Triệu chứng nhận biết tác dụng phụ của thuốc ngủ và những lưu ý cần biết
10/05/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khi gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài, nhiều người lựa chọn thuốc ngủ như một giải pháp nhanh chóng để tìm lại giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, sử dụng thuốc ngủ lâu dài hoặc lạm dụng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ khi sử dụng thuốc ngủ không đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng nhận biết tác dụng phụ của thuốc ngủ trong bài viết dưới đây để bảo vệ sức khỏe một cách an toàn và hiệu quả.
Thuốc ngủ có thể là giải pháp tạm thời giúp cải thiện giấc ngủ, nhưng ít ai ngờ rằng, loại thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Tác dụng phụ của thuốc ngủ không chỉ dừng lại ở cảm giác mệt mỏi, đau đầu mà còn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như rối loạn thần kinh, suy giảm chức năng gan thận. Để nhận diện những tác dụng phụ của thuốc ngủ gây ra và biện pháp phòng tránh hiệu quả. Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thuốc ngủ có tác dụng phụ không?
Đây chắc hẳn là câu hỏi gây thắc mắc cho người dùng, câu trả lời thật sự là có. Mặc dù thuốc ngủ được xem là giải pháp tạm thời để cải thiện giấc ngủ. Nhưng thực tế, việc sử dụng thuốc ngủ không đúng cách hoặc lạm dụng trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Những tác động này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra các vấn đề về tâm lý và tinh thần.
Thuốc ngủ có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng
Thuốc ngủ hoạt động bằng cách can thiệp vào hệ thần kinh trung ương, giúp người dùng dễ dàng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, chính sự can thiệp này có thể gây ra sự mất cân bằng trong hoạt động não bộ, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ và phản xạ. Ngoài ra, thuốc ngủ còn có khả năng gây nghiện nếu sử dụng không kiểm soát, khiến người dùng phải phụ thuộc vào thuốc để duy trì giấc ngủ. Chính vì vậy, người dùng cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc ngủ và chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn.
Triệu chứng nhận biết tác dụng phụ của thuốc ngủ
Mặc dù thuốc ngủ có thể giúp bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các tác dụng phụ của thuốc ngủ không phải lúc nào cũng dễ nhận biết ngay lập tức, nhưng nếu không chú ý có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Dưới đây là những triệu chứng có thể xuất hiện khi sử dụng thuốc ngủ:
Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung
Suy giảm trí nhớ và khó tập trung là những tác dụng phụ của thuốc ngủ mà nhiều người dùng gặp phải. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc ngủ có thể làm giảm khả năng ghi nhớ ngắn hạn và làm giảm nhận thức của người dùng. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống hàng ngày.
Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày
Một trong những tác dụng phụ của thuốc ngủ dễ nhận thấy nhất là cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ kéo dài vào ban ngày. Dù đã thức dậy, nhưng có thể sẽ cảm thấy cơ thể nặng nề, không thể tỉnh táo hoàn toàn. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung, dẫn đến giảm hiệu quả công việc.
Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày là tác dụng phụ của thuốc ngủ dễ nhận thấy nhất
Chóng mặt và khó giữ thăng bằng
Một tác dụng phụ khác của thuốc ngủ là chóng mặt và mất khả năng giữ thăng bằng. Những triệu chứng này có thể xảy ra ngay sau khi thức dậy, sẽ gây khó khăn trong các hoạt động như đứng lên, đi lại hay di chuyển nhanh. Nếu không thận trọng, tình trạng này có thể dẫn đến té ngã, đặc biệt là đối với người già hoặc những người có sức khỏe yếu. Đây là một trong những tác dụng phụ của thuốc ngủ đáng lo ngại, vì nó có thể gây ra các tai nạn không mong muốn.
Phụ thuộc vào thuốc
Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc ngủ là phụ thuộc vào thuốc. Khi sử dụng thuốc ngủ trong một thời gian dài, cơ thể trở nên phụ thuộc vào thuốc để duy trì giấc ngủ. Điều này khiến người dùng phải tăng liều lượng để có hiệu quả, dẫn đến nghiện thuốc ngủ. Việc này không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Phát ban, nổi mẩn ngứa
Phát ban, nổi mẩn ngứa là những phản ứng có thể xuất hiện khi sử dụng một số loại thuốc ngủ, phản ánh tình trạng quá mẫn hoặc rối loạn chuyển hóa thuốc trong cơ thể. Những biểu hiện này thường xảy ra dưới dạng phản ứng dị ứng nhẹ như mẩn đỏ, ngứa ngáy, nhưng trong một số trường hợp có thể tiến triển thành phản ứng nặng như hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis), đặc biệt khi thuốc được chuyển hóa bất thường.
Một số thuốc ngủ, như barbiturat hoặc các thuốc chuyển hóa qua gan, có thể làm tăng gánh nặng chuyển hóa lên gan và thận. Khi chức năng gan hoặc thận bị suy giảm, quá trình thải trừ các chất chuyển hóa của thuốc sẽ bị chậm lại, từ đó làm tăng nguy cơ tích lũy thuốc và phát sinh các phản ứng có hại, bao gồm các phản ứng da liễu. Vì vậy, cần đánh giá chức năng gan và thận định kỳ trong quá trình sử dụng thuốc ngủ, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân có bệnh lý mạn tính kèm theo.
Khô miệng và cổ họng
Khô miệng và cổ họng là một tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng một số loại thuốc ngủ, đặc biệt là các thuốc có tính chất kháng cholinergic hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương. Triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy và gây cảm giác khó chịu, rát họng, khô lưỡi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chất lượng giọng nói và khả năng nuốt. Cơ chế chính được cho là do thuốc làm giảm hoạt động của tuyến nước bọt thông qua ức chế dẫn truyền acetylcholine, hoặc do giảm phản xạ nuốt và tiết nước bọt trong khi ngủ sâu.
Suy giảm khả năng phản xạ và phản ứng chậm
Một tác dụng phụ của thuốc ngủ mà người dùng thường gặp phải là phản ứng chậm trong các tình huống khẩn cấp. Thuốc ngủ có thể làm giảm khả năng phản xạ của cơ thể, khiến người dùng có thể gặp nguy hiểm trong các tình huống cần phản ứng nhanh chóng như lái xe hoặc tham gia các hoạt động đòi hỏi sự chú ý cao.
Vấn đề về tiêu hóa
Một số thuốc ngủ, đặc biệt là các dẫn xuất benzodiazepine và non-benzodiazepine, có thể gây ra tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, dù không phải là biểu hiện phổ biến. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, ợ chua, ợ nóng và cảm giác khó tiêu. Tác động này được cho là liên quan đến cơ chế ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương, dẫn đến giảm nhu động ruột và thay đổi vận động dạ dày - thực quản.
Ngoài ra, việc thư giãn cơ thắt thực quản dưới do một số thuốc ngủ có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản, gây ra cảm giác nóng rát sau xương ức (ợ nóng) và trào ngược axit. Những triệu chứng này thường nhẹ, thoáng qua, nhưng có thể trở nên đáng kể ở bệnh nhân có bệnh lý tiêu hóa nền như viêm dạ dày, GERD hoặc ở người cao tuổi.
Một số thuốc ngủ có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản
Hội chứng Parasomnias
Một số loại thuốc ngủ, đặc biệt là nhóm non-benzodiazepine như zolpidem và zaleplon, đã được ghi nhận là có liên quan đến sự xuất hiện hoặc làm trầm trọng thêm các dạng rối loạn Parasomnias. Các hiện tượng này bao gồm mộng du (sleepwalking), ăn uống khi ngủ (sleep-related eating disorder), và các hành vi phức tạp khi ngủ mà người bệnh không có ký ức sau khi tỉnh dậy.
Nguyên nhân có thể do thuốc gây mất kiểm soát giữa các pha ngủ sâu và thức, dẫn đến trạng thái "thức một phần" với hành vi vận động tự động nhưng không tỉnh táo hoàn toàn. Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây chấn thương cho bản thân hoặc người khác.
Đau đầu
Đau đầu là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc ngủ, đặc biệt ở những người mới bắt đầu điều trị hoặc khi dùng liều cao. Cơ chế chính xác chưa được biết rõ, tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng việc thay đổi cấu trúc giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ REM, có thể gây rối loạn điều hòa mạch máu não, từ đó dẫn đến đau đầu sau khi thức dậy. Ngoài ra, một số thuốc ngủ như benzodiazepine và non-benzodiazepine có thể ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh, gây hiện tượng "đau đầu do thuốc". Triệu chứng đau đầu do thuốc ngủ thường xuất hiện vào buổi sáng và có thể kèm theo cảm giác nặng đầu, mơ hồ hoặc choáng váng. Tình trạng này có thể giảm khi điều chỉnh liều hoặc thay đổi loại thuốc phù hợp hơn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc ngủ
Thuốc ngủ là giải pháp tạm thời giúp cải thiện giấc ngủ cho những người mắc chứng mất ngủ hoặc khó ngủ. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc ngủ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần lưu ý rằng chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và dùng theo đúng liều lượng, hướng dẫn. Ngoài ra, bạn cũng cần thận trọng:
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: Trước khi dùng thuốc ngủ, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn để nắm rõ về liều lượng, thời gian sử dụng và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Điều này giúp bạn chủ động trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe và tránh những rủi ro không mong muốn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được giải đáp kịp thời.
Chỉ dùng thuốc khi chuẩn bị ngủ: Thuốc ngủ có tác dụng an thần mạnh, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc quá sớm trước khi ngủ có thể khiến bạn rơi vào trạng thái lơ mơ, mất tỉnh táo khi thực hiện các hoạt động như lái xe hay làm việc. Vì vậy, chỉ nên uống thuốc đúng với thời gian chỉ định.
Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Trong quá trình sử dụng thuốc ngủ, có thể xuất hiện một số triệu chứng không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào khác thường, hãy ngừng dùng thuốc và liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Không tự ý ngưng thuốc: Thuốc ngủ đột ngột có thể dẫn đến hội chứng cai thuốc, bao gồm mất ngủ nặng, lo âu. Do đó, nếu muốn ngưng sử dụng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn giảm liều từ từ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tránh sử dụng cùng rượu bia: Thuốc ngủ có thể làm giảm phản xạ và gây buồn ngủ sâu, trong khi rượu bia lại tăng cường tác dụng an thần của thuốc. Sự kết hợp này dễ gây ra suy hô hấp, hạ huyết áp và nguy cơ bất tỉnh. Để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không sử dụng thuốc ngủ khi đã uống rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.
Tuân thủ đúng liều lượng: Liều lượng sử dụng thuốc ngủ phải được xác định dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi và các bệnh lý nền của người dùng. Việc tự ý tăng liều để nhanh chóng dễ dẫn đến tình trạng quá liều, gây ức chế hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc ngủ khi đã uống rượu, bia để tránh xảy ra nguy hiểm
Thuốc ngủ có thể là giải pháp tạm thời hiệu quả để cải thiện giấc ngủ, nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như phụ thuộc thuốc, suy giảm trí nhớ và nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác. Để đảm bảo an toàn, người dùng cần tuân thủ đúng liều lượng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Nếu gặp phải tác dụng phụ, hãy ngừng thuốc ngay và tham khảo ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia. Việc hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc ngủ giúp bạn sử dụng thuốc một cách an toàn và đạt hiệu quả tối ưu.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.