Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách chữa đắng miệng tại nhà hiệu quả

Ngày 01/07/2022
Kích thước chữ

Chắc hẳn ai cũng đã từng trải qua cảm giác đắng miệng. Tình trạng này khiến bạn khó chịu, chán ăn, ăn không ngon miệng. Biết được những cách chữa đắng miệng đơn giản ngay tại nhà sẽ giúp bạn xử lý kịp thời và hiệu quả.

Đắng miệng kéo dài là một dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang gặp nhiều vấn đề về răng miệng, tổn thương thần kinh, trào ngược dạ dày… Bệnh khiến cho bạn ăn không ngon, ảnh hưởng tinh thần tâm trạng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các nguyên nhân và cách chữa đắng miệng qua bài viết này nhé!

Tình trạng đắng miệng là gì?

Đắng miệng là khi vị giác của người bệnh thay đổi, luôn cảm thấy đắng trong khoang miệng. Thông thường, đây được xem là phản ứng của cơ thể khi bạn ăn những thực phẩm chua, cay, đắng. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục thì có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý khác.

Cách chữa đắng miệng tại nhà hiệu quả 1 Cảm giác đắng miệng kéo dài cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Những dấu hiệu như khó chịu, đắng họng, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, hôi miệng, nhạt miệng, thường xuyên bị đắng miệng sau khi ngủ dậy, thường xuyên thấy buồn nôn… có thể đi kèm đắng miệng. Trong trường hợp quan sát thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng này, bạn cần đến cơ sở y tế nhanh chóng để được bác sĩ thăm khám.

Các nguyên nhân gây đắng miệng

Những nguyên nhân gây nên tình trạng đắng miệng thường không nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến việc ăn uống hàng ngày của bệnh nhân. Đắng miệng có thể là do những nguyên nhân sau:

  • Khô miệng hay xerostomia, xảy ra khi tuyến nước bọt trong miệng không sản xuất đủ. Ít nước bọt khiến vi khuẩn trong khoang miệng phát triển nhiều hơn.
  • Chăm sóc răng miệng kém dẫn đến sâu răng, viêm nướu, nhiễm trùng gây ra vị đắng trong miệng. Bạn nên đánh răng thường xuyên, dùng dụng cụ cạo lưỡi, nước súc miệng kháng khuẩn để giúp răng miệng sạch sẽ.
  • Mang thai: Mẹ bầu 3 tháng đầu có thể cảm giác miệng có vị đắng hoặc mùi kim loại. Nguyên nhân đắng miệng khi mang thai là do sự thay đổi hormone trong cơ thể và sẽ biến mất sau khi sinh em bé.
  • Hội chứng miệng bỏng rát giống như ăn ớt cay. Một số người còn cảm thấy trong miệng có vị đắng hoặc hôi. Biểu hiện của hội chứng này có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài mãn tính.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh có nồng độ estrogen trong cơ thể suy giảm, gây ra các vấn đề như miệng bỏng rát hoặc khô miệng kéo dài.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh do cơ vòng ở đỉnh dạ dày suy yếu, axit trào ngược lên ống dẫn thức ăn khiến ngực hoặc bụng nóng rát, miệng có mùi hôi hoặc vị đắng.
  • Nhiễm trùng nấm men gây nên các đốm trắng trên lưỡi, miệng hoặc cổ họng, khiến miệng khó chịu, có vị đắng. Bệnh sẽ kết thúc nếu người bệnh điều trị tình trạng nhiễm trùng hoàn toàn.
  • Căng thẳng và lo lắng kích thích phản ứng trong cơ thể dẫn đến thay đổi vị giác. Thường xuyên lo lắng còn có thể gây khô miệng, đắng miệng.
  • Dây thần kinh cả não tổn thương ảnh hưởng trực tiếp đến vị giác. Vị giác sẽ bị rối loạn, đắng miệng. Một số tổn thương thần kinh có thể xảy ra do động kinh, u não, chấn thương đầu, mất trí nhớ, đa xơ cứng, liệt mặt.
  • Dùng thuốc, chất bổ sung hoặc phương pháp chữa bệnh có thể khiến vị giác thay đổi gây đắng miệng, Một số loại thuốc gây nên tình trạng đắng miệng là thuốc lithium, thuốc tim, thuốc kháng sinh, vitamin có chứa khoáng chất hoặc kim loại như kẽm, sắt, đồng…
  • Các bệnh về gan như xơ gan, gan nhiễm mỡ, rối loạn chức năng gan… ảnh hưởng quá trình chuyển hóa dịch mật. Dịch mật tiết ít hơn, chuyển hóa thức ăn chậm hơn gây không tiêu, buồn nôn, mất vị giác, miệng đắng.
  • Cảm lạnh, nhiễm trùng xoang: Khi bị cảm lạnh, cơ thể sẽ gửi các protein gây viêm để bắt các tế bào gây hại. Những protein này ảnh hưởng đến vị giác và lưỡi, bệnh nhân cảm giác miệng đắng hơn bình thường.
  • Điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị làm thay đổi vị giác, tạo nên cảm giác đắng hoặc có vị kim loại trong khoang miệng.
Cách chữa đắng miệng tại nhà hiệu quả 2 Trào ngược dạ dày là một trong những nguyên nhân gây đắng miệng

Cách chữa đắng miệng hiệu quả tại nhà

Dưới đây là một số bí quyết làm giảm tình trạng đắng miệng khá đơn giản nhưng mang đến hiệu quả cao:

  • Ăn nhiều trái cây có vị chua, ngọt, nhiều vitamin C như bưởi, cam, sơ ri, quýt… để kích thích tuyến nước bọt hoạt động nhiều làm giảm đắng miệng.
  • Nhai kẹo singum không đường hương dâu, cam, quýt là một cách làm hết đắng miệng, tăng khả năng tiết nước bọt, lấn át vị đắng.
  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng 2 - 3 lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa và dụng cụ chải sạch lưỡi chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn có hại.
  • Súc miệng bằng nước muối là cách trị đắng miệng và sát khuẩn khoang miệng.
  • Đến nha khoa cạo vôi răng nếu răng bị tích tụ nhiều cao răng, ngả vàng, màu nâu sẫm gây khô miệng, hôi miệng, cảm giác đắng ngắt.
  • Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày lên miệng nên ăn cháo để dễ tiêu hóa, giảm thiểu tình trạng đắng miệng, chua miệng, ợ hơi.
  • Uống 1 cốc nước ấm hoặc nước pha 1 thìa mật ong ngay sau khi thức dậy để làm sạch khoang miệng, trung hòa lượng axit trong dạ dày và ngăn ngừa đắng miệng.
  • Ngậm ô mai để vị chua kích thích tuyến nước bọt hoạt động mạnh, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh hơn, giảm dần tình trạng đắng miệng.
  • Uống nhiều nước, khoảng 2 - 3 lít mỗi ngày khi cảm thấy miệng bị khô, đắng miệng, cổ họng khó chịu. Điều này sẽ giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, tăng tiết nước bọt, tăng cường độ ẩm cho khoang miệng, chấm dứt tình trạng đắng chát ở miệng.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, thức uống có gas, thức ăn có vị quá mặn, quá cay.
  • Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích như rượu bia…
  • Đắng miệng do cảm cúm sẽ nhanh chóng biến mất khi cơ thể khỏe mạnh trở lại. Trong thời gian này, bạn hãy uống nhiều nước để không gây khô miệng.
Cách chữa đắng miệng tại nhà hiệu quả 3 Ăn nhiều trái cây giàu vitamin C là một cách chữa đắng miệng hiệu quả tại nhà

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đắng miệng. Bạn hãy chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Nếu đã áp dụng tất cả những cách trị miệng đắng tại nhà mà vẫn không thuyên giảm, bạn hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị tốt nhất.

Tình trạng đắng miệng có thể xuất hiện ngay cả khi bạn không ăn hay uống bất kỳ thứ gì có vị đắng. Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn điều trị đúng cách và khôi phục vị giác như bình thường. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn biết cách chữa đắng miệng hiệu quả ngay tại nhà. Đừng quên vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tình trạng này sớm cải thiện nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin