Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đắng miệng chán ăn: Nguyên nhân và cách chữa trị

Ngày 01/07/2022
Kích thước chữ

Hầu như ai trong tất cả chúng ta đều đã và sẽ gặp tình trạng đắng miệng. Cảm giác đắng miệng chán ăn là hiện tượng phổ biến, nó xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi bị đắng miệng sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy rất khó chịu, ăn uống không còn cảm giác ngon miệng, dần sẽ gây ra mệt mỏi và chán ăn.

Đắng miệng chán ăn là hiện tượng của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm sẽ làm bạn biếng ăn, từ đó dẫn đến cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi và gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Vậy đắng miệng chán ăn là hiện tượng của bệnh gì? Nguyên nhân và cách chữa đắng miệng như thế nào? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
Đắng miệng chán ăn: Nguyên nhân và cách chữa trị 1 Đắng miệng làm cho bạn luôn có cảm giác khó chịu

Nguyên nhân gây ra đắng miệng chán ăn

Đắng miệng chán ăn không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng mà ta gặp phải. Đắng miệng làm cho vị giác bị thay đổi, miệng luôn có vị đắng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đắng miệng. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở người mới ốm dậy, người đang phải điều trị ung thư hoặc sau thời gian dài điều trị thuốc kháng sinh…

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng đắng miệng mà bạn có thể tham khảo:

  • Khi tuyến nước bọt bị viêm nhiễm sẽ làm giảm lượng nước bọt dẫn đến khô miệng. Nước bọt tiết ít đi sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển và gây ra đắng miệng.
  • Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ khiến cho cao răng và các mảng bám tích tụ nhiều, cũng là một nguyên nhân giúp các vi khuẩn phát triển và làm miệng bị đắng.
  • Hội chứng miệng bỏng rát: Khi mắc phải hội chứng này miệng của người bệnh sẽ luôn cảm thấy nóng rát, hôi miệng và đắng miệng.
  • Nấm miệng hoặc viêm lưỡi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đắng miệng. Họng và vòm miệng của người bệnh sẽ xuất hiện những đốm trắng gây ra những cảm giác rất khó chịu.
  • Mắc các bệnh về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu (lợi) hoặc nhiễm trùng răng… Khi gặp phải những bệnh này, người bệnh sẽ bị hôi miệng hoặc miệng bị đắng.
  • Người phải điều trị thuốc kháng sinh trong một thời gian dài và uống các loại thuốc có chứa nhiều canxi, sắt cũng có thể làm đắng miệng.
  • Người đang mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, viêm xoang có thể làm ảnh hưởng đến vị giác và gây đắng miệng.
  • Trong thời kỳ mang thai, bà bầu cũng thường hay bị ốm nghén dẫn tới buồn nôn, đắng miệng chán ăn. Tuy nhiên tình trạng này thường sẽ biến mất sau sinh.
  • Thời kỳ mãn kinh cũng làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể của người phụ nữ. Khi nồng độ estrogen suy giảm sẽ dẫn tới khô miệng.
  • Người đang điều trị bệnh ung thư phải trải qua các đợt hóa trị và xạ trị khiến cho miệng luôn có cảm giác đắng và có mùi kim loại.
Đắng miệng chán ăn: Nguyên nhân và cách chữa trị 2 Đắng miệng chán ăn kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Đắng miệng chán ăn là biểu hiện của những bệnh gì?

Thông thường, tình trạng đắng miệng xảy ra khi chúng ta ăn nhiều những thức ăn có vị cay, đắng. Ngoài ra nó còn xuất hiện nhiều ở những người bệnh vừa ốm dậy hoặc đang phải điều trị thuốc. Tình trạng  đắng miệng khi ốm cũng rất thường gặp.

Tuy nhiên nếu tình trạng đắng miệng chán ăn kéo dài ở những người đang khỏe mạnh và kèm theo một số triệu chứng như đắng cổ họng, mệt mỏi, buồn nôn thì có thể nó đang cảnh báo bạn đang mắc phải một số bệnh lý nghiêm trọng khác. 

  • Các bệnh lý về gan: Gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc suy giảm và rối loạn chức năng gan sẽ gây cho người bệnh cảm giác đắng miệng, đau tức phần hông sườn, tiêu hóa kém. 
  • Rối loạn tiêu hóa: Đắng miệng kèm theo các biểu hiện như hôi miệng, buồn nôn có thể cảnh báo bạn đang bị rối loạn tiêu hóa.
  • Trào ngược dịch mật: Dịch mật có chức năng tiêu hóa chất béo đồng thời loại bỏ các tế bào hồng cầu chết. Khi van môn vị (bộ phận ngăn cách ruột non và dạ dày) bị tổn thương sẽ làm dịch mật trào ngược lên dạ dày và thực quản gây nên tình trạng đắng miệng kèm theo các biểu hiện như ợ nóng, buồn nôn, nôn ra chất lỏng có màu xanh vàng và đắng miệng vào buổi sáng.
  • Trào ngược dạ dày: Khi bị trào ngược dạ dày, người bệnh sẽ bị đắng miệng, hôi miệng kèm theo cảm giác nóng ở lưng hoặc bụng.
  • Tổn thương các dây thần kinh: Vị giác kết nối trực tiếp với các dây thần kinh trong não bộ. Vì thế khi các dây thần kinh này bị tổn thương có thể làm ảnh hưởng tới vị giác, làm rối loạn vị giác và gây ra đắng miệng. Một số bệnh có thể làm tổn thương dây thần kinh vùng đầu và cổ như u não, đa xơ cứng, động kinh…
Đắng miệng chán ăn: Nguyên nhân và cách chữa trị 3 Đắng miệng buồn nôn có thể báo hiệu tình trạng trào ngược dịch mật

Cách chữa đắng miệng

Khi có biểu hiện đắng miệng chán ăn, buồn nôn bạn cần tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân do đâu mới có thể tìm ra cách chữa trị tốt nhất. Tùy vào các nguyên nhân, sẽ có những cách chữa đắng miệng phù hợp. Một số cách chữa đắng miệng đơn giản dưới đây có thể giúp bạn phần nào cải thiện được tình trạng đang gặp phải.

  • Ăn những thức ăn mềm và dễ nuốt như cháo nóng giúp dễ tiêu hóa, đồng thời ngăn ngừa được tình trạng trào ngược dạ dày.
  • Chia nhỏ các bữa ăn giúp làm giảm áp lực cho các bộ phận tiêu hóa.
  • Sau khi ăn xong nên hoạt động mạnh, ngồi hoặc nằm mà thay vào đó hãy đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng giúp dạ dày của bạn tiêu hóa được tốt hơn.
  • Chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng thật tốt. Thường xuyên đánh răng, chải lưỡi và sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ tối đa thức ăn thừa còn sót lại trong kẽ răng.
  • Tăng cường bổ sung vitamin C qua các loại hoa quả như cam, quýt… Vị chua trong các loại hoa quả này sẽ giúp kích thích tuyến nước bọt hoạt động nhiều hơn.
  • Ngậm các loại ô mai hoặc kẹo có vị chua cũng là một cách giúp kích thích vị giác, làm tuyến nước bọt hoạt động mạnh.
  • Bổ sung đúng cách và vừa đủ canxi, kẽm…
  • Uống nhiều nước để không bị khô miệng. Đặc biệt vào buổi sáng sau khi thức dậy, uống một cốc nước ấm pha với 2 thìa cà phê mật ong sẽ giúp bạn làm sạch khoang miệng và trung hòa được lượng axit trong dạ dày.
  • Hạn chế ăn những đồ ăn cay, nóng, uống nước có ga, bia, rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích.
  • Sử dụng thuốc đúng liều và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua và dùng thuốc tùy tiện.
  • Thường xuyên thăm khám định kỳ để kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe.
Đắng miệng chán ăn: Nguyên nhân và cách chữa trị 4 Những loại trái cây có vị chua sẽ giúp kích thích vị giác của bạn

Đắng miệng chán ăn do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu đắng miệng do những nguyên nhân mà bạn đã biết, thì các biện pháp thay đổi trong thói quen ăn uống hàng ngày cũng giúp khắc phục tình trạng đắng miệng tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nó xuất hiện khi cơ thể bạn đang khỏe mạnh bình thường thì nên đi khám sớm để có thể biết được chính xác bệnh mà bản thân đang gặp phải. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin