Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các hội chứng tim mạch thường gặp: Nhận biết sớm, phòng tránh kịp thời

Thanh Hương

12/04/2025
Kích thước chữ

Các hội chứng tim mạch thường gặp như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp hay suy tim cấp đều có thể xảy ra bất ngờ và để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và thực hiện các biện pháp phòng ngừa chính là cách tốt nhất để duy trì một trái tim khỏe mạnh.

Các hội chứng tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống trên toàn cầu. Từ hội chứng mạch vành cấp, suy tim cấp đến hội chứng Brugada, mỗi bệnh lý đều tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ các dấu hiệu và cách phòng tránh các hội chứng tim mạch thường gặp là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Hội chứng tim mạch X (Cardiac Syndrome X)

Hội chứng tim mạch X (CSX), hay đau thắt ngực vi mạch, là tình trạng đau thắt ngực xảy ra khi gắng sức nhưng không phát hiện hẹp hoặc tắc động mạch vành lớn. Nguyên nhân chủ yếu là rối loạn chức năng vi mạch vành (đường kính <500 µm), làm giảm khả năng giãn nở mạch máu và gây thiếu máu cục bộ cơ tim.

Nguyên nhân

CSX thường xuất phát từ rối loạn chức năng nội mạc mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Các yếu tố nguy cơ bao gồm phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, rối loạn chuyển hóa (kháng insulin, đái tháo đường), tăng hoạt động thần kinh giao cảm, viêm mạn tính và stress oxy hóa.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình là đau thắt ngực với cảm giác đè ép sau xương ức, kéo dài 5 - 15 phút, xuất hiện khi vận động hoặc căng thẳng và giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp khó thở, mệt mỏi, buồn nôn hoặc hồi hộp. CSX không gây tổn thương cấu trúc tim nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

cac-hoi-chung-tim-mach-thuong-gap-1.jpg
Tìm hiểu về các hội chứng tim mạch thường gặp là việc cần thiết

Cách điều trị

Điều trị hội chứng tim mạch X (đau thắt ngực vi mạch) hiện nay chủ yếu tập trung vào cải thiện triệu chứng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và kháng insulin. Một số thuốc giãn mạch như chẹn kênh canxi có thể giúp cải thiện tưới máu cơ tim ở một số bệnh nhân. Việc lựa chọn thuốc cần được cá nhân hóa và theo dõi lâm sàng sát sao. Bên cạnh đó, thay đổi lối sống – bao gồm tập thể dục đều đặn, chế độ ăn lành mạnh và kiểm soát stress – cũng đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Hội chứng mạch vành cấp (Acute Coronary Syndrome – ACS) - một trong các hội chứng tim mạch thường gặp

Hội chứng mạch vành cấp (ACS) là một nhóm tình trạng cấp tính do giảm đột ngột lưu lượng máu đến tim, thường gây tắc nghẽn động mạch vành. ACS bao gồm ba dạng chính: Đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI), và nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI). Đây là tình trạng y khoa khẩn cấp, đòi hỏi can thiệp ngay để ngăn ngừa tổn thương cơ tim.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính của ACS là cục máu đông hình thành trong động mạch vành, thường do vỡ mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa không ổn định khi vỡ sẽ kích hoạt tiểu cầu, tạo huyết khối và gây tắc nghẽn. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc, béo phì và tiền sử gia đình có bệnh tim mạch.

Triệu chứng

Triệu chứng chính của ACS là đau ngực, cảm giác thắt, đè ép hoặc nóng rát sau xương ức, có thể lan ra cánh tay, cổ, hàm hoặc lưng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khó thở, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, mệt mỏi hoặc chóng mặt. Ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân đái tháo đường, triệu chứng có thể không điển hình.

Cách điều trị hội chứng mạch vành cấp

Điều trị ACS bao gồm aspirin liều cao, thuốc giãn mạch (nitroglycerin), và thuốc chống đông máu (heparin). Đối với bệnh nhồi máu cơ tim ST chênh lên, bệnh nhân được tái tưới máu cơ tim qua can thiệp động mạch vành (PCI) hoặc dùng thuốc tiêu sợi huyết nếu không thể thực hiện PCI trong 90 phút. Điều trị duy trì gồm chẹn beta, statin và thuốc ức chế men chuyển ACEI.

cac-hoi-chung-tim-mach-thuong-gap-2.jpg
Hội chứng mạch vành cấp dễ gặp ở người có bệnh lý tim mạch trước đó

Hội chứng mạch vành mạn tính (Chronic Coronary Syndrome – CCS)

Hội chứng mạch vành mạn (CCS) cũng là một trong các hội chứng tim mạch thường gặp. Đây là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch vành gây hẹp/tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến thiếu máu cơ tim. Bệnh biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực ổn định, xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Dù tiến triển chậm hơn hội chứng mạch vành cấp, CCS vẫn có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim hoặc suy tim nếu không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là xơ vữa động mạch, với mảng bám cholesterol, chất béo, canxi làm hẹp lòng mạch (>70%), giảm lưu lượng máu. Một số trường hợp do tổn thương vi mạch liên quan tăng huyết áp, đái tháo đường. Yếu tố nguy cơ gồm: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (LDL cao, HDL thấp), đái tháo đường, hút thuốc, béo phì, ít vận động, tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình của hội chứng mạch vành mạn là đau thắt ngực khi gắng sức, kéo dài vài phút, lan đến cánh tay trái, cổ hoặc hàm, giảm khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin. Bệnh nhân có thể khó thở, mệt mỏi khi vận động. Người cao tuổi hoặc phụ nữ thường có triệu chứng không điển hình như buồn nôn, chóng mặt, đau bụng trên.

Cách điều trị hội chứng mạch vành mạn

Bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc giảm đau ngực như nitrat (Nitroglycerin), chẹn beta (Metoprolol), và chẹn kênh canxi (Amlodipine) giúp cải thiện lưu lượng máu. Các thuốc kiểm soát yếu tố nguy cơ bao gồm statin (giảm LDL cholesterol). Thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) để kiểm soát huyết áp, và aspirin hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu để ngăn ngừa huyết khối.

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định can thiệp mạch vành qua da (PCI) với đặt stent được thực hiện khi triệu chứng nặng hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) được chỉ định trong trường hợp tổn thương nhiều nhánh hoặc thân chung động mạch vành.

Hội chứng suy tim cấp (Acute Heart Failure Syndromes)

Nhắc đến các hội chứng tim mạch thường gặp, chúng ta không thể bỏ qua hội chứng suy tim cấp (AHFS). Đây là tình trạng suy tim khởi phát đột ngột hoặc tiến triển nặng, dẫn đến rối loạn huyết động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cơ quan đích. Hội chứng suy tim cấp là một cấp cứu tim mạch nguy hiểm, thường xảy ra do suy giảm cung lượng tim hoặc tăng áp lực đổ đầy tim, trên nền suy tim mạn mất bù hoặc khởi phát lần đầu. Nếu không được xử lý kịp thời, AHFS có thể gây sốc tim, suy đa tạng hoặc tử vong.

cac-hoi-chung-tim-mach-thuong-gap-3.jpg
Hội chứng này thường gặp ở người lớn tuổi và có bệnh lý tim mạch nền

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính bao gồm hội chứng mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim nặng), tăng huyết áp khẩn cấp gây phù phổi cấp, và rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, nhịp nhanh thất, bloc nhĩ thất hoàn toàn). Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này thường là: Nhiễm trùng, thuyên tắc phổi, không tuân thủ điều trị hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình gồm khó thở dữ dội khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức nhẹ, phù phổi cấp với ho ra đờm bọt hồng và giảm SpO₂ dưới 90%, giảm tưới máu ngoại vi (da lạnh, nổi vân tím, tiểu ít). Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi và hạ huyết áp (<90/60 mmHg) trong trường hợp sốc tim.

Cách điều trị

Điều trị tập trung vào ổn định hô hấp và huyết động: Thở oxy qua mặt nạ hoặc máy thở nếu SpO₂ <90%, dùng thuốc lợi tiểu quai (Furosemide) để giảm sung huyết, thuốc giãn mạch (Nitroglycerin) để giảm tiền tải và thuốc tăng co bóp cơ tim (Dobutamin) để cải thiện cung lượng tim. Điều trị nguyên nhân như can thiệp mạch vành qua da (PCI) hoặc sốc điện chuyển nhịp sẽ giúp kiểm soát bệnh lâu dài.

Hội chứng Brugada (Brugada Syndrome)

Trong các hội chứng tim mạch thường gặp, hội chứng Brugada là một rối loạn nhịp tim di truyền hiếm gặp. Bệnh đặc trưng bởi sóng J và đoạn ST chênh lên ở các chuyển đạo trước tim phải (V1-V3) trên điện tâm đồ. Hội chứng này làm tăng nguy cơ rung thất và đột tử do tim, thường xảy ra khi nghỉ ngơi hoặc trong giấc ngủ.

Nguyên nhân

Hội chứng Brugada chủ yếu do đột biến gen SCN5A (20 - 30% trường hợp), ảnh hưởng đến kênh natri tim, làm giảm dòng ion natri vào tế bào cơ tim và gây rối loạn nhịp. Ngoài SCN5A, các gen như CACNA1C, SCN10A và GPD1L cũng có thể liên quan (2 - 5%). Hội chứng cũng có thể được gây ra do sốt, mất cân bằng điện giải hoặc dùng thuốc như procainamide, thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc cocaine.

Triệu chứng

Khoảng 40 - 60% bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ phát hiện qua đo ECG. Triệu chứng điển hình bao gồm ngất đột ngột, đặc biệt vào ban đêm, và đột tử do tim, thường liên quan đến rung thất. Bệnh nhân có thể gặp khó thở, đánh trống ngực hoặc co giật do thiếu máu não trong cơn rung thất.

cac-hoi-chung-tim-mach-thuong-gap-4.jpg
Bệnh nhân mắc hội chứng này có thể bị khó thở, đánh trống ngực

Cách điều trị hội chứng Brugada

Bệnh nhân sẽ được cấy máy khử rung tim (ICD), giúp giảm nguy cơ đột tử đến 80 - 90%. Đối với bệnh nhân không thể cấy ICD hoặc cần kiểm soát cơn bão điện tim, điều trị nội khoa bằng thuốc Quinidine được sử dụng để giảm nguy cơ rung thất. Thuốc Isoproterenol có thể được sử dụng trong cơn bão điện tim cấp tính ở bệnh nhân Brugada, dưới sự theo dõi tại đơn vị hồi sức tim mạch. Ngoài ra, việc tránh các yếu tố kích thích như sốt cao, thuốc gây loạn nhịp và rượu bia cũng đóng vai trò quan trọng trong quản lý hội chứng này.

Hội chứng QT kéo dài (Long QT Syndrome – LQTS)

Hội chứng QT kéo dài cũng là một trong các hội chứng tim mạch thường gặp. Đây là rối loạn điện tim đặc trưng bởi khoảng QT kéo dài trên điện tâm đồ, làm tăng nguy cơ xoắn đỉnh dẫn đến ngất, co giật hoặc đột tử. Bệnh gồm dạng bẩm sinh và mắc phải, ảnh hưởng khoảng 1/7.000 người.

Nguyên nhân của hội chứng QT kéo dài

Hội chứng QT kéo dài có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Trong trường hợp bẩm sinh, nguyên nhân thường là đột biến gen kênh ion tim. Một dạng bẩm sinh khác là hội chứng Jervell và Lange-Nielsen, có sự kết hợp với điếc và di truyền theo kiểu lặn. Còn trong trường hợp mắc phải, nguyên nhân có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc như: Kháng sinh nhóm macrolid, thuốc chống trầm cảm SSRI, và thuốc chống loạn nhịp. Các yếu tố khác cũng có thể gây ra hội chứng này, bao gồm rối loạn điện giải như hạ kali hoặc magie máu, suy tim, và nhiễm trùng huyết.

Triệu chứng

Triệu chứng của hội chứng QT kéo dài bao gồm ngất đột ngột khi gắng sức, sau tiếng ồn hoặc căng thẳng, hoặc trong giấc ngủ. Bệnh nhân có thể gặp đột tử (10 - 15% trường hợp) hoặc co giật do Torsades de pointes. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đánh trống ngực, chóng mặt. Trong khi đó, 30 - 40% bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua điện tâm đồ.

Cách điều trị

Về lối sống, bệnh nhân nên tránh gắng sức và sử dụng các thuốc kéo dài QT, bổ sung kali và magie. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng các loại thuốc như Nadolol, Propranolol, Mexiletine tùy trường hợp. Đối với bệnh nhân có ngừng tim hoặc ngất tái phát, cấy máy khử rung tim (ICD) là cần thiết, và máy tạo nhịp phối hợp ICD được chỉ định nếu có bloc nhĩ thất. Phẫu thuật cắt hạch giao cảm ngực trái có thể làm giảm đáng kể nguy cơ rối loạn nhịp tim nặng ở bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Hội chứng trái tim tan vỡ (Broken Heart Syndrome)

Hội chứng trái tim tan vỡ, hay bệnh cơ tim Takotsubo, là tình trạng suy giảm tạm thời chức năng co bóp của tâm thất trái. Tình trạng này mô phỏng triệu chứng nhồi máu cơ tim nhưng không có sự tắc nghẽn động mạch vành.

cac-hoi-chung-tim-mach-thuong-gap-5.jpg
Bệnh cơ tim Takotsubo có tỷ lệ mắc khoảng 0,02% đến 0,03% dân số

Nguyên nhân

Hội chứng thường khởi phát sau các sự kiện căng thẳng như mất người thân, ly hôn, hoặc chấn thương nặng. Sự gia tăng đột ngột của catecholamine (adrenaline, noradrenaline) là nguyên nhân chính gây tổn thương cơ tim. Hormone này gây co thắt mạch máu, rối loạn chức năng vi mạch và giảm lưu lượng máu đến cơ tim.

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình của bệnh cơ tim Takotsubo bao gồm: Đau ngực dữ dội và khó thở xuất hiện đột ngột sau căng thẳng. Bệnh nhân có thể gặp đánh trống ngực, chóng mặt hoặc cảm giác giống nhồi máu cơ tim cấp. Trong trường hợp nặng, hội chứng có thể dẫn đến suy tim cấp, phù phổi cấp, huyết khối trong buồng thất trái (tăng nguy cơ đột quỵ), hoặc sốc tim.

Cách điều trị

Thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) được sử dụng để giảm gánh nặng cho tim. Thuốc chẹn beta giúp giảm tác động của catecholamin và phòng ngừa tái phát. Thuốc lợi tiểu giảm phù phổi trong suy tim sung huyết, còn thuốc chống đông máu ngăn nguy cơ đột quỵ do huyết khối. Bệnh nhân được theo dõi chức năng thất trái qua siêu âm sau 4 - 6 tuần để đảm bảo hồi phục hoàn toàn.

Mỡ máu cao, đặc biệt là tăng cholesterol LDL và triglyceride, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các hội chứng tim mạch thường gặp như nhồi máu cơ tim, suy tim cấp và đau thắt ngực. Tình trạng này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm lưu lượng máu đến tim và các cơ quan quan trọng. Do đó, việc kiểm tra mỡ máu định kỳ, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc trị mỡ máu khi cần thiết là những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa và kiểm soát bệnh lý tim mạch.

Các hội chứng tim mạch thường gặp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu, kết hợp với lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ, sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng nguy hiểm. Hãy bắt đầu chăm sóc trái tim ngay hôm nay để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và bền vững!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin