Mề đay là bệnh lý da liễu phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 20% dân số ở mọi độ tuổi và giới tính. Mề đay do giun sán thường khó phát hiện, bệnh kéo dài nhiều tuần với các triệu chứng mệt mỏi suy nhược cơ thể.
Vì sao mề đay mẩn ngứa hay xuất hiện ở người nhiễm giun sán?
Mề đay giun sán là hiện tượng da dị ứng nổi mẩn ngứa có màu hồng hoặc đỏ do nhiễm giun sán từ môi trường bên ngoài. Có nhiều loại ký sinh trùng có thể gây mề đay, nhưng phổ biến nhất là giun sán lạc chủ.
Trên thực tế, trong các loại thức ăn, đồ uống không được nấu chín hoặc không đảm bảo vệ sinh tồn tại nhiều loại giun sán như giun kim, giun móc, sán chó,… Bên cạnh đó, ký sinh trùng cũng có thể sống trên cơ thể của các loại vật nuôi như chó, mèo. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, ký sinh trùng dễ lây qua người thông qua đường ăn uống hoặc có thể xâm nhập qua da.
Nguyên nhân dẫn đến mề đay giun sán thường là do ấu trùng lạc chỗ. Đây là tình trạng ký sinh trùng không nằm trong ống tiêu hóa mà di chuyển đến dưới da hay phủ tạng. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ sản sinh chất đề kháng để chống lại ký sinh trùng do nhận định chúng là “dị nguyên”. Quá trình này giải phóng lượng lớn histamin gây sưng phù mao mạch dưới da dẫn đến viêm đỏ, phát ban, ngứa ngáy và khó chịu.
Ngay cả khi giun sán nằm trong ống tiêu hóa hoàn toàn nhưng việc nhiễm giun sán lâu ngày cũng khiến mề đay xuất hiện. Sinh sôi và phát triển bằng cách hút dưỡng chất từ vật chủ là đặc tính chung của các loại ký sinh trùng. Do đó, cơ thể nhiễm giun lâu ngày dễ bị suy nhược, hệ miễn dịch suy giảm và gây bùng phát mề đay.
Mặt khác, một số loại giun sán như giun kim, giun móc… còn có thể tiết ra độc tố gây ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu cho người mắc. Đặc biệt, với những người có cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch sẽ có phản ứng đối kháng với độc tố từ giun, sán bằng cách kích thích giải phóng histamin và sản sinh IgE.
Nổi mề đay giun sán thường là do ấu trùng lạc chỗ
Dấu hiệu nhận biết mề đay giun sán
Mề đay do nhiễm giun sán thường có những đặc tính riêng đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa và một số dấu hiệu toàn thân.
Biểu hiện ngoài da
Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua một số biểu hiện ngoài da như:
-
Bề mặt da nổi ban đỏ, tiếp đến là sự xuất hiện các đốm sần hoặc mảng nổi cộm.
-
Các vết mẩn đỏ trên da thường gây nóng rát nhẹ hoặc ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội. Các vùng da bị ảnh hưởng chủ yếu là lưng, bụng và cổ. Sau đó lan dần lên vùng mặt và tứ chi.
-
Nếu có ma sát với quần áo, cào gãi thường xuyên hoặc khi nhiệt độ tăng cao thì mức độ ngứa tăng lên đáng kể.
-
Nếu mề đay xảy ra do nhiễm giun kim, quá trình giun bài tiết độc tố và đẻ trứng sẽ khiến vùng da nổi sần và cả hậu môn ngứa nhiều vào ban đêm.
-
Nhiễm giun sán lâu ngày còn gây tình trạng thiếu máu khiến da toàn thân nhợt nhạt.
-
Một số trường hợp có thể quan sát thấy bằng mắt thường tình trạng giun sán nằm bên dưới da.
Biểu hiện nhận biết của mề day giun sán thường thể hiện ngoài da hay qua triệu chứng tiêu hóa
Triệu chứng tiêu hóa
Đa phần các loại giun sán lây chủ yếu thông qua đường ăn uống và phát triển trong ống tiêu hóa. Do đó, bạn cũng có thể xác định nổi mề đay giun sán thông qua một số triệu chứng tiêu hóa như:
-
Ăn uống không ngon.
-
Cảm thấy đói thường xuyên hoặc không có cảm giác thèm ăn.
-
Đầy hơi.
-
Tiêu chảy.
-
Táo bón không rõ nguyên do dù uống đủ nước và bổ sung nhiều rau xanh.
-
Đau bụng, đặc biệt cơn đau thường tập trung ở vùng rốn.
Dấu hiệu toàn thân
Giun sán là loài sống nhờ vào dưỡng chất và máu trong cơ thể. Do đó nếu nhiễm giun sán lâu ngày, nổi mề đay thường kèm theo một số dấu hiệu toàn thân như:
-
Sụt cân không rõ nguyên nhân.
-
Thường xuyên mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
-
Hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ.
-
Trẻ em thường bị suy dinh dưỡng, còi cọc.
Sụt cân, giảm trí nhớ cũng là biểu hiện khi bị mề đay do giun sán
Mề đay giun sán có nguy hiểm không?
Nổi mề đay là phản ứng thường thấy của da khi cơ thể bị dị ứng. Đa phần các trường hợp không cần điều trị vẫn sẽ thuyên giảm nhanh chóng và hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, bứt rứt khi bị mề đay giun sán gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.
Khi tồn tại lâu dài trong cơ thể, giun sán có thể phát triển mạnh hút toàn bộ chất dinh dưỡng trong ống tiêu hóa khiến cơ thể sụt cân, còi cọc, suy nhược. Số lượng giun sán sinh sản quá nhiều còn có thể gây tắc ruột.
Ở thể nặng hơn thường gặp ở mề đay mãn tính khiến bệnh nhân dễ tái lại. Ngoài ra, ấu trùng giun có thể luân chuyển trong máu, dưới da và mô mềm hình thành những khối u di chuyển. Khối u này sau đó chuyển thành các nốt nhỏ hoặc một khối phù nề tấn công lên hệ thần kinh trung ương như làm rối loạn tri giác, giảm thị lực, liệt nửa người, hôn mê.
Ngoài ra, ấu trùng còn có thể di chuyển vào nội tạng như gan, phổi, gây đau bụng, khó thở, ho, đau ngực. Nếu chúng di chuyển vào hốc mũi, hốc tai sẽ gây ra hiện tượng viêm mũi, nhức tai.
Mề đay cấp tính do giun sán không nguy hiểm nhưng bạn để nhiễm giun lâu ngày thì ngược lại
Điều trị bệnh nổi mề đay giun sán như thế nào?
Nếu nghi ngờ mình bị nổi mề đay giun sán, bạn hãy tìm ngay đến bệnh viện để được xét nghiệm, chẩn đoán, tránh để tình trạng bệnh kéo dài. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp thuốc diệt ấu trùng giun sán trong cơ thể và thuốc chống dị ứng trong điều trị. Những loại thuốc này sẽ tiêu diệt giun sán đào thải chúng ra ngoài và giúp người bị nổi mề đay có thể bớt ngứa, bớt sưng phù.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể sử dụng các loại kem bôi đặc trị hoặc các liệu pháp dân gian giúp giảm ngay triệu chứng sưng ngứa khó chịu đơn giản mà vô cùng hiệu quả.
Giun sán gây ngứa da là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, ký sinh trùng có thể đã xâm nhập sâu vào cơ thể. Bản chất của bệnh nổi mề đay giun sán liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Để tránh tình trạng bệnh phát tác và kéo dài, người bệnh nên chú ý đến việc vệ sinh cơ thể cũng như môi trường sống. Đồng thời, hãy lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và ăn chín uống sôi để bảo vệ cơ thể.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp