Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không?

Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ

Bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong cao và chưa có cách điều trị hiệu quả. Chích ngừa là giải pháp tối ưu để phòng bệnh, giúp kéo giảm tỷ lệ mắc và tử vong do căn bệnh này. Vậy chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không?

Tiêm vắc xin có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa uốn ván cho mọi người, đặc biệt là bà mẹ mang thai và em bé. Tuy nhiên, nhiều người vì không hiểu rõ về lịch tiêm cũng như quá lo lắng về những tác dụng phụ mà bỏ lỡ mũi tiêm vô cùng quan trọng này. Bài viết sau đây sẽ giải đáp băn khoăn chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không?

Những loại vắc xin uốn ván thường gặp

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra khi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào vết thương trong điều kiện yếm khí. Vắc xin uốn ván đóng vai trò hỗ trợ cơ thể chống lại căn bệnh này. Hiện nhiều nơi thường tiêm vắc xin uốn ván kết hợp cùng một số loại vắc xin phòng các bệnh nhiễm khuẩn như bạch hầu và ho gà.

Vắc xin uốn ván là loại vắc xin bất hoạt, tạo ra kháng thể liên kết với độc tố chứ không phải vi khuẩn. Hiệu quả và độ an toàn của vắc xin uốn ván khá cao nên miễn dịch từ kháng thể uốn ván có thể tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên, mức độ kháng thể sẽ giảm theo thời gian nên CDC khuyến cáo mọi người cần tiêm nhắc lại vắc xin uốn ván 10 năm một lần nhằm giúp hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại căn bệnh này.

Sau đây là những loại vắc xin phòng bệnh uốn ván phổ biến nhất hiện nay:

  • DTaP: Đây là loại vắc xin kết hợp phòng các bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà, dành cho trẻ dưới 7 tuổi.
  • TdaP: Loại vắc xin này dùng để ngừa bệnh bạch cầu, uốn ván, ho gà. Loại này dùng cho trẻ em lớn và người trưởng thành.
  • DT và Td: Đây là 2 loại vắc xin dự phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Trong khi vắc xin DT được tiêm cho trẻ nhỏ thì Td dùng để tiêm ngừa cho trẻ lớn và người trưởng thành.
chich-ngua-uon-van-co-tac-dung-phu-khong-2.jpeg
Có nhiều loại vắc xin uốn ván khác nhau

Chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không?

Việc chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không còn phụ thuộc vào cơ địa phản ứng của từng người. Trong một số trường hợp, người tiêm gặp phản ứng phụ ở mức độ nặng, còn lại đa số mọi người chỉ bị phản ứng nhẹ ở vị trí tiêm. Đây chính là hiện tượng xảy ra khi cơ thể đang phản ứng lại với vắc xin để hình thành sự miễn dịch. Dưới đây là một số tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván.

Sưng, đau hoặc nóng đỏ vị trí tiêm

Sưng, đau hoặc nóng đỏ tại vị trí tiêm là một số tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván phổ biến nhất. Tình trạng này sẽ giảm dần và hết hẳn trong vài ngày sau tiêm.

Bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng khó chịu khi bị đau, sưng hoặc nóng đỏ vị trí tiêm. Nếu không thể khắc phục được, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu kỹ về liều lượng thuốc được sử dụng để đảm bảo an toàn.

Sốt nhẹ 38 - 39 độ C

Sau khi tiêm uốn ván, nhiều người có thể bị sốt nhẹ với mức khoảng 38 độ C. Để xử lý tình trạng này, người bị sốt hãy uống các loại thuốc hạ sốt không kê đơn như paracetamol. Trong trường hợp bị sốt cao hơn, liên tục trên 39 độ C, bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

chich-ngua-uon-van-co-tac-dung-phu-khong-6.jpg
Bạn có thể bị sốt sau khi tiêm vắc xin uốn ván

Đau đầu hoặc đau mỏi người

Việc băn khoăn chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không là hoàn toàn có cơ sở. Nguyên nhân là bởi nhiều người thường gặp phải tình trạng đau đầu hoặc đau mỏi nhiều vị trí trên cơ thể sau khi tiêm. Tác dụng phụ này sẽ nhanh chóng bớt đi không lâu sau khi chích ngừa.

Một số người có thể bị đau mỏi ở mức nghiêm trọng hơn. Khi đó, bạn có thể sử dụng với liều lượng phù hợp một số loại thuốc giảm đau như paracetamol để cảm thấy dễ chịu hơn.

Mệt mỏi

Sau khi chích ngừa vắc xin uốn ván, bạn có thể sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi khắp toàn thân hoặc rất buồn ngủ. Đây được đánh giá là một trong những tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván khá phổ biến. Bạn không cần phải quá lo lắng vì đây chính là chỉ báo rằng cơ thể và hệ miễn dịch của bạn vẫn đang hoạt động bình thường để hình thành miễn dịch với căn bệnh này.

Tiêu chảy hoặc buồn nôn, nôn mửa

Tiêu chảy hoặc buồn nôn, nôn mửa là những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin Tdap. Trung bình cứ 10 người trưởng thành tiêm loại vắc xin này sẽ có 1 người gặp phản ứng phụ này. Trong trường hợp này, bạn cần được nghỉ ngơi đầy đủ, tăng cường dinh dưỡng và nước, tránh tiêu thụ những đồ ăn, đồ uống có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

chich-ngua-uon-van-co-tac-dung-phu-khong-8.jpg
10% người trưởng thành bị tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn sau khi tiêm uốn ván

Những lưu ý khi tiêm ngừa uốn ván

Vậy chúng ta cần phải làm gì khi gặp tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván và có đối tượng nào không tiêm được uốn ván không?

Xử trí khi gặp tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván

Với đa số những phản ứng phụ ở mức nhẹ như sốt, đau, mệt mỏi,... người đi tiêm nên dành thời gian nghỉ ngơi và theo dõi tại nhà. Sau vài ngày, những phản ứng phụ này sẽ tự hết.

Trong các trường hợp đặc biệt sau, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và xử trí phù hợp:

  • Khó thở;
  • Phát ban;
  • Tim đập nhanh;
  • Vết tiêm bị đau dữ dội, nóng rát, mẩn đỏ, sưng hoặc thậm chí xuất huyết;
  • Mặt hoặc họng bị sưng phù;
  • Chóng mặt;
  • Suy nhược.

Những đối tượng nào không nên tiêm vắc xin uốn ván?

Việc chích ngừa uốn ván được khuyến cáo dành cho tất cả mọi người ở mọi độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong những đối tượng dưới đây thì cần phải trao đổi thêm với bác sĩ trước khi tiêm vắc xin phòng uốn ván:

  • Trong lịch sử tiêm chủng, bạn đã từng bị dị ứng nghiêm trọng với một hoặc một vài loại vắc xin nào đó ở những lần tiêm trước đây.
  • Bạn bị dị ứng nghiêm trọng hoặc phản ứng ở mức nguy hiểm đến tính mạng trong những lần chích ngừa vắc xin phòng uốn ván trước đó.
  • Bạn rơi vào trạng thái co giật hoặc hôn mê sau lần tiêm vắc xin phòng uốn ván trước đây.
  • Bệnh nhân bị Hội chứng Guillain - Barré.
  • Bệnh nhân đang mắc các bệnh cấp tính ngay trước khi tiêm vắc xin.
  • Người đang sử dụng thuốc có chứa corticoid liều cao.

Bài viết này đã cung cấp dữ liệu để bạn giúp bạn giải đáp băn khoăn về việc chích ngừa uốn ván có tác dụng phụ không? Tương tự các loại vắc xin khác, vắc xin uốn ván cũng gây ra một số tác dụng phụ nhẹ cho thấy cơ thể đang phản ứng để xây dựng khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh này, bao gồm đau nhức, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Hầu hết những tác dụng phụ này đều phổ biến đối với tất cả các loại vắc xin uốn ván.

Bên cạnh đó, Nhà thuốc Long Châu cũng đã gợi ý cho bạn hướng xử trí nếu gặp tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván. Đặc biệt, bạn cũng đã được giới thiệu về những tình huống cần thận trọng nếu muốn tiêm vắc xin uốn ván. Nếu còn thắc mắc liên quan đến việc chích ngừa uốn ván, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn nhằm đảm bảo an toàn khi tiêm.

Có thể bạn chưa biết: Những trường hợp không được tiêm uốn ván

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin