Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rôm sảy ở cổ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 19/04/2024
Kích thước chữ

Rôm sảy là bệnh lý ngoài da khá thường gặp khi thời tiết nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi. Những vị trí dễ bị rôm sảy nhất thường là mặt, trán, gáy, lưng, bẹn và cổ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tình trạng rôm sảy ở cổ.

Vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể toát nhiều mồ hôi, chúng ta dễ mắc nhiều bệnh ngoài da liên quan đến hệ thống bài tiết mồ hôi của cơ thể. Một trong số đó là bệnh rôm sảy. Rôm sảy có thể xuất hiện ở rất nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, nhất là ở cổ. Vậy tại sao dễ xảy ra rôm sảy ở cổ? Cách điều trị rôm sảy ở cổ thế nào?

Rôm sảy ở cổ là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết

Rôm sảy là gì? Đây là một bệnh ngoài da lành tính, không lây nhiễm, xảy ra khi có tình trạng ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, khiến mồ hôi bị ứ đọng dưới da không thoát ra được. Bệnh đặc trưng bởi các mụn li ti, có thể là mụn nước cũng có thể là mụn đỏ, mụn mủ. Tùy dạng rôm sảy và tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, người bệnh có thể không gặp phải triệu chứng gì hoặc có cảm giác ngứa ngáy, đau rát, khó chịu.

Rôm sảy có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như: Nổi rôm sảy ở lưng, rôm sảy ở bẹn, rôm sảy ở ngực và rôm sảy ở cổ. Triệu chứng khi bị rôm sảy ở vùng cổ là:

  • Ở vùng cổ xuất hiện mụn, có thể là mụn nước li ti, không viêm, không gây đau hay ngứa (khi bị rôm sảy kết tinh), cũng có thể là mụn đỏ, mụn mủ (khi bị rôm sảy đỏ, rôm sảy mủ hay rôm sảy sâu).
  • Trong trường hợp có mụn đỏ, mụn mủ, người bệnh sẽ thấy ngứa rát, khó chịu, muốn gãi.
  • Các mụn vỡ ra có thể hình thành vảy hoặc chảy dịch, chảy mủ, chảy máu.
  • Da vùng cổ có thể bị đỏ ửng, nóng rát.
Rôm sảy ở cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Rôm sảy ở cổ gây ngứa ngáy và kích thích phản ứng gãi

Nguyên nhân gây rôm sảy ở cổ

Đối tượng dễ bị rôm sảy ở cổ nhất thường là trẻ em. Ngoài ra, người lớn cũng có thể bị rôm sảy ở vị trí này. Tại sao trẻ sơ sinh thường bị nổi rôm ở cổ và người lớn cũng vậy?

  • Vùng cổ là nơi da có nhiếp nếp gấp, gây ứ đọng bụi bẩn, mồ hôi. Đây cũng là vị trí ít được che chắn nên bụi bẩn cũng dễ bám dính vào hơn. Mồ hôi kết hợp bụi bẩn có thể gây tắc nghẽn các ống dẫn tuyến mồ hôi dẫn đến rôm sảy.
  • Đồ ăn, thức uống chảy xuống cổ và đọng lại ở các nếp gấp da cũng gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Đây thường là nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy, ít gặp ở người lớn.
  • Với trẻ sơ sinh, các ống tuyến mồ hôi ở vùng cổ chưa phát triển cũng dễ bị tắc nghẽn hay viêm khiến mồ hôi không thoát ra được và bị ứ đọng dưới da gây nên những nốt rôm sảy.
  • Cũng ở trẻ sơ sinh, trẻ chưa cứng cổ nên đầu có xu hướng áp sát vào vai khiến vùng cổ bí bách, chảy nhiều mồ hôi nhưng lại khó khô thoáng. Lâu ngày có thể khiến trẻ bị rôm sảy ở cổ.
  • Nếu dùng các loại nước giặt, nước xả vải có hóa chất gây kích ứng mạnh, khi bạn mặc đồ, cổ áo cọ vào cổ cũng có thể là nguyên nhân gây rôm sảy.
  • Thời tiết nóng bức nhưng lại mặc áo cao cổ, quàng khăn, che chắn quá kỹ vùng cổ khiến mồ hôi tiết ra nhiều nhưng bị tắc nghẽn không thoát ra khỏi bề mặt da được cũng gây rôm sảy ở cổ.
Rôm sảy ở cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Thời tiết nóng bức khiến chúng ta dễ bị rôm sảy

Cách điều trị khi bị rôm sảy ở cổ

Nếu rôm sảy nhẹ, khi thời tiết mát mẻ hơn mụn có thể tự hết. Nhưng cũng có trường hợp các mụn đỏ, mụn mủ ở vùng cổ bị rôm sảy khi vỡ ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, tấn công. Nếu không chăm sóc da cẩn thận và điều trị sớm, vùng da đó có thể bị viêm nhiễm, nhiễm trùng thậm chí là nhiễm trùng huyết. Vì vậy, bạn nên sớm áp dụng các biện pháp chữa rôm sảy ở cổ như:

Chữa rôm sảy ở cổ bằng mẹo dân gian

Dân gian lưu truyền nhiều kinh nghiệm chữa bệnh rôm sảy bằng các nguyên liệu tự nhiên dễ kiếm như: Cách trị rôm sảy bằng lá khế, lá dâu tằm, gừng tươi, mướp đắng, chanh tươi, lá trà xanh, lá cây sài đất, lá tía tô… Cách dùng về cơ bản đều là dùng các nguyên liệu này nấu thành nước tắm hoặc nước rửa vùng da ở cổ bị rôm sảy.

Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng khi bị rôm sảy mức độ nhẹ. Một điều cần hết sức lưu ý là bạn cần chắc chắn mua được những nguyên liệu sạch vì hiện nay tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu khá phổ biến.

Rôm sảy ở cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Nên xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc chữa rôm sảy

Dùng kem bôi trị rôm sảy

Bị nổi rôm sảy nên bôi gì sẽ phụ thuộc từng loại rôm sảy, từng tình trạng của người bệnh. Bạn có thể đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn sử dụng loại thuốc phù hợp. 

Bạn hãy thoa kem cho bé theo chỉ định từ bác sĩ để làm dịu ngứa cũng như giảm bớt tình trạng rôm sảy của bé như: Calamine, Anhydrous lanolin, Yoosun rau má, Steroid, Kutie Skin, Bepanthen… Trong trường hợp đã có dấu hiệu tổn thương, bội nhiễm, có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh.

Phòng tránh rôm sảy ở cổ như thế nào?

Muốn phòng ngừa nổi rôm mùa hè, đặc biệt là rôm sảy ở cổ bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Với trẻ em, bạn không nên để đồ ăn, thức uống chảy xuống cổ của trẻ. Cần thường xuyên lau sạch vùng da dưới cổ cho trẻ để đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ.
  • Mùa hè, cả người lớn và trẻ em đều nên mặc trang phục thoáng mát, không che kín cổ, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
  • Luôn giữ không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt thoáng mát, sạch sẽ. Mùa hè bạn nên dùng quạt gió, điều hòa để làm dịu không khí oi nồng, nóng bức khó chịu.
  • Không nên tắm bằng nước quá nóng vào mùa hè, không nên ngồi gần hay tiếp xúc với các nguồn phát nhiệt.
  • Nên áp dụng những cách làm mát da, hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông hay ống dẫn mồ hôi.
  • Nếu ra mồ hôi nhiều ở vùng cổ, bạn nên dùng khăn sạch lau thấm thường xuyên.
Rôm sảy ở cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Mặc trang phục thoáng mát, không được che kín cổ vào những ngày oi nóng

Trên đây là các thông tin liên quan đến triệu chứng, nguyên nhân và cách trị nổi rôm sảy hiệu quả cho những ai bị rôm sảy ở cổ hay các vị trí khác. Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu rôm sảy đầu tiên, bạn không nên chủ quan mà hãy vệ sinh, chăm sóc da thật tốt để da tự phục hồi mà không cần điều trị.

Xem thêm: Bị rôm sảy ở người lớn: Nguyên nhân và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin