Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị dị ứng mỹ phẩm kem trộn và cách xử lý

Ngày 14/08/2022
Kích thước chữ

Kem trộn được quảng cáo thổi phồng tác dụng làm nhiều chị em nhẹ dạ cả tin sử dụng và nhận lại kết quả “tiền mất tật mang”. Để hiểu thêm về dị ứng mỹ phẩm kem trộn hay cách xử lý khi dị ứng nếu đã “lỡ” sử dụng, mời bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu.

Kem trộn là loại kem được các hot girl quảng cáo với tác dụng tuyệt vời cho làn da nhưng lại tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khi sử dụng lâu dài. Dị ứng mỹ phẩm kem trộn là tình trạng da ngứa ngáy, bong tróc, nổi đỏ khi sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, không rõ nguồn gốc. Dị ứng gây tổn thương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da và yếu tố thẩm mỹ bên ngoài. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này không?

Kem trộn là gì?

Kem trộn không phải là cái tên quá xa lạ với chị em thích làm đẹp. Kem trộn được hiểu đơn giản là loại kem trộn được làm từ nhiều loại thuốc hoặc kem từ các hãng khác nhau với điểm chung là không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm định an toàn chất lượng. Thành phần của kem thường có là vitamin E, becozym, cortibion, aspirin, corticoid,… 

Trong đó corticoid là hormone tiết ra từ vỏ tuyến thượng thận, có tác dụng chống viêm, mẩn ngứa, dị ứng, được sử dụng rộng rãi trong ngành mỹ phẩm. Khi sử dụng, nó có thể ức chế khả năng miễn dịch của da và khiến da ngậm nhiều nước làm da mịn màng, trắng và căng mọng chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách có thể gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, đặc biệt nặng là dị ứng gây khô da, teo da, thậm chí là lở loét. Dị ứng kem trộn là hiện tượng da phản ứng với thành phần trong kem, nhất là khi không điều chế đúng liều lượng corticoid.

Kem trộn được quảng cáo với tác dụng vượt trội giúp da trắng sáng, mịn màng nhanh chóng chỉ sau 1, 2 lần sử dụng. Sau khi sử dụng lâu dài, làn da trở nên “nghiện” kem, kèm theo những tác hại như da bị bào mòn, mất sức đề kháng, da bị bong tróc, mụn nước kèm theo dịch mủ và tình trạng hoại tử, nhiễm trùng nặng và cho dù điều trị thế nào da cũng khó trở lại trạng thái ban đầu.

Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị dị ứng mỹ phẩm kem trộn và cách xử lý 1 Kem trộn hiện nay được bán tràn làn trên thị trường không rõ nguồn gốc, thành phần và được quảng cáo phóng đại

Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm kem trộn

Khi da bị dị ứng kem trộn sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ dị ứng như:

Dấu hiệu nhẹ

  • Ở những chị em có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng thì chỉ ngay sau khi bôi kem sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Da mẩn đỏ, ngứa, rát. Điều này không nhất thiết chỉ xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc với kem mà có xu hướng lan rộng ra các vùng da khác.
  • Xuất hiện các nốt mụn nước li ti có thể gây nhiễm trùng.
  • Da nhờn, có hiện tượng giãn nở mạch máu, luôn có cảm giác ngứa, căng da.

Dấu hiệu nặng

Dị ứng nhẹ thì da có thể xuất hiện các nốt đỏ rồi biến mất nếu không sử dụng kem nữa và da trở lại bình thường. Nhưng nếu đã sử dụng kem trộn trong thời gian dài và bị dị ứng sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Da cực kỳ mỏng, nhạy cảm và dễ bị bỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, ánh nắng mặt trời.
  • Các mao mạch dưới da trở nên rõ ràng hơn. 
  • Nám da hoặc các đốm đen, lan rộng trên má hoặc toàn bộ mặt.
  • Bắt đầu mọc mụn viêm, mụn liên tục chảy mủ do da mất sức đề kháng. 
  • Trong một số trường hợp nặng, da bị lão hóa, nhăn nheo như người già hoặc mặt sưng tấy, phù nề,...
Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị dị ứng mỹ phẩm kem trộn và cách xử lý 2 Tuỳ vào cơ địa và thời gian sử dụng mà triệu chứng dị ứng mỹ phẩm kem trộn cũng sẽ khác nhau

Cách xử lý khi dị ứng mỹ phẩm kem trộn

Trường hợp phản ứng nhanh

Đối với những làn da có biểu hiện dị ứng như ngứa, rát, mẩn đỏ ngay lần bôi đầu tiên, bạn nên ngưng sử dụng và thực hiện như sau:

  • Rửa mặt sạch bằng dung dịch nước muối 0.9% hoặc pha nước muối loãng.
  • Tìm ra sản phẩm gây dị ứng bằng cách kiểm tra mỹ phẩm dùng gần đây hoặc ngừng sử dụng gần đây.
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả để giữ gìn sức khỏe nhằm cải thiện, nâng cao quá trình đào thải độc tố. 
  • Ngừng sử dụng mỹ phẩm cho đến khi phục hồi da.
  • Chăm sóc da mặt bằng các loại mặt nạ tự nhiên như mặt nạ lòng trắng trứng gà, mặt nạ sữa chua,... 

Trường hợp phản ứng chậm

Nếu da phản ứng chậm, da bạn rất dễ “nghiện” kem trộn, vì vậy không nên ngừng dùng kem đột ngột mà bạn nên làm theo các bước sau: 

Cai nghiện kem 

Dừng đột ngột sẽ gây ra các phản ứng dị ứng trên da như nổi mụn, mẩn đỏ, khô da, bong tróc,… Do đó hãy tập cho da thói quen không dùng kem này, nếu trước đây dùng kem trộn hằng ngày thì bây giờ chỉ thoa kem 2 lần / ngày, sau đó tăng khoảng cách các ngày và giảm lượng kem sử dụng. Quá trình cai nghiện kem tỷ lệ thuận với thời gian dùng. Nghĩa là bạn dùng càng lâu thì thời gian cai nghiện kem trộn càng lâu. Nếu thời gian này da không có dấu hiệu xấu đi hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ thì tiếp tục giãn cách ngày dùng rồi ngừng hẳn.

Thải độc cho da

Bên cạnh giảm tần suất sử dụng kem trộn thì còn phải thực hiện thải độc cho da. Vì sau khi sử dụng lâu dài, chất độc đã ngấm sâu vào da. Có thể giải độc bằng xông hơi hoặc bằng các loại thảo dược có tác dụng giải độc như trà hoa cúc vàng, diếp cá, rau má, trà xanh. Ngoài ra, bạn cần giữ cho lỗ chân lông luôn thông thoáng.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị dị ứng kem trộn. Do đó, cần xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, những loại rau củ quả chứa nhiều vitamin C để thúc đẩy quá trình tái tạo da, đồng thời có thể cung cấp dinh dưỡng và làm dịu da bằng cách đắp mặt nạ tự nhiên.

Đối với trường hợp dị ứng nặng

Nếu trên da bạn nổi nhiều mụn sưng viêm, da khô, bong tróc, nhăn nheo, sưng tấy, cảm giác đau rát khó chịu,… thì tốt nhất bạn không nên tự ý điều trị tại nhà. Cách tốt nhất lúc này là nhanh chóng đi khám ​​bác sĩ da liễu để kiểm tra và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Cách phòng ngừa và lưu ý khi sử dụng kem trộn

Lưu ý khi sử dụng

Để tình trạng dị ứng kem trộn không trở nên nặng hơn, bạn cần lưu ý những điều sau khi bị dị ứng: 

  • Trong thời gian da bị dị ứng, không được sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào khác vì dễ khiến da bị bít lỗ chân lông, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình thải độc tố cho da. 
  • Không sử dụng bừa bãi các loại thuốc điều trị dị ứng, kể cả thuốc uống và thuốc bôi.
  • Nhiều trường hợp bị dị ứng nặng không phải do kem trộn mà do sử dụng thuốc điều trị không phù hợp. 
  • Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, bia rượu, chất kích thích, cà phê,… Khi rửa mặt lưu ý không chà xát mạnh để tránh làm tổn thương da. 
  • Không gãi, nặn mụn, lột mụn khi da bị dị ứng. 
Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị dị ứng mỹ phẩm kem trộn và cách xử lý 3 Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống hoặc bôi theo mức độ dị ứng

Phòng ngừa

Để phòng ngừa tổn thương do kem trộn gây ra.

  • Hãy chọn những sản phẩm có thành phần, tác dụng và hạn sử dụng rõ ràng. Thông tin về nhà sản xuất rõ ràng, bạn nên chọn những thương hiệu uy tín và sản phẩm đã được kiểm duyệt an toàn. 
  • Mua sản phẩm tại các cửa hàng mỹ phẩm nổi tiếng và trung tâm mua sắm. 
  • Nên kiểm tra sản phẩm có gây dị ứng không bằng cách thoa kem lên da tay trong vòng 2 - 3 ngày trước khi sử dụng lên mặt.
  • Bảo quản sản phẩm nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, ẩm ướt làm thay đổi công dụng.

Những cách xử lý đơn giản khi dị ứng mỹ phẩm kem trộn được chia sẻ ở trên chỉ là bước cấp cứu nhanh cho da bị kích ứng. Để xác định chính xác mức độ dị ứng, nhiễm độc của kem trộn và có hướng điều trị phù hợp, bạn nên đến bệnh viện da liễu để thăm khám và được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin