Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Có nên cắt tuyến mồ hôi tay không? Bạn cần biết những gì trước khi mổ?

Ngày 30/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chứng đổ mồ hôi ở tay như một cơn ác mộng với những người không may mắc phải, nó khiến cho người bệnh thường sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm và ngại giao tiếp xã hội do những bất tiện từ chứng bệnh này mang lại. Cắt tuyến mồ hôi tay là một trong những giải pháp phổ biến được nhiều người lựa chọn khi mắc phải chứng bệnh này. Vậy cắt tuyến mồ hôi tay là gì? Liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả như lời đồn?

Chứng tăng tiết mồ hôi tay được biểu hiện qua việc mồ hôi ở tay ra nhiều ngay cả khi người bệnh không vận động mạnh, không ở trong không gian nóng bức, không căng thẳng, stress… Mồ hôi được tăng tiết quá mức cần thiết khiến tay người bệnh ướt nhẹp như vừa nhúng nước. Cắt tuyến mồ hôi tay hiện đang được nhiều người lựa chọn, phương pháp này giúp giúp giải quyết tận gốc tình trạng trên, nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.

Cắt tuyến mồ hôi tay là gì?

Chịu trách nhiệm cho việc kích thích tiết mồ hôi ở cơ thể là hệ thần kinh giao cảm thông qua chuỗi hạch giao cảm được đặt ở dọc 2 bên sống lưng cạnh cột sống. Khi hạch giao cảm hoạt động quá mức, tuyến mồ hôi sẽ tăng tiết mồ hôi ngay cả khi người bệnh không vận động mạnh, ở trong phòng mát…

Cắt tuyến mồ hôi tay là một loại phẫu thuật nhằm phá hủy các hạch thần kinh giao cảm điều khiển việc tiết mồ hôi, qua đó làm giảm tiết mồ hôi. Đối với mồ hôi tay là hạch giao cảm từ đốt ngực L2 đến L3.

Ngoài ra, cắt hạch giao cảm ở thắt lưng giúp điều trị tình trạng ra nhiều mồ hôi ở chân, tuy nhiên phẫu thuật này tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nên hiện nay không được thực hiện nữa. Phẫu thuật cắt hạch giao cảm hiện nay chỉ được dùng để điều trị mồ hôi nách và cánh tay, không hiệu quả với các vị trí khác.

Có nên cắt tuyến mồ hôi tay không? Bạn cần biết những gì trước khi mổ?1
Chứng tăng tiết mồ hôi tay gây cảm giác khó chịu

Quy trình cắt tuyến mồ hôi tay

Đầu tiên, người bệnh cần được gây mê toàn thân và đặt ống nội khí quản rồi bác sĩ mới tiến hành mổ nội soi lồng ngực theo từng bước sau:

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch 2 đường ngắn ở dưới nách. Sau đó, sử dụng ống trocar, là một dụng cụ phẫu thuật nội soi, đưa vào trong lồng ngực thông qua vết mổ.
  • Bơm khí CO2 áp lực 8 - 10mmHg, lưu lượng 2L/phút qua ống trocar giúp làm xẹp phổi, dễ dàng bộc lộ các vị trí chuỗi hạch, tạo không gian trống giúp bác sĩ thuận tiện hơn trong việc phẫu thuật và hạn chế làm tổn thương nhu mô phổi.
  • Quan sát hình ảnh từ camera của thiết bị nội soi, xác định vị trí chính xác của các hạch giao cảm ở đốt ngực L2 - L3 phụ trách việc điều khiển tiết mồ hôi tay và phá hủy chúng. Bác sĩ cần có chuyên môn cao, thực hiện phẫu thuật một cách thận trọng, tránh tối đa làm tổn thương các hạch, mạch máu, thần kinh lân cận.
  • Làm giãn phổi trở lại, đuổi hết khí trong khoang màng phổi, rút ống trocar và đóng vết mổ lại.
  • Tiếp tục lặp lại quy trình ở bên phổi còn lại nhằm hủy hết hạch giao cảm, dứt điểm hoàn toàn tình trạng mồ hôi tay.
  • Sau cùng, kiểm tra hình dạng, chức năng phổi qua X-quang, theo dõi liên tục người bệnh cho tới khi xuất viện.
Có nên cắt tuyến mồ hôi tay không? Bạn cần biết những gì trước khi mổ? 2
Phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi tay là một phương pháp trị chứng mồ hôi tay phổ biến

Chỉ định và chống chỉ định cắt tuyến mồ hôi tay

Chỉ định

Các trường hợp được chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt mồ hôi tay là khi tình trạng tăng tiết mồ hôi tay diễn biến nặng, liên tục trong thời gian dài, không đáp ứng với các thuốc nội khoa, hình thức điều trị khác. Bên cạnh đó, người bệnh phải đáp ứng trên 18 tuổi và có thể trạng sức khỏe tốt.

Chống chỉ định

Ngược lại, cắt tuyến mồ hôi tay chống chỉ định đối với:

  • Người bệnh dưới 18 tuổi.
  • Tiền sử suy tim mức độ trung bình trở lên.
  • Tiền sử bệnh lý hô hấp như suy hô hấp mạn tính, viêm phổi, lao phổi, viêm phế quản…
  • Tiền sử máu khó đông.
  • Tiền sử thực hiện phẫu thuật cắt hạch giao cảm trước đây.

Lợi ích của phương pháp cắt tuyến mồ hôi tay

Cắt tuyến mồ hôi là phương pháp điều trị nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề của chứng tăng tiết mồ hôi tay bằng cách loại bỏ các hạch giao cảm hoạt động quá mức. Do vậy, ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là có thể làm giảm tiết mồ hôi gần như hoàn toàn chỉ cần phẫu thuật 1 lần.

Ngoài phương pháp này, vẫn còn những cách điều trị tại chỗ như bôi thuốc, tiêm botox, ion cũng có tác dụng điều trị chứng này. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị kích ứng, viêm da hoặc triệu chứng không giảm sau một thời gian điều trị, khi đó cắt tuyến mồ hôi tay được lựa chọn như một giải pháp cuối cùng.

Đi cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, phương pháp phẫu thuật này càng ngày được cải thiện, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, tỷ lệ rủi ro sau phẫu thuật giảm, người bệnh ít đau và phục hồi nhanh hơn.

Nguy cơ khi cắt tuyến mồ hôi tay là gì?

Phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm hiện nay được nhiều người lựa chọn vì cho rằng đây là cách nhanh nhất để dứt điểm tình trạng mồ hôi tay. Tuy nhiên, nhiều người chưa tìm hiểu kỹ về phương pháp này. Bên cạnh những lợi ích kể trên, phương pháp này còn tồn tại nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

Tăng tiết mồ hôi ở nhiều vị trí khác trên cơ thể

Sở dĩ có tình trạng này là do bàn tay là nơi tập trung nhiều tuyến mồ hôi, khi ngăn chặn quá trình tiết mồ hôi tại đây, mồ hôi phải được thải bù ở những vị trí khác để cân bằng thân nhiệt cho cơ thể.

Các vị trí thường gặp là mặt, ngực, lưng, bụng và một nửa thân dưới. Tình trạng này có thể xuất hiện ngay sau phẫu thuật hoặc 1 - 2 năm sau rồi theo người bệnh suốt đời.

Có nên cắt tuyến mồ hôi tay không? Bạn cần biết những gì trước khi mổ? 3
Tăng tiết mồ hôi vùng chân có thể là biến chứng sau phẫu thuật

Khô da tay

Mồ hôi có vai trò trong việc điều hòa thân nhiệt, duy trì độ ẩm cho da. Cắt bỏ hạch thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm kích thích tiết mồ hôi tay sẽ khiến tay giảm mạnh khả năng tiết mồ hôi, mất khả năng điều nhiệt, lòng bàn tay khô ráp, bong tróc da.

Tăng tiết mồ hôi tay tái phát

Có khoảng 5% trong tổng số các ca phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi tay xuất hiện tình trạng tăng tiết mồ hôi trở lại sau hơn 1 năm, tình trạng này có thể xuất hiện 1 hoặc cả 2 tay. Ngoài ra, có thể kèm thêm triệu chứng bàn tay lạnh buốt dù không ở trong điều kiện lạnh.

Nhịp tim giảm

Có khoảng 10% đến một nửa số người bệnh gặp phải biến chứng này. Thông thường, khi căng thẳng, hồi hộp, hệ giao cảm sẽ có vai trò kích thích tăng nhịp tim, vã mồ hôi. Vì vậy, việc cắt bỏ hạch giao cảm sẽ làm rối loạn khả năng hoạt động của tim, giảm nhịp tim, mệt mỏi, suy kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng người bệnh.

Hội chứng Horner

Hội chứng Horner thường hiếm gặp, nguyên nhân do tổn thương dây thần kinh giao cảm chi phối vùng mắt và mặt trong quá trình phẫu thuật loại bỏ hạch giao cảm gây nên tình trạng sụp mí mắt, co đồng tử, mất khả năng tiết mồ hôi một nửa bên mặt.

Có nên cắt tuyến mồ hôi tay không? Bạn cần biết những gì trước khi mổ? 4
Sụp mí mắt - đây có thể là dấu hiệu của hội chứng Horner

Tăng mồ hôi vị giác

10% đến 20% người bệnh sau phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi tay xuất hiện tình trạng tăng tiết mồ hôi vị giác. Khi đó, hệ thần kinh cảm giác tăng nhạy cảm, biểu hiện rõ ràng nhất là người bệnh chảy mồ hôi vùng mặt đầm đìa khi chỉ vừa ngửi thức ăn có mùi đậm, nhiều gia vị.

Tràn khí, tràn dịch màng phổi

Cắt hạch giao cảm là phẫu thuật can thiệp lồng ngực, quá trình phẫu thuật bao gồm cả việc làm xẹp phổi, khó tránh khỏi nguy cơ tổn thương màng phổi gây tràn khí, tràn dịch màng phổi. Đây là biến chứng nguy hiểm, cần phải được xử lý gấp.

Một số biến chứng khác

Bên cạnh các biến chứng trên, phẫu thuật phá hủy hạch giao cảm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như mất máu, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, sốc phản vệ do dị ứng thuốc mê, đau ngực, rối loạn nhịp tim…

Chứng tăng tiết mồ hôi tay như một nỗi ám ảnh với những người mắc phải, tình trạng này gây cản trở cuộc sống sinh hoạt bình thường, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm và tự ti về bản thân. Phương pháp cắt tuyến mồ hôi tay được nhiều người mong chờ sẽ giúp bản thân giải quyết được vấn đề.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và những lợi ích của phương pháp này mang lại, phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi tay vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và thường chỉ được bác sĩ lựa chọn khi người bệnh không đáp ứng được với các điều trị nội khoa. Vì vậy, nếu bạn vẫn đang chật vật với tình trạng mồ hôi tay, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị theo đúng phác đồ nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin