Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau đầu nhức mắt có nguy hiểm không? Làm gì để đỡ?

Ngày 23/09/2022
Kích thước chữ

Đau đầu nhức mắt đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu thoáng chốc rồi hết ngay. Nhưng đôi khi đó lại là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng. Điều quan trọng nhất, bạn cần theo dõi tình trạng để thăm khám kịp thời.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều trải qua cảm giác đau đầu nhức mắt. Trong nhiều trường hợp, đây là triệu chứng bình thường, có thể cải thiện bằng thuốc giảm đau hay thay đổi chế độ sinh hoạt. Nhưng cũng có khi, đây là một dấu hiệu báo động vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy đau đầu nhức mắt có nguy hiểm không?

Đau đầu nhức mắt là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế IASP, đau là cảm giác khó chịu, có thể xuất hiện cùng sự tổn thương hoặc nguy cơ tổn thương các mô. Hiểu một cách đơn giản nhất, đau đầu là cảm giác đau đớn ở khu vực đầu mà chúng ta không nhìn thấy được bằng các tổn thương bên ngoài. Đau đầu có thể đi kèm với các dạng tổn thương hoặc rối loạn chức năng ở những cơ quan khác. Đau đầu mang các đặc điểm như:

  • Đau đầu có thể diễn ra ở 1 vị trí cố định hoặc lan tỏa, có thể bị 1 bên hay 2 bên đầu và có thể có mức độ nặng nhẹ khác nhau. 
  • Đau đầu có thể được miêu tả là cảm giác âm ỉ, dữ dội, đau nhói…
  • Có những người bị đau đầu từng cơn, có những người đau liên tục kéo dài…
  • Đau đầu có thể khởi phát từ từ và diễn tiến nặng dần hoặc đau đầu đột ngột.
  • Đau đầu có thể xảy ra ở bất cứ ai, không phân biệt giới tính, tuổi tác.
Đau đầu nhức mắt dữ dội là dấu hiệu cảnh bảo về sức khỏe Đau đầu nhức mắt dữ dội là cảnh bảo về sức khỏe

Có nhiều dạng đau đầu như đau đầu hồi ứng do lạm dụng thuốc giảm đau, đau đầu do căng thẳng, đau đầu mãn tính hoặc đau đầu do bệnh lý. Vậy đau đầu nhức mắt sẽ là loại đau đầu nào? Liệu có phải là biểu hiện của bệnh lý không?

Đau đầu nhức mắt là cảm giác đau đầu kèm các triệu chứng: 

  • Đau đầu lan đến vùng hốc mắt.
  • Đau đầu và đau quanh hốc mắt.
  • Đau mặt vùng quanh hốc mắt.
  • Đau nhức vùng hốc mắt.
  • Đau đầu kèm các biểu hiện đỏ mắt, chảy nước mắt, giảm thị lực, mờ mắt…

Nguyên nhân gây đau đầu nhức mắt

Thời tiết, môi trường

Khi thay đổi thời tiết, bạn có thể gặp triệu chứng đau đầu trán và gần mắt kèm tăng tiết dịch mũi họng có thể có sốt. Cảm giác đau khi hít và khịt mũi có thể là biểu hiện của bệnh xoang.

Thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt và ăn uống không khoa học như uống nhiều cà phê, rượu, bia, hút thuốc lá, ngủ ít và không tập thể dục làm tăng nguy cơ đau đầu. Những người thường xuyên làm việc với cường độ cao, làm việc nhiều với máy tính và nghỉ ngơi ít dễ bị đau đầu nhức mắt.

Thói quen làm việc quá sức gây đau đầu nhức mắt Thói quen làm việc quá sức gây đau đầu nhức mắt

Biểu hiện của bệnh lý

Nguy hiểm nhất là đau đầu nhức mắt là biểu hiện của bệnh lý:

  • Người bị bệnh suy nhược tinh thần, hay suy nghĩ nhiều sẽ có triệu chứng đau đầu nhức mắt kèm mất ngủ. 
  • Khi đau đầu kèm đau sâu trong hốc mắt giống như bị nhồi nén có thể là biểu hiện của nhiễm virus cấp tính như sốt virus, cảm cúm, sốt xuất huyết.
  • Đau đầu tự phát đột ngột và dữ dội như điện giật, cơn đau kéo dài vài đến vài chục giây kèm theo nhức mắt, chảy nước mắt và đỏ mắt có thể là bị đau dây V nhánh I nguyên phát.
  • Các bệnh lý chuyên khoa răng hàm mặt và tai mũi họng cũng có thể dẫn đến cảm giác đau đầu nhức mắt kèm lồi mắt, giảm tầm nhìn, liệt vận nhãn... có thể là triệu chứng bệnh dò động tĩnh mạch xoang hang.
  • Đau đầu nhức mắt hoặc đau hố mắt kèm giảm thị lực có thể là triệu chứng của bệnh nhãn khoa như có viêm thị thần kinh hoặc glocom.
  • Nếu bị đau đầu dữ dội kèm nhức mắt, giảm tầm nhìn, sợ ánh sáng và rối loạn ý thức có thể bệnh nhân đang bị tăng áp lực nội sọ
  • Đau đầu ở vùng thái dương kèm nhức mắt, giảm khả năng nhìn, phù nề kết mạc, động mạch thái dương to và nổi rõ, có thể sờ thấy mạch đập là triệu chứng điển hình của bệnh viêm động mạch thái dương.
Đau đầu kèm nhức mắt cần đi khám khi có biểu hiện bất thường Đau đầu kèm nhức mắt cần đi khám khi có biểu hiện bất thường

Bị đau đầu nhức mắt khi nào nên gặp bác sĩ?

Trong một số trường hợp, đau đầu nhức mắt là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng dưới đây, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Đau đầu nhức mắt mức độ từ vừa đến nặng, tăng dần về mức độ, tần suất và kéo dài.
  • Đau đầu nhức mắt kèm triệu chứng giảm thị lực, sốt, buồn nôn, sợ tiếng động, sợ ánh sáng, đau nhiều hơn khi nhai, lồi mắt, rối loạn tâm lý và hành vi...

Trong quá trình thăm khám, bệnh nên cần cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tiền sử bệnh có sẵn, diễn tiến bệnh, biểu hiện, tính chất mức độ đau... Tùy từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh như xét nghiệm máu, chụp CT, MRI...

Điều trị và phòng ngừa đau đầu nhức mắt 

Việc điều trị đau đầu nhức mắt cần căn cứ vào từng nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau và bằng chế độ sinh hoạt hợp lý. Đau đầu nhức mắt là hậu quả của các bệnh lý khác cần được điều trị dứt điểm bệnh lý đó mới khỏi được triệt để. Các biện pháp trị bệnh cần được chỉ định bởi bác sĩ. Vì vậy, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy dấu hiệu đau đầu kèm nhức mắt bất thường.

Ngoài ra, muốn phòng và điều trị bệnh, người bệnh cũng cần duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập và làm việc hợp lý. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh với các thói quen như:

  • Hạn chế hoặc nói không với các chất kích thích như đồ uống có cồn, cà phê, thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó bạn nên xây dựng các bữa ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
  • Áp dụng các biện pháp để giải tỏa căng thẳng phù hợp như du lịch, xem phim, nghe nhạc, hội họa…
  • Tìm cách cải thiện chất lượng giấc ngủ như hạn chế dùng điện thoại trước khi ngủ, tập bài tập yoga giúp ngủ ngon
Duy trì lối sống lành mạnh để không bị đau đầu nhức mắt Duy trì lối sống lành mạnh để không bị đau đầu nhức mắt

Đau đầu nhức mắt không phải là tình trạng hiếm gặp của con người trong xã hội hiện đại. Nếu áp dụng những cách làm giảm đau nhức mắt hay cách chữa đau đầu từ thiên nhiên không có kết quả, bạn nên theo dõi cơ thể và đi khám khi cần thiết bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Nhức mắt