Da bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy là hiện tượng rất phổ biến xảy ra ở nhiều người. Các nốt đỏ xuất hiện nhiều trên da gây cảm giác khó chịu có thể kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày. Vậy cụ thể, da bị nổi mẩn đỏ là như thế nào? Nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì?
Da bị nổi mẩn đỏ có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách, vùng da ngứa sẽ dễ bị tổn thương, có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Để biết thêm một số thông tin về nổi mẩn đỏ ngứa, mời bạn đọc hãy theo dõi thật kỹ bài viết dưới đây.
Tình trạng da bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy là gì?
Da bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy là tình trạng làn da xuất hiện nhiều các nốt mẩn đỏ, gây ra những cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Tình trạng nổi mẩn đỏ này có thể giống như các nốt muỗi đốt hoặc thành từng mảng tùy theo cơ địa của mỗi người, thời gian cũng như tần suất ngứa cũng sẽ khác nhau.
Những vị trí da bị nổi mẩn đỏ phổ biến là ở cổ, tay chân, mặt và nặng hơn, mẩn đỏ có thể nổi khắp toàn thân. Các nốt mẩn đỏ ngứa ngáy xuất hiện sẽ gây ra cảm giác khó chịu và khiến cho người bệnh muốn gãi liên tục. Thế nhưng, việc gãi này không những không làm bớt ngứa mà còn dễ làm cho nốt mẩn đỏ lây lan sang những vùng xung quanh, ngứa hơn và làm tổn thương da, nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc để lại sẹo thâm vĩnh viễn.
Những triệu chứng của nổi mẩn đỏ ngứa
Những triệu chứng do mẩn đỏ ngứa gây ra rất dễ để nhận biết bằng mắt thường, đồng thời cũng dễ cảm nhận như sau:
Các nốt đỏ nổi lên trên da, gây cảm giác ngứa ngáy. Nếu tình trạng này xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ có thể quấy khóc, gãi liên tục vào vùng da bị mẩn đỏ, mệt mỏi.
Tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ngáy còn có thể xuất hiện dưới dạng các nốt mọc rải rác hoặc thành từng mảng. Thời gian và mức độ ngứa ở mỗi người không giống nhau do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng sức khỏe, tuổi tác.
Những nốt ngứa sẽ tập trung nhiều ở những vùng da non hoặc kín, có nếp gấp. Sau đó dần dần, chúng sẽ lan ra khắp cơ thể.
Có nhiều các loại mẩn đỏ ngứa khác nhau. Thường gặp nhất là nổi mẩn đỏ ngứa giống như mụn nước, dạng mảng. Càng gãi những nốt này thì chúng càng lan rộng. Dẫn tới hậu quả là da bị tổn thương, nhiễm trùng và để lại sẹo thâm.
Xác định được triệu chứng bệnh là yếu tố cần thiết, thế nhưng việc này sẽ không thể giúp bạn điều trị dứt điểm tình trạng mẩn ngứa nếu không tìm được ra nguyên nhân chính xác gây mẩn đỏ.
Các nguyên nhân khiến cho da bị nổi mẩn đỏ
Có rất nhiều những nguyên nhân khác nhau có thể khiến cho da bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy. Xác định được chính xác nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị bệnh đạt hiệu quả tối ưu, hạn chế để lại biến chứng, sẹo. Các nguyên nhân này bao gồm:
Nổi mề đay: Nổi mề đay là phản ứng viêm của mao mạch trung bì do phản ứng dị ứng với các tác nhân nội hoặc ngoại sinh gây ra. Biểu hiện thường thấy của tình trạng nổi mề đay chính là da nổi các cục cứng và sần gần giống với các nốt muỗi đốt, gây ngứa và nóng rát trên da.
Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc là khi da bị tổn thương do tiếp xúc với những yếu tố gây kích ứng như hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa,... Viêm da tiếp xúc thường không quá nghiêm trọng và chỉ gây tổn thương phạm vi nhỏ. Thế nhưng, với những người có làn da nhạy cảm thì vùng tổn thương rất dễ bị lan rộng, thậm chí là dị ứng nổi mẩn ngứa khắp toàn thân. Bệnh gây triệu chứng là nổi mẩn đỏ ngứa giống vết muỗi cắn, gồ lên so với bề mặt da. Với những trường hợp bị mắc bệnh do các tác nhân là nọc độc côn trùng, mủ thực vật và hóa chất thì da có thể nổi mụn nước hoặc mụn mủ, lở loét.
Dị ứng thời tiết: Dị ứng thời tiết cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ ngứa ngáy. Các triệu chứng kèm theo sẽ bao gồm sổ mũi, hắt hơi, đỏ mắt, âm ỉ ở những vùng da hở,... Đây là hậu quả do việc hệ miễn dịch phản ứng quá mức với sự thay đổi bất ngờ của thời tiết.
Dị ứng thuốc: Hệ miễn dịch phản ứng mạnh với các thành phần có trong thuốc sẽ khiến cho da nổi mẩn đỏ giống như các vết muỗi cắn, xuất hiện nhiều trên mặt hoặc toàn thân. Nếu chỉ bị dị ứng nhẹ, các triệu chứng sẽ tự biến mất sau vài ngày nhưng nếu nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị nổi hồng ban, khó thở, da toàn thân đỏ ửng, phù Quincke,... Nguy hiểm nhất là có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dị ứng thực phẩm: Người bị dị ứng thực phẩm sẽ xuất hiện triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, đau bụng, buồn nôn, ngứa trong cổ họng, tiêu chảy, chảy nước mắt, ngứa mũi,...
Phát ban: Tình trạng phát ban có những đặc điểm dễ nhận biết như da có các đốm hay các mảng màu hồng, đỏ nổi lên trên so với bề mặt da, chúng cũng có thể bằng phẳng giống như vùng da lành. Có nhiều trường hợp bị phát ban không ngứa nhưng lại có cảm giác châm chích, nóng rát đi kèm. Nguyên nhân gây phát ban là do bị nhiễm trùng, nhiệt độ cao hoặc do ma sát quá mức,...
Ngoài ra, nổi mẩn đỏ ngứa ngáy còn có thể do những bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn bên trong cơ thể như:
Rối loạn các chứng năng gan: Rối loạn chức năng gan khiến cho khả năng hoạt động của gan bị kém đi, độc tố không được đào thải ra ngoài và bị tích tụ lại bên trong cơ thể. Từ đó sinh ra nhiều các vấn đề khác nhau, trong đó có cả tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, bứt rứt.
Nhiễm giun sán:Nhiễm giun sán cũng có thể khiến cho da bị nổi các mẩn đỏ giống như mụn và gây ngứa ngáy. Ấu trùng di chuyển đến ống mật và gây tắc nghẽn quá trình lưu thông mật, khiến cho độc tố lưu lại bên trong cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch bị phản ứng quá mức, làm cho da bị nổi nhiều mẩn, ngứa ngáy.
Rối loạn tuyến giáp: Rối loạn tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động trao đổi chất bên trong cơ thể, dẫn đến hậu quả là sự rối loạn chuyển hóa đường đạm, mất sự cân bằng điện giải,... Mất cân bằng sẽ rất dễ kích hoạt cho hệ miễn dịch phản ứng, khiến cho da nổi các nốt mẩn giống như bị muỗi đốt.
Biến chứng do nổi mẩn đỏ ngứa ở mặt
Da mặt bị nổi mẩn đỏ thường không quá nguy hiểm và có thể điều trị dễ dàng, không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận một số trường hợp bị nổi mẩn đỏ tái đi tái lại nhiều lần, gây ra nhiều biến chứng như:
Gây mất thẩm mỹ: Các nốt mẩn đỏ giống như nốt mụn, muỗi đốt xuất hiện nhiều gây mất thẩm mỹ. Nếu người bệnh gãi thì da còn có thể bị tổn thương và để lại sẹo thâm vĩnh viễn, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của làn da.
Tổn thương da: Việc gãi không kiểm soát sẽ khiến cho da bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn là dẫn đến nhiễm trùng da mặt.
Lão hóa da: Các nốt mẩn ngứa xuất hiện có thể khiến cho cấu trúc da bị phá hủy, không còn đủ khả năng để chống lại các tác nhân gây hại xâm nhập. Dễ dẫn đến việc da bị lão hóa sớm.
Việc nổi mẩn đỏ tái đi tái lại và xuất hiện các biến chứng do mẩn đỏ gây ra sẽ khiến cho nhiều người mệt mỏi, tự ti và stress. Chất lượng cuộc sống cũng từ đó mà suy giảm. Để hạn chế gặp phải các biến chứng do tình trạng này gây ra, người bệnh cần thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Da liễu càng sớm càng tốt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Da bị mẩn đỏ do nguyên nhân bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến cho sức khỏe có nguy cơ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau như khó thở, sốc phản vệ, nhiễm trùng da, tụt huyết áp,... Do đó, khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các hiện tượng bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh:
Mẩn đỏ ngứa ngáy xuất hiện nhiều và kéo dài nhiều ngày, thậm chí là cả tuần không hết dù có sử dụng phương pháp gì đi chăng nữa, tình trạng còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn ban đầu.
Các nốt mẩn đỏ chảy dịch, có dấu hiệu giống bị nhiễm trùng.
Nóng rát, ngứa ngáy da nhiều ngày gây khó chịu, khó ngủ, mất ngủ.
Nổi mẩn đỏ đi kèm đau nhức cơ thể, sốt cao, mệt mỏi.
Nổi mẩn kèm theo bóng nước ngày càng lan rộng.
Bác sĩ sẽ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để có thể xác định chính xác mức độ ngứa ra sao, từ đó tìm ra nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp. Việc quan trọng là người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị, đồng thời chú ý đến chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi của bản thân để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả tối ưu.
Trên đây là một vài thông tin về tình trạng da bị nổi mẩn đỏ ngứa ngáy. Với những người có làn da nhạy cảm, dễ dị ứng thì tình trạng bị nổi mẩn đỏ có thể xảy ra rất thường xuyên. Do đó, hãy nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh bệnh bằng cách có những biện pháp bảo vệ làn da cũng như sức khỏe để tránh gặp phải những tổn thương nghiêm trọng do tình trạng nổi mẩn gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.