Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu quai

Ngày 21/02/2024
Kích thước chữ

Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu quai là tăng thải trừ natri, kali, clo, calci, magiê, và ion H+ qua nước tiểu, giúp giảm áp lực huyết và mức độ phù từ đó kéo theo tác dụng hạ huyết áp với những người đang bị phù.

Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu quai là do khả năng ức chế tái hấp thu các ion natri (Na+), kali (K+), và clo (Cl-) trong thận, từ đó giúp tăng lượng nước và ion được tiết ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu.

Thuốc lợi tiểu quai là gì?

Thuốc lợi tiểu quai là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp và phù có nguyên nhân do suy tim hoặc suy thận. Đây là loại thuốc có tác dụng làm tăng lượng nước và muối được loại bỏ từ cơ thể qua đường tiểu, giúp giảm áp lực trong hệ thống tuần hoàn và giảm các triệu chứng của cao huyết áp và phù.

co-che-tac-dung-cua-thuoc-loi-tieu-quai 1.jpg
Thuốc lợi tiểu quai để điều trị cao huyết áp và phù

Các thuốc lợi tiểu quai thường được sử dụng bao gồm:

Furosemid (Lasix, Lasilix): Các thuốc này đang được sản xuất dưới dạng viên 40 mg hoặc dạng dung dịch tiêm 20mg/2ml. Liều lượng thường dao động từ 20 đến 80 mg mỗi ngày khi uống, và từ 1 đến 2 ống khi tiêm tĩnh mạch. Thuốc thường có tác dụng sau khoảng 20 phút khi uống và sau 3 - 5 phút khi tiêm tĩnh mạch, với thời gian tác dụng kéo dài từ 4 đến 6 giờ. Liều lượng tối đa có thể lên đến 1000 mg mỗi ngày khi sử dụng truyền tĩnh mạch qua bơm tiêm điện.

Thuốc lợi tiểu kháng Aldosteron (Verospiron): Hiện nay có Spiromide với hàm lượng 50mg/20mg hoặc 50mg/40 mg. Liều lượng và cách sử dụng thường được điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Việc sử dụng các loại thuốc lợi tiểu quai cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ đúng liều lượng. Bệnh nhân cần lưu ý đến các tác dụng phụ có thể gặp phải như mất kali, tăng đường huyết, hoặc các vấn đề khác và báo cáo kịp thời cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu quai

Cơ chế hoạt động của thuốc lợi tiểu quai chủ yếu tác động vào quá trình tái hấp thu natri và kali tại các phần khác nhau của hệ thống thận:

Tác động vào quai Henle: Phần lớn lượng natri được lọc qua cầu thận sẽ được tái hấp thu tại ống thận, đặc biệt là tại ống lượn gần (60 – 65%) và tại quai Henle (20%). Sự di chuyển của NaCl tại các tế bào ở nhánh lên của quai Henle thông qua sự đồng vận chuyển Na-K-2Cl. Các thuốc lợi tiểu quai gây ức chế trực tiếp sự tái hấp thu natri, kali và clo bằng cách cạnh tranh với kênh clo của quá trình đồng vận chuyển tại đoạn phình to của nhánh lên của quai Henle. Điều này dẫn đến việc tăng thải trừ các ion Natri, Clo và ion Kali, giúp giảm huyết áp.

co-che-tac-dung-cua-thuoc-loi-tieu-quai 2.jpg
Các thuốc lợi tiểu quai giúp giảm huyết áp

Tác động vào việc tái hấp thu Calci và Magie: Thuốc lợi tiểu quai cũng có hoạt động ức chế sự tái hấp thu các cation hóa trị 2 như Calci và Magie, do giảm chênh lệch điện thế ở màng tế bào. Điều này góp phần vào việc tăng thải trừ Calci và Magie từ cơ thể.

Tác động lợi tiểu và hạ áp: Ngoài ra, thuốc lợi tiểu quai cũng có khả năng làm tăng thải trừ ion H+ (tuy tác dụng này yếu). Ở người không có phù, các thuốc lợi tiểu quai vẫn có tác dụng, do giảm nồng độ ion Natri ngoại bào và làm tăng tác dụng của thuốc hạ áp. Điều này giúp giảm huyết áp và làm giảm tác dụng của các hormon gây co mạch như ADH.

Tác dụng lợi tiểu mạnh mẽ của thuốc lợi tiểu quai làm giảm áp lực trong hệ thống tuần hoàn, dẫn đến giảm huyết áp. Điều này đặc biệt hữu ích trong điều trị cao huyết áp và phù phổi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng furosemid có thể gây tăng thể tích tĩnh mạch, làm giảm huyết áp tiền gánh cho thất trái trước khi thấy rõ tác dụng lợi tiểu.

Thuốc lợi tiểu quai dùng trong trường hợp nào?

Các trường hợp được chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu quai bao gồm:

Phù do bệnh tim, gan và thận: Thuốc lợi tiểu quai thường được sử dụng để giảm phù do các nguyên nhân như suy tim, xơ gan, suy thận, hội chứng thận hư, hoặc viêm cầu thận.

co-che-tac-dung-cua-thuoc-loi-tieu-quai 3.jpg
Thuốc lợi tiểu quai sử dụng để giảm phù do suy tim

Suy thận mạn tính: Đối với bệnh nhân suy thận mạn tính, nhóm thuốc lợi tiểu thiazide ít hiệu quả và lợi tiểu giữ kali trở nên nguy hiểm do có thể làm tăng kali máu. Do đó, các thuốc lợi tiểu quai thường là lựa chọn hàng đầu với liều đáp ứng tuỳ thuộc vào mức độ suy thận của bệnh nhân.

Phối hợp với các nhóm thuốc khác: Nhóm thuốc lợi tiểu quai có thể được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với các nhóm thuốc điều trị cao huyết áp khác nhờ vào tác dụng hiệp đồng. Mặc dù không phải là ưu tiên hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp, nhưng thuốc lợi tiểu quai được ưu tiên đối với những bệnh nhân có suy giảm chức năng thận.

Trường hợp cấp cứu: Trong một số trường hợp cấp cứu, thuốc lợi tiểu quai có thể được chỉ định, bao gồm:

  • Phù phổi cấp: Giúp giãn mạch nhanh chóng và sớm trước khi có tác dụng lợi tiểu.
  • Tăng huyết áp cấp tính.
  • Tăng calci máu ở người bị ung thư di căn xương hoặc đa u tủy xương.

Việc sử dụng thuốc lợi tiểu quai thường được chỉ định đặc biệt trong điều trị các tình trạng phù và tăng huyết áp có nguy cơ gây tổn thương cơ quan đích, đặc biệt là ở những bệnh nhân có suy thận hoặc suy tim.

Xem thêm: Thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.