Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi: Cơ chế lây nhiễm và cách phòng ngừa

Ngày 17/11/2024
Kích thước chữ

Nuôi thú cưng là sở thích của nhiều người hiện nay. Thế nhưng, rất ít người biết rằng việc tiếp xúc với vật nuôi có thể là con đường lây nhiễm ký sinh trùng. Các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng ở não, gan, phổi và mắt.

Các loại vật nuôi như chó, mèo, gà, lợn, trâu, bò,... đã rất quen thuộc và là những người bạn đồng hành thân thiết của con người, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Ngày nay, xu hướng nuôi thú cưng ngày càng trở nên phổ biến và trở thành trào lưu của nhiều người, nhiều gia đình.

Ngoài những mặt tích cực, nuôi thú cưng trong nhà lại có thể là nguồn lây nhiễm ký sinh trùng gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe nếu không biết cách phòng tránh.. Việc tiếp xúc quá gần gũi với thú cưng, vật nuôi chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm ký sinh trùng gia tăng những năm gần đây. Hãy cùng tìm hiểu những bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi thường gặp và cách phòng ngừa hiệu quả trong bài viết dưới đây.

Vài nét về ký sinh trùng ở vật nuôi

Ký sinh trùng là những sinh vật phải sống nhờ vào sinh vật sống khác gọi là ký chủ để có thể tồn tại. Ký chủ có thể là thực vật, động vật hay con người. Ký sinh trùng sống phụ thuộc hoàn toàn vào ký chủ, chúng lấy nguồn dinh dưỡng từ ký chủ để phát triển và sinh sôi. Dù không giết chết ký chủ nhưng chúng có thể lây lan bệnh tật cho ký chủ.

Các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi: Cơ chế lây nhiễm và cách phòng ngừa 1
Ký sinh trùng ở vật nuôi lây nhiễm cho người và gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe

Ký sinh trùng thường có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với ký chủ nhưng khả năng sinh sản nhanh hơn. Có rất nhiều dạng ký sinh như ký sinh nội sinh, ký sinh ngoại sinh, ký sinh trên hoặc dưới da, ký sinh hoàn toàn hoặc không hoàn toàn,…

Trong những năm gần đây, số lượng người mắc ký sinh trùng có xu hướng gia tăng do xu hướng nuôi thú cưng, vật nuôi trong nhà. Việt nuôi thú cưng có thể mang lại niềm vui nhưng cũng có thể là mầm bệnh bởi thói quen ôm ấp, cho thú cưng lên giường ngủ.

Người bị lây nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, mẩn ngứa, nôn, sốt,... Đặc biệt, nếu không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như:

  • Tổn thương nội tạng: Tắc ruột, tắc mật, sỏi mật, viêm loét đường tiêu hóa,...
  • Tổn thương mắt: Sẹo mắt, giảm thị lực, mù lòa.
  • Tổn thương não: Chèn ép dây thần kinh, đau đầu, co giật, động kinh, hôn mê,...

Các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi thường gặp

Nuôi thú cưng trong nhà đồng nghĩa với việc bạn phải "nuôi" cả những loại ký sinh trùng trên cơ thể chúng. Việc thường xuyên tiếp xúc, ôm ấp, hôn hít thú cưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Dưới đây là các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi có thể lây sang người cần lưu ý.

Nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo

Nhiễm giun là bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi thường gặp nhất. Chúng ta có thể bị lây nhiễm giun móc, giun đũa từ vật nuôi (chó, mèo) nếu thường xuyên tiếp xúc với đất, cát ô nhiễm bởi phân chó, mèo có ấu trùng. Thông qua việc tiếp xúc, ấu trùng giun móc dễ dàng đi qua da và xâm nhập cơ thể. Ngoài ra, chúng ta có thể lây nhiễm do ăn hoặc uống phải trứng giun đũa. Ấu trùng giun tồn tại vài tuần hoặc hàng tháng nên tỷ lệ mắc bệnh là rất lớn.

Các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi: Cơ chế lây nhiễm và cách phòng ngừa 2
Mẩn đỏ, ngứa do nhiễm giun sán từ chó, mèo

Bệnh sán chó, mèo

Sán là loại ký sinh trùng trong ruột non của vật nuôi như chó, mèo. Các đốt sán già thường theo phân hoặc bò ra ngoài qua đường hậu môn. Lúc này, trứng sán sẽ phát tán ra bên ngoài và bám vào vùng lông hoặc da quanh hậu môn.

Sán chó có thể xâm nhập vào cơ thể con người khi vô tình nuốt phải trứng sán trong lúc chơi đùa với vật nuôi hoặc khi hôn hít chúng. Khi vào cơ thể người, trứng sán sẽ phát triển thành nang sán. Khi các nang sán này vỡ ra, hàng triệu đầu sán non sẽ di chuyển đến khắp các cơ quan trong trong cơ thể qua đường máu.

Bệnh nấm da

Ngoài các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi từ giun sán, các bệnh về nấm da cũng rất phổ biến. Khi các vật nuôi bị nhiễm bệnh, vi nấm có thể lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp hay khi chăm sóc chải lông cho chúng. Người bị nhiễm bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi thường bị ngứa, nổi mẩn đỏ.

Bệnh do nhiễm trùng bào tử

Trùng bào tử là bệnh ký sinh trùng máu thường gặp ở vật nuôi như mèo. Người nuôi mèo có thể bị nhiễm trùng bào tử do nuốt trứng nang. Bệnh do trùng bào tử thường gây ra các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, nổi hạch.

Cách phòng ngừa lây bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi

Để tránh các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi lây sang người, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Đối với vật nuôi: Tẩy giun sán và thường xuyên tắm sạch sẽ cho chó, mèo để giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng sang người.
  • Đối với người nuôi: Thường xuyên vệ sinh không gian nhà ở, khu vực vui chơi của trẻ em để loại bỏ trứng, ấu trùng giun sán. Đồng thời vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hạn chế ăn rau sống.
Các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi: Cơ chế lây nhiễm và cách phòng ngừa 3
Tẩy giun định kỳ là một trong những cách phòng bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi

Tóm lại, nuôi thú cưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng ở vật nuôi. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những căn bệnh do ký sinh trùng này, từ đó có thêm thông tin để quyết định có nên nuôi thú cưng trong nhà không nhé. Trường hợp đã nuôi thú cưng và đang nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng ở vật nuôi, bạn hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin