Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Công dụng của vắc xin Vaxigrip 0.25 ml

Ngày 26/04/2024
Kích thước chữ

Vắc xin Vaxigrip 0.25 ml được sản xuất bởi công ty Sanofi Pasteur (Pháp). Thành phần của nó bao gồm các chủng virus cúm A (H1N1, H3N2) và virus cúm B. Loại vắc xin này được thiết kế để giúp phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh do các loại virus cúm này gây ra.

Virus cúm ngày càng gây ra những biến chứng phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích việc tiêm vắc-xin cúm, đặc biệt là đối với những nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,… Vậy vắc xin Vaxigrip 0.25 ml là gì?

Bệnh cúm là gì?

Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính, phát triển khi virus cúm Influenza xâm nhập và tấn công hệ hô hấp thông qua tiếp xúc với mắt, mũi và miệng. Tỷ lệ mắc cúm ở người lớn thường dao động từ 5 đến 10%. Trong khi ở trẻ em, con số này tăng lên từ 20 đến 30%. Điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khả năng lây lan cao, có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện đợt dịch bệnh. Ở các quốc gia nhiệt đới ẩm như Việt Nam, cúm thường xuất hiện vào mùa mưa nhưng cũng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm. Bệnh cúm được phân loại thành ba loại chính:

  • Cúm A hay còn được gọi là cúm mùa, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau. Virus cúm A thường biến đổi liên tục, tạo ra các chủng mới và thường là nguyên nhân gây ra các đợt dịch cúm lây lan mạnh mẽ. Hai nhóm chủng virus cúm A phổ biến nhất hiện nay là cúm H1N1 và H3N2.
  • Cúm B, tương tự như cúm A, có thể bùng phát theo mùa. Tuy nhiên, virus cúm B thường thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với virus cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người, không phân loại theo loại như cúm A và ít gây ra các đợt bùng phát dịch lớn.
  • Cúm C gây ra các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với hai loại cúm trên và ít có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm.
vắc xin vaxigrip 0.25 ml 1
Bệnh cúm được phân loại thành ba loại chính là cúm A, cúm B và cúm C

Bệnh cúm thường có diễn biến nhẹ và người bệnh thường tự phục hồi sau khoảng một tuần mà không gây ra tác động lâu dài. Tuy nhiên, ở những đối tượng như người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và những người có sức khỏe suy yếu. Cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc bội nhiễm vi khuẩn, viêm màng não, viêm não, viêm cơ, nhiễm trùng tai, xoang, tổn thương đa cơ quan như thận, suy hô hấp. Ngoài ra, nó còn làm trầm trọng các bệnh lý mãn tính như suy tim sung huyết, đái tháo đường, hen suyễn. Đặc biệt, đối với người già và những người mắc các bệnh mãn tính, viêm phổi do cúm có thể dẫn đến tử vong.

Công dụng của vắc xin Vaxigrip 0.25 ml

Thành phần của vắc xin cúm Vaxigrip bao gồm các chủng virus cúm sau khi được nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Sau đó được tách ra, bất hoạt và tinh chế. Các chủng virus này là những loại virus cúm thường gây bệnh và được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.

Vắc xin Vaxigrip 0.25 ml có tác dụng tạo ra hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh cúm mùa do virus cúm thuộc các chủng H1N1, H3N2 và B có trong thành phần của vắc xin dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, vắc xin này không bảo vệ cơ thể khỏi bệnh do các chủng virus cúm khác. Do đó, việc sử dụng vắc xin Vaxigrip 0.25 ml nên tuân theo các khuyến cáo chính thức từ cơ quan y tế.

Bệnh cúm có nguy cơ lây truyền nhanh chóng do nhiều chủng virus gây ra và có thể thay đổi hàng năm. Đây là lý do tại sao cần tiêm ngừa mỗi năm, đặc biệt vào những tháng lạnh nhất. Người chưa tiêm ngừa vào mùa thu cũng có thể tiêm ngừa vào mùa xuân vì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tồn tại.

Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh trong vài ngày, do đó, người nhiễm bệnh có thể phát bệnh ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin. Lưu ý rằng vắc xin không bảo vệ người đã tiêm chủng khỏi các triệu chứng tương tự như cảm lạnh, mặc dù chúng có thể giống với triệu chứng của bệnh cúm.

vắc xin vaxigrip 0.25 ml 2
Vắc xin Vaxigrip 0.25 ml tạo ra hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh cúm mùa

Những lưu ý và thận trọng đặc biệt khi sử dụng vắc xin Vaxigrip 0.25 ml

Khi tiêm vắc xin Vaxigrip cần lưu ý:

  • Khi sử dụng vắc xin Vaxigrip hoặc bất kỳ vắc xin nào khác bằng tiêm, phải luôn trang bị các thiết bị điều trị cần thiết và theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi tiêm để kịp thời xử lý tình trạng sốc phản vệ.
  • Không nên tiêm vắc xin Vaxigrip 0.25 ml vào mạch máu trong mọi trường hợp.
  • Khi sử dụng phương pháp tiêm bắp giống như các loại vắc xin khác, cần phải tiêm cẩn thận đối với những người có rối loạn chảy máu hoặc giảm tiểu cầu để tránh nguy cơ chảy máu.
  • Ngất có thể xảy ra do các phản ứng tâm lý trước hoặc sau khi tiêm vắc xin, do đó cần có các biện pháp phòng ngừa té ngã và xử lý tình trạng ngất kịp thời.
  • Giống các vắc xin khác, việc tiêm chủng với Vaxigrip không đảm bảo bảo vệ 100% cho những người dễ bị tổn thương.
  • Đáp ứng miễn dịch ở trẻ em có miễn dịch kém hoặc mắc các vấn đề về miễn dịch bẩm sinh có thể không đạt được mức độ hiệu quả như mong muốn.
vắc xin vaxigrip 0.25 ml 3
Trẻ em có miễn dịch kém có thể không đạt được mức độ hiệu quả như mong muốn

Bài viết trên đây đã chia sẻ về thông tin vắc xin Vaxigrip 0.25 ml. Hy vọng sau khi tham khảo qua bài viết, bạn sẽ trang bị các kiến thức để thực hiện tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho con trẻ. Hãy liên hệ với bác sĩ khi có thắc mắc cần giải đáp nhé!

Xem thêm: 

Những mũi tiêm chủng mở rộng miễn phí hiện nay 

Danh sách các mũi tiêm cho bé ở trạm y tế cha mẹ cần nắm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin