu đường 2
Những ai dễ mắc tiểu đường nhất?

Hướng dẫn cách điều trị bệnh tiểu đường

Cách điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả là người bệnh cần kết hợp nhiều phương pháp như thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện thể chất, và tuân thủ đúng liều lượng thuốc.

Các cách điều trị bệnh tiểu đường cụ thể có thể thay đổi tùy theo loại bệnh và tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là thay đổi lối sống là nền tảng quan trọng trong quá trình điều trị và giúp duy trì tình trạng ổn định lâu dài cho người bệnh.

Ăn uống lành mạnh

Sử dụng các loại thực phẩm như ngũ cốc, hạt, trái cây, rau củ giàu chất xơ để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể một cách lành mạnh. Trái cây như cà chua, ớt chuông và rau không chứa tinh bột như rau xanh, bông cải xanh, súp lơ trắng, cùng các loại đậu như đậu gà, đậu lăng đều là những lựa chọn tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, việc chia nhỏ bữa ăn cũng rất quan trọng. Một phần lớn của đĩa nên được dành cho trái cây và rau không chứa tinh bột, khoảng một phần tư cho ngũ cốc nguyên hạt, và một phần tư cho thực phẩm giàu protein như đậu, cá hoặc thịt nạc.

Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường nên tránh hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, cũng như hạn chế uống rượu đến mức vừa phải.

Hướng dẫn cách điều trị bệnh tiểu đường 3
Bạn nên ăn nhiều rau củ quả hơn để tránh tiểu đường

Sử dụng thuốc

Thuốc không phải insulin:

  • Nhóm Metformin: Giúp giảm lượng đường glucose gan sản xuất, cải thiện cơ đồ hoạt động của insulin và làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường. Tuy nhiên, thuốc không thích hợp cho bệnh nhân suy thận và có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, và giảm cảm giác ngon miệng ở một số trường hợp.
  • Nhóm Thiazolidinedione: Làm giảm lượng đường glucose trong gan, giúp tế bào mỡ sử dụng insulin tốt hơn. Có thể kết hợp thuốc này với các loại khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, một số loại trong nhóm này có thể gây ra phù, tăng cân đột ngột, suy giảm thị lực, ung thư bàng quang và suy tim tâm thu.

Thuốc gây tăng tiết insulin:

  • Nhóm thuốc Sulfonylureas: Giúp tăng cường sản xuất insulin từ tuyến tụy, ngăn chặn gan tự tạo glucose và thúc đẩy tổng hợp glycogen. Điều này giúp giảm đường huyết nhanh chóng, nhưng cần chú ý không bỏ bữa khi sử dụng để tránh nguy cơ hạ đường huyết.
  • Nhóm thuốc Meglitinides: Hoạt động nhanh hơn Sulfonylureas, kích thích sản xuất insulin nhiều hơn trong cơ thể. Chúng nên được sử dụng trước khi ăn và có thể dùng cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, chúng có giá cao và có nguy cơ hạ đường huyết nếu sử dụng không đúng cách.
  • Nhóm thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: Hoạt động tương tự như hormone tự nhiên (incretin), thúc đẩy sự phát triển của tế bào beta và sử dụng insulin. Chúng giảm sự thèm ăn, giảm lượng glucagon, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm đường trong máu.
  • Nhóm thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4: Giúp bảo vệ GLP-1 khỏi việc bị phá hủy, kéo dài hoạt động của incretin và giúp giảm đường huyết.

Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột

  • Nhóm thuốc ức chế men alpha – glucosidase: Làm giảm đường huyết bằng cách chậm tiến trình phân hủy carbohydrate và giảm sự hấp thụ glucose ở ruột non. Chúng hỗ trợ ngăn chặn enzym để chậm quá trình tiêu hóa tinh bột.
  • Nhóm thuốc ức chế SGLT2: Giảm sự tái hấp thu glucose tại ống thận, giúp loại bỏ glucose từ cơ thể, giảm đường huyết, kiểm soát huyết áp và cân nặng. Chúng cũng giúp chậm sự tiến triển của bệnh thận, giảm nguy cơ suy thận và tử vong. Một số loại thuốc trong nhóm này đã được chứng minh giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.

Insulin

Insulin thường được dùng để điều trị đái tháo đường type 1 vì tuyến tụy không sản xuất đủ insulin. Nó cũng có thể được dùng cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi cần.

Hormone này được bào chế ở dạng tiêm và có nhiều loại khác nhau. Bác sĩ sẽ chọn loại insulin phù hợp dựa trên mức độ suy giảm insulin của bệnh nhân. Các loại insulin phổ biến nhất bao gồm: insulin tác động nhanh, insulin tác động kéo dài, insulin hỗn hợp (kết hợp cả tác động nhanh và kéo dài) và insulin kết hợp với GLP-1.

Hướng dẫn cách điều trị bệnh tiểu đường 4
Cách điều trị bệnh tiểu đường bằng Insulin

Theo dõi lượng đường trong máu

Người bệnh cần thường xuyên kiểm tra đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ về thời gian và mức tiêu chuẩn. Giữ đường huyết ở gần mức mục tiêu là tốt nhất để tránh hoặc trì hoãn các vấn đề phức tạp của bệnh.

Cấy ghép

Sử dụng tế bào gốc thu được từ máu dây rốn của trẻ sơ sinh có thể hỗ trợ khôi phục khả năng sản xuất insulin ở người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1. Điều này là kết quả của một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Anh và Mỹ.

Khi được ghép vào cơ thể, tế bào gốc có thể giúp tăng lượng insulin trong máu của người bệnh, từ đó giúp điều chỉnh mức đường huyết. Nghiên cứu này mang lại hy vọng cho những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1, giúp họ tránh khỏi việc phải dùng insulin suốt đời.

Ngoài việc thực hiện các cách điều trị bệnh tiểu đường đã nêu ở trên, người bệnh cũng cần duy trì việc kiểm soát bệnh. Đối với bệnh nhân tiểu đường loại 1, việc kiểm tra các biến chứng sau 5 năm từ thời điểm chẩn đoán là quan trọng, trong khi đó, bệnh nhân tiểu đường loại 2 cần kiểm tra ngay sau khi được chẩn đoán.

Cuối cùng, có nhiều cách điều trị bệnh tiểu đường để duy trì trạng thái sức khỏe tốt nhất. Bằng cách tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, người bệnh có thể kiểm soát được bệnh tình và tăng cường chất lượng cuộc sống. Đồng thời, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đúng liệu pháp đã được chỉ định là cách tốt nhất để đảm bảo điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin