Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chụp CT đầu cho trẻ có hại không? Quy trình chụp an toàn cho trẻ

Ngày 11/11/2022
Kích thước chữ

So với người lớn, trẻ em là đối tượng thường nhạy cảm với bức xạ tia X nhiều hơn, đặc biệt là vùng đầu. Do đó, cần hết sức lưu ý khi chụp CT vùng đầu cho trẻ. Vậy chụp CT đầu cho trẻ có hại không? cần lưu ý những gì để giảm nguy cơ nhiễm xạ cho trẻ?

Vì lo sợ trẻ em dễ bị tổn thương, nhạy cảm với tia bức xạ X, nhiều phụ huynh thắc mắc chụp CT đầu cho trẻ có hại không và quy trình chụp cho trẻ như thế nào để đảm bảo an toàn. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm lời giải đáp cho các vấn đề này nhé.

Chụp CT đầu cho trẻ có hại không?

Chụp CT đầu cho trẻ có hại không? Quy trình chụp an toàn cho trẻ 1 Phụ huynh thường thắc mắc "Chụp CT đầu cho trẻ có hại không?" khi bác sĩ chỉ định chụp

Nhiều phụ huynh lo lắng tia X sử dụng trong kỹ thuật chụp CT được chiếu trực tiếp qua vùng đầu của trẻ sẽ khiến trẻ bị nhiễm xạ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở trẻ.

Thực tế, liều lượng tia bức xạ được sử dụng là rất nhỏ và nếu trẻ chỉ chụp một lần gần như không làm tăng nguy cơ ung thư của trẻ. Do đó, chỉ cần hạn chế cho trẻ chụp CT liên tiếp nhiều lần.

Vì đang độ tuổi phát triển, hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể nên trẻ em có nhiều vùng đặc biệt nhạy cảm với tia xạ, trong đó có vùng đầu. Tia xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh lý khác ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ sau này. Do đó, chuyên gia khuyến cáo cần cân nhắc cẩn thận trước khi cho trẻ em chụp CT.

Ngoài chụp CT, bác sĩ có thể thay thế bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác an toàn hơn như chụp cộng hưởng từ (MRI)… Nếu bắt buộc phải chụp CT, hãy đề nghị bác sĩ điều trị cho biết rõ về biến chứng trẻ có thể gặp phải khi chụp và có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ tốt nhất.

Ngoài ra, trẻ em sẽ được tiêm thuốc cản quang khi chụp CT đầu và có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, cơ thể đỏ ửng, nóng người… Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị sốc phản vệ và cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tuy vậy tỉ lệ này là rất thấp và ở bệnh viện luôn có các biện pháp hỗ trợ ngay khi có vấn đề xảy ra nên bạn không cần lo lắng.

Sau khi tiêm thuốc được một thời gian khá dài, từ 30 phút đến 1 giờ, một số trường hợp phản ứng xảy ra. Sau khi chụp, cha mẹ cần ở lại bệnh viện để theo dõi trẻ sát sao và can thiệp kịp thời nếu trẻ có triệu chứng bất thường.

Bác sĩ có thể đề nghị cha mẹ về việc sử dụng thuốc an thần liều thấp cho trẻ vì hầu hết trẻ em không thể nằm yên và nín thở theo hướng dẫn khi chụp. Thuốc an thần có thể gây ra một số tác dụng phụ cho trẻ, hãy thảo luận với bác sĩ để có lựa chọn tốt nhất.

Quy trình chụp CT đầu an toàn cho trẻ nhỏ

Chụp CT đầu cho trẻ có hại không? Câu trả lời là không nếu cha mẹ cẩn thận và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Để quá trình chụp CT diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và an toàn, giúp hỗ trợ tốt việc chẩn đoán và điều trị, cha mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Bước 1: Chuẩn bị cho trẻ

Dù chụp CT ở bộ phận nào, không chỉ có phần đầu, cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ hayy nhân viên kỹ thuật về tình trạng sức khỏe của trẻ bao gồm:

  • Tiền sử dị ứng thuốc cản quang, dị ứng thức ăn hay đồ uống hoặc các loại thuốc khác.
  • Tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và thuốc đang điều trị, đặc biệt là bệnh thận, bệnh tiểu đường, tuyến giáp, tim mạch, hen suyễn…
  • Tình trạng tâm lý: Lo lắng, sợ hãi khi nhìn thấy máy chụp, nhất là trẻ mắc chứng sợ không gian hẹp.
Chụp CT đầu cho trẻ có hại không? Quy trình chụp an toàn cho trẻ 2 Bác sĩ sẽ đề nghị cho trẻ tiêm thuốc cản quang trong trường hợp cần thiết

Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị cho trẻ sử dụng thuốc an thần hoặc tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Ngoài ra, tùy theo chỉ định bác sĩ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ nhịn ăn, uống từ 4 - 6 giờ trước khi chụp.

Trước khi vào chụp, hãy tháo tất cả trang sức và vật dụng kim loại trên người trẻ bao gồm trang sức, kẹp tóc, mắt kính, dây nịt… Cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc ở cùng trẻ trong phòng chụp CT để hỗ trợ trẻ chụp nhanh chóng hơn.

Bước 2: Thực hiện chụp CT đầu

Trong quá trình chụp CT đầu, trẻ được hướng dẫn nằm trên bàn chụp CT, đầu trẻ được cố định bằng đai băng để giữ đúng vị trí và sau đó được đưa vào máy chụp CT. Bác sĩ sẽ trực tiếp hướng dẫn và điều hành quá trình chụp bằng máy vi tính liên kết với phòng chụp qua ngăn kính.

Trẻ thường quấy khóc và không chịu nằm im khi chụp CT. Do đó, quan trọng là giữ trẻ nằm yên trong thời gian chụp vì bất cứ chuyển động nhỏ nào của trẻ cũng làm mờ ảnh chụp CT.

Chụp CT có ảnh hưởng đến sức khỏe không khi bác sĩ dùng thuốc an thần hoặc thuốc gây mê cho trẻ? Thực tế, các loại thuốc trong chụp CT đầu thường chỉ được dùng liều nhẹ, giúp bé ngừng quấy khóc và nằm yên khi chụp, bé sẽ tỉnh ngay sau khi chụp. Thường thời gian từ chuẩn bị đến khi chụp xong chỉ mất 30 - 60 phút, trong đó thời gian chuẩn bị là dài nhất.

Sau khi ảnh chụp CT đầu của trẻ được hiển thị trên màn hình vi tính ngay lập tức, nhân viên sẽ xử lý và in ra, có thể dựng hình ảnh 3D trong trường hợp cần thiết.

Chụp CT đầu cho trẻ có hại không? Quy trình chụp an toàn cho trẻ 3 Máy chụp CT có đai băng để giữ yên đầu trẻ đúng vị trí

Bước 3: Sau khi chụp

Về vấn đề chụp CT đầu cho trẻ có hại không, để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên lưu ý đến giai đoạn sau khi chụp.

Sau khi chụp CT, trẻ cần ở bệnh viện ít nhất 1 giờ để theo dõi xem trẻ có phản ứng dị ứng chất cản quang hoặc với thuốc gây mê, thuốc an thần đã sử dụng và thông báo cho bác sĩ để can thiệp kịp thời. Phản ứng dị ứng gồm các triệu chứng bất thường của sốc phản vệ hay dị ứng như khó thở, phát ban nặng, người nóng sốt… Tình trạng này khá hiếm gặp song cần đặc biệt lưu ý để cấp cứu và điều trị kịp thời tránh đe dọa đến tính mạng trẻ.

Nếu không có vấn đề gì bất thường, cha mẹ có thể đưa trẻ về nhà và cho trẻ hoạt động bình thường.

Một số trường hợp cần ở lại bệnh viện lâu hơn để trẻ tỉnh táo trở lại. Uống nhiều nước giúp thuốc cản quang được đào thải khỏi cơ thể trẻ tốt hơn, không ảnh hưởng đến thận.

Những trẻ bị suy giảm chức năng thận, tiểu đường hoặc mất nước có thể gặp phải tình trạng nhiễm độc thận cũng cần can thiệp y tế sớm.

Nhìn chung, khi trẻ được chỉ định chụp CT, cha mẹ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi trẻ sát sao. Ngoài ra, cha mẹ nên chọn cơ sở y tế có uy tín trong hệ thống bệnh viện tại Việt Nam để đảm bảo chụp CT đầu cho trẻ đạt độ chính xác và an toàn với sức khỏe của trẻ.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin