Cườm khô là gì? Cườm khô hay đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác. Thông thường, mắt nhìn thấy các vật thể khi ánh sáng chiếu vào và xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể, thủy dịch, đáy mắt. Thủy tinh thể như một thấu kính trong suốt, khi bị đục ánh sáng không thể xuyên qua màng đáy và thị lực của bệnh nhân bị mờ. Thậm chí, nếu đục thủy tinh thể hoàn toàn bị mờ, sẽ dẫn đến mù lòa.
Có thể bạn chưa biết cườm khô là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và thị lực kém ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Vậy cườm khô có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Tìm hiểu chung về bệnh cườm khô
Cườm khô là gì? Cườm khô hay còn gọi là đục thủy tinh thể, là tình trạng thường gặp ở người trên 50 tuổi. Thuỷ tinh thể có cấu trúc như thấu kính trong suốt có hai mặt lồi. Khi ánh sáng đi qua giúp các tia sáng được hội tụ đúng vào võng mạc. Từ đó nhìn rõ được hình ảnh ở xa. Khả năng thay đổi độ dày của thủy tinh thể hay khả năng điều tiết giúp mắt nhìn rõ các vật ở xa, gần.
Khi độ trong suốt giảm dần, thủy tinh mờ đục và ánh sáng khó đi qua dẫn đến mắt nhìn mờ và thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.
Nguyên nhân bị bệnh cườm khô là gì?
Nguyên nhân của bệnh cườm khô không rõ ràng. Theo tuổi tác, thủy tinh thể dần trở nên đục, dày, cứng, khô và cuối cùng bị đục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể do sử dụng steroid kéo dài, nhiễm trùng mắt và các bệnh như tiểu đường. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cườm khô như:
Càng lớn tuổi, khả năng mắc bệnh cườm khô càng cao;
Tia X-quang hoặc tia bức xạ được dùng trong điều trị ung thư.
Dấu hiệu nhận biết cườm khô
Giảm thị lực là triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất để nhận biết bệnh cườm khô. Cườm khô ảnh hưởng đến tầm nhìn trung tâm, bắt đầu nhìn mờ ở khoảng cách xa, sau đó nhìn mờ kể cả vật ở gần.
Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu bệnh nhân mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất người bệnh chỉ nhìn thấy ánh sáng mà không nhìn rõ xung quanh.
Bệnh cườm khô làm thay đổi khả năng hội tụ của hình ảnh trên võng mạc. Đó là lý do một số người già bị cườm khô có thể đọc báo mà không cần đeo kính, hoặc một số bệnh nhân bị song thị, tức mắt nhìn thấy nhiều vật thể cùng một lúc hoặc tầm nhìn bị mờ như nhìn trong sương. Hiện tượng này là do thấu kính bị mờ, dẫn đến sự tán xạ của các tia sáng đi qua không hội tụ chính xác tại võng mạc.
Một số người có các triệu chứng như tầm nhìn kém khi ở ngoài trời nhưng có thể nhìn tốt hơn khi ở trong bóng râm. Còn với những người bị đục thuỷ tinh thể vùng ngoại vi hay trung tâm thì có dấu hiệu ngược lại.
Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác có đốm đen trên mắt như ruồi bay trước mắt.
Các mức độ bị cườm khô là gì?
Mức độ của bệnh cườm khô có thể được phân chia dựa trên 2 yếu tố là vị trí và cấp độ.
Phân chia theo vị trí
Đục nhân: Là tình trạng nhân thủy tinh thể của mắt bị xơ cứng và có màu vàng vượt mức ở trung tâm. Ở giai đoạn đầu, cả hai yếu tố này đều dẫn đến các tật khúc xạ ở mắt như nhìn xa bị mờ. Tình trạng đục nhân có thể xuất hiện ở một bên mắt.
Đục vỏ: Đục vỏ có khả năng to ra và hợp nhất để tạo thành các vùng đục lớn hơn. Khi toàn bộ vỏ đến nhân chuyển sang màu trắng đục thì thủy tinh thể đã hoàn toàn mờ đục. Tình trạng này xảy ra ở cả hai mắt và không cân xứng.
Đục bao: Xuất hiện vết đục nhỏ ở biểu mô và bao trước thể thuỷ tinh nhưng không ảnh hưởng đến lớp vỏ.
Phân chia theo mức độ
Bệnh cườm khô có thể được chia thành 4 giai đoạn cụ thể là: Mờ ban đầu, mờ dần dần, mờ gần như hoàn toàn và cuối cùng là mờ hoàn toàn. Về cơ bản, thuỷ tinh thể bị đục là do cấu trúc và protein biến đổi tạo ra những vùng mờ đục trong thể thủy tinh, cản trở ánh sáng chiếu tới võng mạc và gây rối loạn thị giác.
Cườm khô có phải mổ không?
Không phải tất cả trường hợp bị cườm khô đều cần phẫu thuật, vì thủy tinh thể đóng vai trò rất quan trọng để mắt có thể nhìn thấy mọi vật ở gần hoặc xa. Đối với những trường hợp cườm khô giai đoạn đầu, bệnh nhân chưa cần phải phẫu thuật mà có thể đeo kính, bổ sung thêm một số vitamin cần thiết như A, C, E,… để làm chậm quá trình phát triển bệnh.
Bệnh nhân nên tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp và bụi bẩn. Nếu phải thường xuyên ra ngoài, nên có biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính râm hoặc đội mũ rộng. Ngoài ra, cũng cần có lối sống hợp lý, không hút thuốc, hạn chế ăn đồ chiên rán, dầu mỡ, hạn chế ăn đồ ngọt.
Đối tượng cần phẫu thuật là khi thị lực giảm dưới 3/10 hoặc sau các chấn thương nặng ở mắt ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Trong quá trình phẫu thuật, mắt sẽ được gây tê, thủy tinh thể bị đục được lấy ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo.
Sau khi phẫu thuật, các hoạt động nên được giảm xuống mức tối thiểu. Phẫu thuật bệnh cườm khô không bao giờ được thực hiện 2 mắt cùng một lúc. Bệnh nhân thường được phẫu thuật mắt yếu trước cho đến khi mắt khỏe hơn mới phẫu thuật mắt còn lại.
Một số thói quen dưới đây sẽ giúp hạn chế mắc bệnh cườm khô:
Hãy đi khám bác sĩ nếu mắt đột nhiên bị mờ.
Kiểm tra lại mắt nếu bị cườm khô và nhận thấy thị lực ngày càng kém đi.
Bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương khi ra ngoài bằng cách đeo kính râm ngăn chặn tia UVA và UVB.
Giữ đường huyết ổn định nếu bạn bị tiểu đường. Bệnh cườm khô phát triển nhanh hơn khi lượng đường trong máu tăng cao.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ cườm khô là gì. Bệnh cườm khô là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn nếu người bệnh đang bị tiểu đường, sử dụng corticosteroid lâu dài.
Ngày nay với sự tiến bộ của y học, bệnh cườm khô có thể được điều trị bằng cách thay thủy tinh thể nhân tạo. Đây là một thủ thuật nhẹ nhàng cho phép bệnh nhân hồi phục thị lực đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.