Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hôn mê là gì? Nguyên nhân gây hôn mê thường gặp

Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hôn mê là gì? Đây là tình trạng sức khỏe báo hiệu sự tổn thương hệ thống thần kinh. Vậy nguyên nhân nào gây hôn mê hay tiên lượng tình trạng này như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về thuật ngữ “hôn mê” nhé!

Hiện nay, thuật ngữ hôn mê được sử dụng khá phổ biến tuy nhiên bạn có thực sự hiểu rõ hôn mê là gì? Đây là trạng thái bất tỉnh trong thời gian dài, người bệnh sẽ nằm bất động, không còn phản ứng với kích thích từ bên ngoài như đụng chạm hay giọng nói. Có nhiều nguyên nhân gây hôn mê nhưng dù là căn nguyên gì thì cũng cần được xử trí chuyên nghiệp và kịp thời.

Hôn mê là gì?

Trạng thái ý thức của con người bình thường được hình thành từ hai thành phần chính là khả năng nhận thức và trạng thái thức tỉnh. Khả năng nhận thức đại diện cho khả năng của con người trong việc nhận biết, hiểu biết một cách toàn diện về bản thân và môi trường xung quanh.

Đây là kết quả của hoạt động thần kinh cao cấp, một quá trình tích hợp với xử lý thông tin từ các nguồn kích thích đến từ cảm giác và giác quan, được thực hiện trên vỏ đại não.

Ngược lại, trạng thái thức tỉnh là kết quả của các phản ứng thần kinh sơ khai, là hoạt động của các cấu trúc thần kinh dạng lưới trong não, nơi tập hợp của hầu hết các bó sợi thần kinh cùng nhân thần kinh.

Vậy hôn mê là gì? Khi hai thành phần kể trên bị tổn thương, con người có thể rơi vào trạng thái suy giảm nhận thức. Giai đoạn này khi tiến triển nặng hơn được gọi là hôn mê. Hôn mê luôn được coi là một trạng thái khẩn cấp, cần thực hiện các cuộc thăm khám cẩn thận kết hợp các xét nghiệm phù hợp để tìm ra nguyên nhân, đánh giá diễn tiến và dự đoán tiên lượng cho bệnh nhân hôn mê.

Hôn mê là gì? Nguyên nhân gây hôn mê thường gặp 1
Hôn mê là gì?

Phân loại mức độ hôn mê

Hôn mê là gì? Hôn mê là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, khiến cho bệnh nhân không thể tỉnh táo, đồng thời đối diện với nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng hôn mê, chuyên gia y khoa thường sử dụng thang điểm Glasgow (GCS), một công cụ quan trọng cũng như là tiêu chuẩn đánh giá trong lĩnh vực y tế.

Thang điểm Glasgow (GCS) là một phương pháp đánh giá được sử dụng để đo lường mức độ hôn mê dựa trên các chỉ số cụ thể như khả năng mở mắt, di chuyển và lời nói của bệnh nhân. Thang điểm này gồm ba hạng mục chính, mỗi hạng mục được đánh giá dựa trên một thang điểm cụ thể, từ đó tổng điểm cuối cùng phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng hôn mê.

Cụ thể, các hạng mục và điểm số tương ứng của thang điểm Glasgow như sau:

Mở mắt (Eye Opening):

  • 4 điểm: Mở mắt tự nhiên;
  • 3 điểm: Phản ứng với kích thích giọng nói;
  • 2 điểm: Phản ứng với kích thích cơ thể;
  • 1 điểm: Không mở mắt.

Điểm chuyển động (Motor Response):

  • 6 điểm: Phản ứng đúng, di chuyển theo chỉ dẫn;
  • 5 điểm: Phản ứng khi gây đau;
  • 4 điểm: Co chi, cử động không tự chủ;
  • 3 điểm: Co cứng mất vỏ;
  • 2 điểm: Duỗi cứng mất vỏ;
  • 1 điểm: Không có phản ứng.

Phản ứng từ (Verbal Response):

  • 5 điểm: Nói rõ ràng và đúng;
  • 4 điểm: Nói không rõ ràng;
  • 3 điểm: Nói từ đơn giản hoặc bất kỳ âm thanh nào;
  • 2 điểm: Phản ứng âm thanh nhưng không rõ từ;
  • 1 điểm: Không phản ứng.

Tổng điểm của thang điểm Glasgow nằm trong khoảng từ 3 đến 15 điểm. Dựa vào tổng điểm này, mức độ nghiêm trọng của tình trạng hôn mê được phân loại như sau:

  • Mức độ nặng: Điểm số dưới 8;
  • Mức độ trung bình: Điểm số từ 9 đến 12;
  • Mức độ nhẹ: Điểm số từ 13 đến 15.

Việc phân loại mức độ hôn mê dựa trên thang điểm Glasgow giúp cho các chuyên gia y tế có cái nhìn tổng quan, đồng thời đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó đưa ra các quyết định điều trị phù hợp, kịp thời.

Hôn mê là gì? Nguyên nhân gây hôn mê thường gặp 2
Hôn mê là tình trạng cần được xử trí kịp thời và đánh giá sớm

Căn nguyên gây tình trạng hôn mê

Ngoài thắc mắc về việc hôn mê là gì, nhiều người cũng quan tâm về căn nguyên gây ra hiện tượng này. Hôn mê là một trạng thái nguy hiểm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chấn thương não đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý khác nhau.

Hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này cực kỳ quan trọng để có thể đưa ra các biện pháp điều trị hiệu quả. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hôn mê, bao gồm:

  • Chấn thương sọ não: Chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng hôn mê. Hôn mê thường xảy ra sau tai nạn giao thông hoặc các hành vi bạo lực. Các cú va chạm mạnh gây ra sự tổn thương đáng kể cho não, dẫn đến tình trạng mất ý thức.
  • Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi lượng máu đến não giảm hoặc bị chặn, khiến chức năng não bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này có thể xảy ra do tắc nghẽn động mạch hoặc vỡ mạch máu cung cấp máu cho não.
  • Khối u não: Sự hiện diện của khối u trong não hoặc thân não có thể gây áp lực trên các cấu trúc não, dẫn đến tình trạng hôn mê.
  • Bệnh tiểu đường: Các biến chứng mạn tính, cấp tính do bệnh tiểu đường có thể gây ra tình trạng hôn mê. Mức đường trong máu quá cao hay quá thấp đều dễ làm suy giảm chức năng não, gây hôn mê. Tuy nhiên, người bệnh có thể phục hồi nếu được điều chỉnh lượng đường trong máu.
Hôn mê là gì? Nguyên nhân gây hôn mê thường gặp 3
Chấn thương sọ não là một trong những nguyên nhân thường gặp gây hôn mê
  • Thiếu oxy: Thiếu hụt oxy trong máu có thể xảy ra khi bị đuối nước hoặc có cơn đau tim nặng. Sự thiếu hụt kéo dài dễ gây ra tổn thương não, dẫn đến hôn mê.
  • Co giật: Mặc dù hiếm khi gây ra hôn mê nhưng các cơn co giật liên tục có thể dẫn đến tình trạng hôn mê kéo dài.
  • Độc tố: Tiếp xúc với các chất độc như carbon dioxide, chì hoặc các chất độc hại khác có thể dẫn đến hôn mê.
  • Sử dụng các chất kích thích: Sử dụng quá liều ma túy, rượu có thể gây hôn mê.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng nặng trong hệ thần kinh trung ương hoặc các mô xung quanh não cũng có thể gây ra tình trạng hôn mê.

Trong tất cả các trường hợp, việc nhận biết để xử lý nguyên nhân gốc rễ gây ra hôn mê là điều hết sức quan trọng, giúp đưa ra phương án điều trị hiệu quả từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Tiên lượng bệnh nhân sau hôn mê

Sau mỗi trường hợp hôn mê, tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nguyên nhân dẫn đến hôn mê, diễn biến sức khỏe và mức độ suy giảm ý thức của bệnh nhân. Mặc dù tiên lượng thường xấu đi theo thời gian nếu bệnh nhân hôn mê kéo dài nhưng vẫn có trường hợp bệnh nhân có thể tỉnh lại và phục hồi.

Các dấu hiệu sau hôn mê được coi là yếu tố thuận lợi v cho thấy tiên lượng tốt bao gồm:

  • Có thể nói lại được sớm (kể cả khi nói không thể hiểu được): Khả năng phục hồi chức năng ngôn ngữ là một dấu hiệu tích cực cho thấy bệnh nhân đang có sự cải thiện trong việc khôi phục chức năng não bộ.
  • Có các cử động mắt tự phát nhìn theo đồ vật: Sự tự phát của các cử động mắt như nhìn theo đồ vật là một dấu hiệu rõ ràng về sự tỉnh táo cũng như sự phục hồi của chức năng thị giác.
  • Trương lực cơ khi nghỉ bình thường: Trương lực cơ khi nghỉ bình thường là một dấu hiệu quan trọng cho thấy bệnh nhân đã có sự cải thiện trong khả năng điều khiển cơ bắp, dự đoán khả năng tỉnh táo.
  • Có khả năng làm theo yêu cầu: Khả năng thực hiện các hành động theo yêu cầu của người chăm sóc là một dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có khả năng phục hồi chức năng thần kinh.

Tuy nhiên, việc đưa ra dự đoán về tiên lượng của mỗi trường hợp sau hôn mê vẫn cần được xem xét cẩn thận, đánh giá đa chiều bởi các chuyên gia y tế. Mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng tiên lượng cụ thể của mỗi bệnh nhân vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cần được theo dõi và đánh giá thường xuyên.

Tình trạng hôn mê là gì? Phân độ hôn mê theo thang điểm Glasgow mà bạn nên biết 4
Người bệnh hôn mê cần được chăm sóc và đánh giá thường xuyên

Thông qua bài viết trên, hẳn bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc về tình trạng hôn mê là gì. Mong rằng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về chủ đề này, nhất là các nguyên nhân phổ biến gây hôn mê cùng cách đánh giá, tiên lượng tình trạng hôn mê theo cấp độ nặng tới nhẹ.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm