Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các loại đục thủy tinh thể và cách điều trị

Ngày 03/05/2022
Kích thước chữ

Các loại đục thủy tinh thể nói chung bản chất đều là là tình trạng thủy tinh thể của mắt bị mờ đục làm ánh sáng khó đi qua thấu kính và không hội tụ được trên võng mạc, mắt bị giảm thị lực, nhìn các vật không rõ ràng. Tuy nhiên, các loại đục thủy tinh thể khác nhau cách điều trị sẽ khác nhau.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mất thị lực hàng đầu trên toàn thế giới, nhưng có thể điều trị được nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng đắn. Phẫu thuật lấy thể thủy tinh bị mờ đục và thay vào đó là thể thủy tinh nhân tạo là phương pháp điều trị phổ biến nhất.

Tuy nhiên, không phải đục thể thủy tinh nào cũng phẫu thuật mà phải dựa vào đục thủy tinh thể loại nào và ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh ra sao. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các loại đục thủy tinh thể và cách điều trị nhé!

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

Thể thủy tinh là một thấu kính trong suốt, nó hoạt động như một ống kính máy ảnh, tập trung chùm ánh sáng song song từ ngoài vào võng mạc mắt, giúp nhìn vật rõ nét. Nó còn giúp mắt điều tiết để nhìn rõ được vật ở gần và ở xa.

Thể thủy tinh được tạo nên phần lớn bởi nước và protein. Protein được sắp xếp một cách rải rác ở thể thủy tinh để giữ cho thấu kính trong suốt và cho phép ánh sáng đi qua nó được dễ dàng. Khi chúng ta già đi, các protein tạo nên thủy tinh thể của mắt bị thoái hóa và kết tụ lại với nhau. Chúng chính là nguyên nhân khiến cho thủy tinh thể bị mờ đục. Theo thời gian, khối kết tụ phát triển lớn hơn và che khuất thấu kính nhiều hơn, khiến mắt nhìn vật càng mờ, thậm chí có nguy cơ mù lòa.

Do đó ta thường thấy đục thủy tinh thể thường gặp ở người già. Ngoài tuổi cao, các nhà nghiên cứu khoa học cũng tìm ra các yếu tố nguy cơ khác gây đục thủy tinh thể như: Tiếp xúc một thời gian nhất định với bức xạ tia cực tím từ ánh sáng mặt trời và các nguồn khác, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, người hút thuốc lá, tiền sử chấn thương mắt, sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài, cận thị mức độ nặng, yếu tố di truyền...

Các loại đục thủy tinh thể

Có nhiều cách để phân loại đục thủy tinh thể, ở bài viết này sẽ trình bày 3 cách để phân loại gồm phân loại theo nguyên nhân, phân loại theo vị trí và phân loại theo mức độ tiến triển của bệnh.

Phân loại đục thủy tinh thể theo nguyên nhân

Đây là cách phân loại giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Do nguyên nhân di truyền, trẻ mắc đục thủy tinh thể ngay từ khi sinh ra. Thường do di truyền hoặc các nguyên nhân trong thời kỳ mang thai của người mẹ như nhiễm trùng, dùng tetracyclin.
  • Đục thủy tinh thể mắc phải: Do chấn thương mắt, do mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tiếp xúc với tia cực tím, dùng thuốc nhỏ mắt tùy tiện...
  • Đục thủy tinh thể tuổi già: Do thoái hóa và kết tụ của các protein.

Phân loại đục thủy tinh thể theo vị trí

  • Đục nhân: Là sự xơ cứng, mờ đục xuất phát từ vùng trung tâm của thể thủy tinh. Đục nhân có thể gây ra một số tật khúc xạ của mắt và gây ảnh hưởng thị lực của mắt. Đục nhân có thể xảy ra ở một hoặc hai bên mắt. Đây là loại đục thủy tinh thể phổ biến nhất.
  • Đục vỏ: Đục vỏ luôn xảy ra ở hai mắt, ít cân xứng hai bên. Đục thủy tinh thể xuất phát từ vùng vỏ rồi tiến triển dần vào trung tâm. Loại đục thể thủy tinh này có thể phát triển to ra rồi nhập vào nhau, từ đó khiến khối mờ đục ngày càng to lên nhanh chóng. Khi cả vỏ và nhân trở nên mờ đục gọi là thể thủy tinh đục chín.
  • Đục bao sau: Là tình trạng vết đục nhỏ ở bao sau thể thủy tinh và không ảnh hưởng đến vùng vỏ. Với đục bao sau dù có phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo vẫn có khả năng tái phát trở lại. 
Thủy tinh thể bị đục khiến ảnh vật không hiện trên võng mạc 2 Các loại đục thủy tinh thể phân theo vị trí

Phân loại theo mức độ tiến triển của bệnh

Gồm đục giai đoạn đầu, đục tiến triển, đục gần hoàn toàn và đục hoàn toàn.

Chẩn đoán đục thủy tinh thể

Các triệu chứng đục thủy tinh thể của bệnh nhân trên lâm sàng như:

  • Giảm thị lực là dấu hiệu đầu tiên. Người bệnh cảm thấy nhìn mờ, nhìn mờ hai bên hay một bên phụ thuộc vào người bệnh bị đục thủy tinh thể một hay hai mắt. Lúc đầu mắt nhìn mờ khi nhìn xa, khi bệnh tiến triển nặng thêm mắt nhìn mờ ngay cả khi nhìn gần, đến khi đục hoàn toàn người bệnh chỉ còn nhận biết được ánh sáng.
  • Giai đoạn tiến triển nặng hơn màu sắc thủy tinh thể thay đổi mà mắt nhìn có thể nhận ra được.
  • Khả năng nhận biết màu sắc kém hơn, thấy màu nhạt hơn.
  • Có thể nhìn đôi, cảm giác như có sương mù trước mắt.
  • Bị chói mắt khi nhìn ánh sáng, thấy đèn, ánh sáng mặt trời quá sáng.
  • Khi mắt mới bị đục vùng trung tâm, vùng rìa thể thủy tinh còn trong thì khi vào ban đêm, bóng râm đồng tử giãn ra, ánh sáng đi xuyên qua vùng rìa khiến mắt nhìn vật rõ hơn. Còn trong trường hợp vùng rìa bị đục, vùng trung tâm còn trong thì ngược lại, mắt lại trở nên kém hơn khi nhìn ban đêm.
  • Một số triệu chứng khác: Ruồi bay, chấm đen trước mắt.

Khi thấy có những dấu hiệu trên hãy đến cơ sở chuyên khoa để khám và chẩn đoán sớm.

Phân loại đục thủy tinh thể theo vị trí 3 Nên đi khám sớm khi thấy dấu hiệu đục thủy tinh thể để điều trị kịp thời

Các phương pháp chẩn đoán ở cơ sở chuyên khoa:

  • Đo thị lực cho mắt bằng bảng thị lực.
  • Dùng thuốc giãn đồng tử gây liệt điều tiết để soi đáy mắt, khám thủy tinh thể và võng mạc chính xác nhất.
  • Đo nhãn áp của mắt để kiểm tra xem mắt có bị glôcôm không.

Đối tượng dễ mắc đục thủy tinh thể

Dựa vào các nguyên nhân gây đục thủy tinh thể đã trình bày ở trên ta có thể thấy đối tượng dễ bị đục thủy tinh thể nhất chính là người cao tuổi. Nguyên nhân là do sự thoái hóa, kết tụ của protein trong thể thủy tinh gây mờ đục, ánh sáng khó đi qua. Ngoài ra đây cũng là lứa tuổi hay mắc các bệnh lý mạn tính gây nên đục thủy tinh thể như tăng huyết áp, đái tháo đường...

Tuy nhiên người cao tuổi thường không hay để ý đến tình trạng của mắt hoặc khi mắt bị mờ chỉ đơn giản nghĩ là do tuổi cao lão hóa nên nhìn mờ là bình thường. Do đó khi được chẩn đoán thì đã ở giai đoạn tiến triển nặng, khiến việc điều trị không đạt kết quả tốt nhất. Vậy nên hãy để ý các triệu chứng của bố mẹ, ông bà của chúng ta để đưa đến cơ sở chuyên khoa khám và điều trị sớm nhất.

Cách điều trị đục thủy tinh thể

Đối với đục thể thủy tinh giai đoạn đầu chưa ảnh hưởng đến thị lực của mắt có thể cho bệnh nhân đeo kính, tạo môi trường sinh hoạt có ánh sáng phù hợp, các bài tập luyện mắt, bổ sung vitamin A, C, E, ăn nhiều rau xanh, kẽm. Nếu không cải thiện cần can thiệp phẫu thuật lấy thủy tinh thể bị đục.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để đục thủy tinh thể, được chỉ định khi đục thủy tinh thể khiến mắt bệnh nhân nhìn mờ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống.

Các loại đục thủy tinh thể và cách điều trị 5 Các loại đục thủy tinh thể sẽ có các cách điều trị khác nhau và tất cả đều cần phối hợp nhiều phương pháp

Có những đặc điểm khác nhau giữa phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ em và người lớn. Ở trẻ em việc phẫu thuật cần được tiến hành càng sớm càng tốt, đặc biệt là năm đầu của cuộc đời. Đối với đục thủy tinh thể bẩm sinh khuyến cáo phẫu thuật là trong vòng 3 tháng tuổi. Còn đối với người lớn, có thể trì hoãn phẫu thuật đến 1 năm, khi người bệnh đã chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng và kinh tế. Một đặc điểm nữa là do thể thủy tinh trẻ em chưa cứng nên chỉ cần hút để lấy thủy tinh thế ra, còn đối với người lớn cần tán thể thủy tinh bằng siêu âm rồi mới lấy ra được.

Phương pháp phẫu thuật là lấy thủy tinh thể bị đục ra rồi đưa vào mắt một thấu kính để thay thế, sau phẫu thuật thấu kính này sẽ là một phần của mắt bệnh nhân giúp cải thiện thị lực của bệnh nhân. Có hai phương pháp lấy thể thủy tinh khác nhau, bác sĩ cần giải thích rõ với bệnh nhân và người nhà để chọn phương pháp mổ phù hợp nhất.

  • Phẫu thuật lấy thể thủy tinh bằng cách tán nhuyễn nó bằng siêu âm: Chỉ cần rạch 1 đường nhỏ bên cạnh giác mạc, sau đó dùng sóng siêu âm tán nhỏ thể thủy tinh rồi hút ra.
  • Phẫu thuật lấy thể thủy tinh ra: Rạch 1 đường dài hơn ở cạnh giác mạc, lấy nhân cứng thể thủy tinh ra rồi hút phần còn lại.

Bài viết trên đã làm rõ về các loại đục thủy tinh thể và cách điều trị. Mong rằng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích tới quý độc giả. Đừng quên tiếp tục theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin sức khỏe cần thiết khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin