Dùng cây phèn đen trị gai cột sống có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau nhức, viêm nhiễm do bệnh gây ra. Vậy tại sao có thể dùng phèn đen để chữa gai cột sống? Làm thế nào để thực hiện phương thuốc này? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này.
Cây phèn đen còn được biết đến có tính mát và vị chát. Phèn đen là cây thuốc được sử dụng làm thuốc để chữa nhiều bệnh khác nhau trong đó có bệnh gai cột sống. Vậy cây phèn đen trị gai cột sống có hiệu quả không?
Cây phèn đen là cây gì?
Cây phèn đen có tên khoa học là Phyllanthus Reticulatus. Phèn đen là cây thuốc quý mọc hoang ở nhiều nơi gần rừng, đồng ruộng. Một số đặc điểm của phèn đen bao gồm:
Thân cây cao từ 2 đến 4m, cành mọc xen kẽ, có màu đen nhạt.
Lá phèn đen rất mỏng, dài khoảng 1.5 - 3cm, rộng khoảng 5 - 12mm, lá hình bầu dục, hình tam giác hẹp và có thể thay đổi hình dạng tùy theo mùa. Mặt trên của lá có màu xanh đậm hơn mặt dưới.
Hoa phèn đen mọc ở nách lá và có thể mọc đơn lẻ hoặc thành chùm 2 - 3 hoa. Hoa phèn đen nhỏ, màu trắng, trên cánh hoa có sọc dọc màu vàng.
Quả phèn đen có hình cầu, màu trắng, mọng nước, chuyển dần sang màu đỏ hồng nhạt và khi chín sẽ chuyển sang màu đen. Cây ra hoa và kết quả hàng năm từ tháng 8 đến tháng 10.
Trong y học cổ truyền, phèn đen thường được dùng để chữa bệnh. Ngoài công dụng làm thuốc, phèn đen có hình dáng rất đẹp nên còn dùng để làm cây cảnh. Phèn đen là loại cây nhiệt đới thích sống ở môi trường nhiều ánh sáng và có thể thích nghi với nhiều địa hình khác nhau, kể cả những nơi có khí hậu ấm áp. Ở Việt Nam, phèn đen thường mọc ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh,... Cây mọc hoang ở các bụi rậm ven đường, ven rừng.
Tại sao cây phèn đen có thể trị gai cột sống?
Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu về tác dụng chống viêm và giảm đau của cây phèn đen vì cây có chứa chất flavonoid. Ngoài ra còn giúp hạn chế sự phát triển của gai xương. Chất saponin trong loại cây này rất tốt cho xương. Các chất tannin, alkaloid, phenol, betulin, vitamin A, E, K,… có trong phèn đen còn có tác dụng giảm viêm và loại bỏ vi khuẩn. Vì chứa nhiều hoạt chất có lợi nên phèn đen còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Để dùng cây phèn đen để chữa bệnh, bạn có thể dùng lá, rễ hoặc vỏ cây. Sau khi thu hoạch, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ và phơi khô. Sau đó cho vào hũ thủy tinh bảo quản dùng dần. Dưới đây là cách dùng cây phèn đen trị gai cột sống:
Nguyên liệu:
30g cây phèn đen khô;
30g lá lốt;
20g cây cỏ xước;
20g lá bưởi bung;
10g rễ gấc.
Cách làm:
Lấy tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị và rửa sạch.
Lấy lá bưởi, rễ gấc, lá lốt, cỏ xước đem sao vàng.
Khi thấy dược liệu có màu vàng thì cho vào ấm đun sôi với khoảng 2 lít nước. Bạn cần đun lửa nhỏ khoảng 2 tiếng rồi tắt bếp.
Chia lượng thuốc thu được thành 3 phần bằng nhau và sử dụng hết trong ngày. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, bạn nên uống sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút để các dược tính được cơ thể hấp thụ dễ dàng.
Tác dụng của cây phèn đen
Bên cạnh cây phèn đen trị gai cột sống thì tác dụng chữa bệnh của cây phèn đen là gì? Trong y học cổ truyền, cây phèn được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Một số tài liệu Đông y đã ghi nhận công dụng của phèn đen chữa bệnh như:
Rễ phèn đen có tính lạnh, vị chát, được dùng chữa các bệnh viêm nhiễm, tiêu chảy, kiết lỵ, chữa đờm, viêm ruột, viêm thận, viêm gan,...
Lá phèn đen có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giúp đào thải độc tố, sát trùng và dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, nổi mề đay, ứ máu, phù thũng, kiết lỵ, tiêu chảy, rắn cắn, sốt,...
Vỏ thân phèn đen được dùng chữa bệnh thủy đậu ở giai đoạn mủ, bí tiểu,…
Toàn thân phèn đen dùng chữa đau dây thần kinh do axit, thoái hóa đốt sống, thấp khớp, viêm khớp và tê chân tay,…
Ngoài ra, bột lá phèn đen còn có tác dụng cầm máu và tái tạo làn da tươi trẻ, giúp phục hồi vết thương hở nhanh chóng. Vì vậy, khi bị thương, chỉ cần rắc một ít bột lá phèn đen lên vết thương trong vài ngày là vết thương sẽ nhanh lành. Có thể lấy lá phèn đen sấy khô và nghiền thành bột mịn để bảo quản và sử dụng dần.
Một số lưu ý khi dùng cây phèn đen trị gai cột sống
Điều trị gai cột sống bằng cây phèn đen được xem là phương pháp an toàn vì ít gây tác dụng phụ. Chính vì vậy cho đến nay đây là phương pháp điều trị được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, trong quá trình dùng cây phèn đen trị gai cột sống, bạn nên chú ý những điều sau:
Cần áp dụng bài thuốc một cách kiên trì, đều đặn và lâu dài mới thấy được hiệu quả.
Hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào cơ địa của từng người và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều này có nghĩa là không phải ai sử dụng phương pháp này cũng sẽ nhận được kết quả tốt. Vì vậy, bạn nên chú ý theo dõi tình trạng và thực hiện các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn nên ăn nhiều cá, rau tươi và các thực phẩm lành mạnh khác.
Tránh xa các chất kích thích, đồ ăn nóng, cay, béo,…
Bạn cần kiểm soát cân nặng của mình. Vì tăng cân sẽ làm tăng áp lực lên cột sống khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Bạn cần khám bệnh định kỳ để nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình và nhận hướng dẫn điều trị nếu cần thiết.
Thận trọng khi sử dụng cây phèn đen cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Cây phèn đen chứa độc tố nhẹ nên khi sử dụng lá phèn đen với lượng vừa phải có thể không gây hại cho cơ thể nhưng nếu dùng quá nhiều có thể dẫn đến ngộ độc. Vì vậy, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y để được tư vấn liều lượng phù hợp.
Người quá mẫn cảm hoặc dị ứng với các thành phần thảo dược dễ gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, hôn mê, buồn nôn,… nên đến ngay bệnh viện để điều trị và được cấp cứu kịp thời.
Trên đây là những công dụng và cách dùng cây phèn đen trị gai cột sống. Vì là phương pháp dân gian nên hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, tốt nhất bạn nên đi khám để bác sĩ tư vấn cách điều trị tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.