Chứng cuồng ăn Bulimia không chỉ khiến bệnh nhân ăn uống không điều độ và gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe mà còn khiến tinh thần không thoải mái. Vì vậy, trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về chứng cuồng ăn này là gì, nguyên nhân, dấu hiệu ra sao cũng như biến chứng và cách chữa trị.
Chứng cuồng ăn Bulimia là gì?
Chứng cuồng ăn Bulimia (Bulimia neurosa) là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Chứng này thường xuất hiện ở cuối giai đoạn vị thành niên hoặc ở đầu độ tuổi trưởng thành.
Những ai bị mắc chứng cuồng ăn này có thể bí mật ăn một lượng lớn thực phẩm một cách không kiểm soát (binge) và sau đó cố gắng loại bỏ lượng calo thừa một cách không lành mạnh (purge). Mức độ nghiêm trọng của chứng cuồng ăn Bulimia được xác định bằng số lần purge trong một tuần.
Chứng cuồng ăn Bulimia (bulimia neurosa) là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng
Để loại bỏ calo thừa và ngăn ngừa việc tăng cân, những người bị chứng cuồng ăn có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Ví dụ, họ có thể thường xuyên tự làm nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, thực phẩm bổ sung có tác dụng giảm cân hay thuốc lợi tiểu hoặc tự dùng túi súc ruột sau mỗi lần ăn không kiểm soát. Người mắc chứng này cũng có thể dùng các cách khác để loại bỏ calo và ngăn ngừa tăng cân như nhịn ăn, ăn kiêng, hoặc tập thể dục quá mức.
Nguyên nhân gây chứng cuồng ăn
Tuy nhiều người đã biết chứng cuồng ăn Bulimia là gì nhưng nguyên nhân chính xác gây ra chứng cuồng ăn này vẫn không rõ ràng. Có nhiều yếu tố quan trọng có thể gây rối loạn ăn uống như di truyền, cảm xúc, sinh học, quy chuẩn xã hội,…
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng cuồng ăn Bulimia có thể liệt kê như:
- Đặc điểm sinh học: Những ai có họ hàng gần như có anh chị em, cha mẹ hoặc con cái mắc chứng cuồng ăn có khả năng cao cũng mắc chứng này. Nữ giới thường có khả năng cao mắc chứng cuồng ăn Bulimia hơn nam giới. Tình trạng thừa cân lúc còn nhỏ hoặc trong tuổi thiếu niên cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng này.
- Vấn đề tâm lý và cảm xúc: Chứng cuồng ăn bulumia có liên quan trực tiếp đến các vấn đề về tâm lý và cảm xúc như trầm cảm hay các chứng lạm dụng thuốc. Những người mắc chứng cuồng ăn thường cảm thấy tiêu cực về bản thân.
- Mục tiêu ăn kiêng: Những ai đang ăn kiêng có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn người không ăn. Nhiều người mắc chứng cuồng ăn Bulimia có thể hạn chế calo một cách nghiêm ngặt giữa các đợt ăn vô độ. Điều này có thể làm tăng mong muốn được ăn thỏa thích.
Dấu hiệu của chứng Bulimia
Các dấu hiệu thường thấy của chứng cuồng ăn Bulimia bao gồm:
- Sợ tăng cân.
- Luôn lo lắng về ngoại hình và cân nặng.
- Thường xuyên có những khi ăn nhiều không kiểm soát.
- Ăn chay, hạn chế calo.
- Buộc bản thân nôn thức ăn ra hoặc tập thể dục quá mức để không tăng cân sau khi ăn.
- Dùng các thực phẩm bổ sung hoặc các sản phẩm từ thảo dược quá mức để giảm cân.
- Uống thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc túi súc ruột sau khi ăn.
- Đôi khi ăn nhiều, không thể ngừng ăn hoặc không thể kiểm soát lượng thức ăn mình ăn vào.
Dấu hiệu của chứng Bulimia là sợ tăng cân
Biến chứng của Bulimia
Chứng cuồng ăn Bulimia có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Các biến chứng có thể xảy ra như:
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa.
- Lạm dụng rượu, bia hoặc ma túy.
- Sâu răng và bệnh nướu răng.
- Ở nữ, xảy ra mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều.
- Tự gây thương tích cho mình.
- Có suy nghĩ tự tử hoặc đã từng tự tử.
- Nhịp tim không đều hoặc suy tim.
- Lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn lưỡng cực.
- Tự ti.
- Cơ thể bị mất nước.
Một trong những biến chứng của Bulimia là lạm dụng rượu, bia
Cách chữa trị chứng cuồng ăn Bulimia
Khi bị chứng cuồng ăn Bulimia, bệnh nhân có thể được điều trị theo nhiều cách. Thế nhưng, hiện nay có một cách giúp cải thiện chứng này hiệu quả là kết hợp liệu pháp tâm lý cùng thuốc chống trầm cảm.
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý bao gồm thảo luận về chứng cuồng ăn Bulimia và các vấn đề liên quan với các chuyên gia. Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng những loại trị liệu tâm lý dưới đây sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của chứng cuồng ăn:
- Trị liệu hành vi nhận thức: Giúp bệnh nhân bình thường hóa thói quen ăn uống cũng như xác định được những niềm tin và hành vi tiêu cực để dần thay đổi.
- Tâm lý trị liệu gia đình: Ba mẹ của bệnh nhân mắc bệnh sẽ can thiệp để ngăn chặn các hành vi ăn uống không tốt để giúp họ kiểm soát việc ăn uống của mình.
- Liệu pháp tương tác cá nhân: Giúp giải quyết các vấn đề trong những mối quan hệ xã hội của người mắc chứng cuồng ăn.
Dùng thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm khi kết hợp cùng việc trị liệu tâm lý có thể giúp giảm các triệu chứng của chứng cuồng ăn Bulimia. Thuốc chống trầm cảm duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt đặc biệt để điều trị chứng cuồng ăn Bulimia là fluoxetine (Prozac) - loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
Ngoài thuốc chống trầm cảm và trị liệu tâm lý, bạn cũng có thể nhờ chuyên gia dinh dưỡng thiết kế một thực đơn phù hợp để giúp bạn đạt được các thói quen ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng. Khi có được thực đơn phù hợp, bạn cần cố gắng làm theo để quá trình chữa trị có kết quả tốt nhất.
Khi đã tìm hiểu chứng cuồng ăn Bulimia là gì, bạn sẽ có thể cải thiện bệnh tình để giảm các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Sau một thời gian nghiêm túc chữa trị, bệnh nhân có thể xây dựng được chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp hơn để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Phương Nhi
Nguồn tham khảo: Vinmec