Gai cột sống thoát vị đĩa đệm là bệnh thường gặp ở khá nhiều người lớn tuổi. Bệnh gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày đồng thời lại ẩn chứa nhiều nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Dấu hiệu nhận biết và điều trị bệnh như thế nào?
Bệnh gai cột sống thoát vị đĩa đệm
Bệnh gai cột sống thoát vị đĩa đệm là do cột sống bị thoái hóa, xương (gai xương) trên thân đốt sống, đĩa sụn và dây chằng quanh khớp mọc thêm ra. Gai xương là để chỉ các mỏm xương lồi ra ở các khớp. Thông thường, gai thường mọc ở mặt trước và mặt bên của cột sống, nhất là ở thắt lưng và đốt sống cổ tại vị trí đĩa đệm bị lệch hay thoái hóa.
Gai cột sống thoát vị đĩa đệm là bệnh khá phổ biến hiện nay.
Dấu hiệu nhận biết gai cột sống thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm bị thoái hóa, bị lệch, lồi hay xẹp là nguyên nhân dẫn tới sự hình thành của gai xương. Thời gian đầu khi gai xương bắt đầu phát triển, bệnh nhân thường không phát hiện được do bệnh không hề có dấu hiệu cụ thể hay triệu chứng điển hình nào.
Khi gai xương phát triển lớn, cọ xát với xương hay rễ thần kinh, dây chằng xung quanh thì người bệnh mới phát hiện được do có các cơn đau.
Những dấu hiệu điển hình của gai cột sống thoát vị đĩa đệm bao gồm:
-
Các cơn đau xuất hiện thường xuyên, đặc biệt là ở cổ, thắt lưng và đau hơn khi đứng hoặc đi do dây chằng, rễ thần kinh chuyển động;
-
Một số bệnh nhân khi bệnh nặng hơn thường đau tê ở cổ và lan xuống tay, dọc xuống hai chân;
-
Các cơn đau trở nên dữ dội và nghiêm trọng hơn khi người bệnh đi lại hoặc vận động. Nếu nằm hay ngồi yên thì các cơn đau sẽ giảm đi do các mỏm xương được giữ nguyên vị trí, không cọ xát vào phần mềm, dây thần kinh và dây chằng.
Tuy nhiên, để biết chính xác được bản thân có bị gai cột sống thoát vị đĩa đệm hay không, phương pháp nhanh chóng nhất chính là chụp X-quang bởi thực tế, các dấu hiệu trên rất có thể là biểu hiện của bệnh xương khớp.
Chụp X-quang để phát hiện ra bệnh chính xác nhất.
Điều trị gai cột sống thoát vị đĩa đệm
Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh gai cột sống thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân có thể kham khảo, lựa chọn 1 phương pháp hoặc kết hợp điều trị bằng nhiều phương pháp. Tùy mức độ, tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Dùng thuốc:
Thực tế, việc dùng thuốc không trị khỏi bệnh gai cột sống thoát vị đĩa đệm mà chỉ có tác dụng làm giảm các cơn đau do gai gây ra và giãn cơ, giúp cơn đau được cải thiện. Các thuốc phổ biến được dùng bao gồm thuốc giảm đau (paracetamol, celecoxib, melociam), thuốc giãn cơ (eperison), các loại vitamin nhóm B…
Các loại thuốc giảm đau được dùng cho bệnh nhân.
Phẫu thuật:
Phẫu thuật cắt bỏ gai, thay thế đĩa đệm nhân tạo, đưa đĩa đệm vào vị trí vốn có là phương pháp điều trị cuối cùng nếu các phương pháp khác không làm người bệnh dễ chịu hơn. Cắt gai, thay đĩa đệm là loại phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro do cột sống chứa nhiều dây thần kinh quan trọng của cơ thể.
Phương pháp này thường chỉ được sử dụng khi người bệnh bị tê chân tay, rối loạn đại tiểu tiện, các cơn đau dữ dội và nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp điều trị triệt để do gai vẫn có thể mọc lại sau khi cắt.
Vật lý trị liệu, thay đổi thói quen sinh hoạt:
Châm cứu là phương pháp vật lý trị liệu được nhiều người lựa chọn điều trị bệnh gai cột sống thoát vị đĩa đệm có tác dụng làm giảm đau đáng kể. Châm cứu thường được kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt, luyện tập xương khớp, tập yoga… nhằm làm giảm tác động của gai lên các dây thần kinh.
Đối với người bị gai cột sống thoát vị đĩa đệm, thói quen sinh hoạt, lao động có ảnh hưởng trực tiếp tới việc điều trị và giảm các cơn đau do gai gây ra. Bệnh nhân nên hạn chế đi lại, vận động, không làm việc nặng, nằm ngửa, ngồi thấp, không nên nằm võng hay đệm mềm.
Gai cột sống thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến nhưng việc điều trị lại khó khăn, phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất bạn hãy lưu ý đến thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi, lao động vừa sức để không mắc bệnh.
Nguyễn Hồng