Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cả ở người trẻ. Ban đầu, người bệnh sẽ cảm thấy khớp bị mỏi khớp, vận động khó khăn, sau đó cảm giác đau dần xuất hiện, đặc biệt là khi leo lên-xuống cầu thang, mỗi khi trời lạnh. Thỉnh thoảng bệnh nhân còn nghe khớp gối phát ra âm thanh lụp cụp khi vận động. Lúc nào, người bệnh có thể massage cho khớp gối để giảm đau, giúp mạch máu lưu thông, mang lại cảm giác dễ chịu cho khớp gối.
Đau khớp gối là gì?
Trong số các khớp của cơ thể thì khớp gối là khớp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động sống của con người. Khớp gối đảm nhận nhiệm vụ chống đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể; đồng thời giữ vai trò thiết yếu trong mọi chuyển động như ngồi, đứng, chạy, đi bộ, nhảy...
Khi khớp gối bị đau là dấu hiệu cho thấy cơ thể chúng ta đang gặp phải vấn đề
Một khi chúng ta cảm nhận đau nhức vùng khớp gối chính là cảnh báo cơ thể có thể đã mắc phải bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp,… Bạn có thể bị đau ở mặt trước khớp gối, đau ở hai bên, mặt sau hoặc dọc theo đường khớp của đầu gối. Tình trạng này xảy ra khi phần sụn khớp bị bào mòn, thô ráp khiến khớp xương cọ xát với nhau dẫn đến đau đầu gối, sưng viêm khớp gối và cản trở quá trình vận động của chi dưới.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến khớp gối bị đau còn có thể do chấn thương rách sụn, rách dây chằng hoặc những thứ khác như các vấn đề về cơ.
Những triệu chứng chính dưới đây cảnh báo tình trạng thoái hóa khớp gối đang xảy đến với chúng ta:
-
Cơn đau vùng gối tăng lên khi vận động, chẳng hạn khi đi lại, hay khi đứng lên – ngồi xuống.
-
Hiện tượng cứng khớp, đặc biệt là buổi sáng sớm: Sáng ngủ dậy người già thấy khớp bị co cứng lại, co duỗi khó khăn hơn bình thường trong khoảng thời gian 30 phút. Phải xoa bóp và tập luyện gấp duỗi nhẹ nhàng một lúc thì tình trạng đau khớp gối này mới đỡ hơn.
-
Âm thanh lạo xạo trong khớp xuất hiện mỗi khi cử động, đứng lên - ngồi xuống, leo cầu thang.
-
Ở giai đoạn nặng hơn, vùng đầu gối có hiện tượng sưng tấy, nhiều trường hợp khớp gối bị biến dạng, gây hạn chế vận động.
Như đã nói ở trên, bất cứ dấu hiệu không bình thường nào mà bệnh nhân có thể cảm nhận được, nhìn thấy được đều cần được theo dõi và chữa trị kịp thời để tránh đưa đến những biến chứng nghiêm trọng.
Đau khớp gối massage là liệu pháp dễ thực hiện tại nhà
Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải khi bị đau khớp gối:
-
Đau nhức dai dẳng: Cơn đau xuất hiện, dần dần tần suất xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhức nhối hơn, dai dẳng hơn. Bệnh nhân lúc này không những bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống mà còn ảnh hưởng đến tâm lý…
-
Thoái hóa khớp gối thời gian dài sẽ khiến khớp và sụn bị xơ vữa, kéo theo tình trạng đầu gối bị sưng to, biến dạng.
-
Vận động, đi lại khó khăn, thậm chí đứng thẳng cũng khó và rất dễ bị ngã.
-
Teo cơ, liệt là tình trạng các cơ từ gối trở xuống dần có cảm giác yếu hơn, khi bệnh nhân đi lại sẽ cảm giác run chân, đi không vững. Thậm chí, người bệnh có thể rơi vào tình trạng liệt,…
Đau khớp gối massage có hết đau không?
Theo y học cổ truyền, để chữa đau khớp gối có thể áp dụng các biện pháp như sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, châm cứu. Bên cạnh đó, liệu pháp xoa bóp bấm huyệt, massage chữa đau khớp gối cũng rất đơn giản và hiệu quả để điều trị căn bệnh này.
Quan trọng hơn, massage chữa đau khớp gối có thể tự thực hiện tại nhà. Bệnh nhân cần đều đặn làm 2 lần mỗi ngày.
Dưới đây là một số động tác massage giúp chữa đau khớp gối tại nhà hiệu quả người bệnh có thể áp dụng ngay:
-
Xát khớp gối: Ngồi thẳng lưng trên giường cứng, hai chân duỗi thẳng về trước, sau đó dùng hai bàn tay ôm lấy hai bên khớp gối rồi xát đều từ trên xuống và ngược lại. Động tác này bạn thực hiện khoảng 20 lần, làm đều đặn mỗi ngày.
-
Day khớp gối: Ngồi trên giường, chân duỗi thẳng, hai bàn tay úp lên hai xương bánh chè rồi day tròn theo chiều kim đồng hồ khoảng 20 lần rồi day ngược chiều kim đồng hồ 20 lần.
-
Miết khớp gối: Ngồi sao cho cẳng chân vuông góc với đùi. Hai ngón cái đặt vào đầu gối (phía trước đầu gối), các ngón còn lại ấp vào khoeo (phía sau đầu gối). Hai ngón cái dùng lực vừa phải miết hướng vào tâm (phía trước đầu gối) sau đó lại miết từ tâm ra phía sau đầu gối dọc theo khe khớp gối. Tiếp tục làm như vậy với chân bên kia, mỗi bên khoảng 20 lần.
-
Vận động khớp gối: Ngồi, cẳng chân vuông góc với đùi. Hai tay ôm lấy khớp gối co duỗi nhẹ nhàng khoảng 20 lần. Làm lại như vậy với chân bên kia.
-
Day ấn huyệt âm lăng tuyền: Dùng hai ngón cái đồng thời day ấn huyệt âm lăng tuyền hai bên chân khoảng 1 phút.
-
Day ấn huyệt huyết hải: Dùng hai ngón cái đồng thời day ấn huyệt huyết hải hai bên chân khoảng 1 phút.
-
Day ấn huyệt túc tam lý: Dùng hai ngón cái đồng thời day ấn huyệt túc tam lý hai bên chân khoảng 1 phút.
-
Day ấn huyệt ủy trung: Dùng hai ngón giữa đồng thời day ấn huyệt ủy trung hai bên chân trong 1 phút.
-
Day ấn huyệt thừa sơn: Dùng hai ngón giữa đồng thời day ấn huyệt thừa sơn hai bên chân mỗi bên khoảng 1 phút.
-
Ngoài ra, có thể kết hợp chườm nóng khớp gối bằng lá ngải cứu sao với muối, mỗi ngày làm một lần vào buổi tối.
Khi đau cấp, bệnh nhân phải chú ý hạn chế vận động và kết hợp dùng thuốc
Khi đau cấp, bệnh nhân phải chú ý hạn chế vận động và kết hợp dùng thuốc. Cơn đau đã giảm nên tăng cường vận động khớp gối để khớp không bị cứng cũng như không bị biến dạng. Thường xuyên tập thể dục với cường độ thích hợp, tốt nhất nên chọn các môn như đi bộ, yoga, bơi, đạp xe đạp và thời gian tập luyện kéo dài khoảng 20 - 30 phút, ít nhất là 3 lần/tuần.
Kiểm soát cân nặng để tránh thừa cân, béo phì gây áp lực cho khớp. Bổ sung vào thực đơn những thực phẩm giàu canxi như sữa tươi, sữa chua, các loại tôm tép. Hạn chế hoặc nếu có thể hãy tránh hoàn toàn các tư thế xấu trong sinh hoạt hằng ngày, bao gồm ngồi chồm hổm, khom cúi kéo dài, không đi giày gót cao...
Những vị trí huyệt cần chú ý
-
Âm lăng tuyền: Ở chỗ lõm làm thành bởi bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua nơi lồi cao nhất của cơ cẳng chân trước xương chày, ở mặt trong đầu gối. Dùng ngón tay lần theo bờ trong xương ống chân, đến ngay dưới chỗ lồi xương cao nhất, đó là huyệt.
-
Huyết hải: Mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên hai thốn. Hoặc ngồi đối diện với bệnh nhân, bàn tay phải của thầy thuốc đặt trên xương bánh chè bên trái của bệnh nhân, bốn ngón tay áp tại đầu gối, ngón cái ở phía trên đùi, chỗ đầu ngón cái là huyệt.
-
Túc tam lý: Bờ ngoài xương bánh chè đo xuống 3 tấc, cách bờ xương ống chân một tấc. Hoặc gấp gối vuông góc, lòng bàn tay đặt vào xương bánh chè (tay phải trên đầu gối phải, tay trái trên đầu gối trái), các ngón tay duỗi thẳng, ngón trỏ đặt trên bờ trước xương ống chân, đầu ngón giữa ở đâu thì đó là huyệt.
-
Ủy trung: Ngay giữa lằn chỉ ngang nếp khoeo chân.
-
Thừa sơn: Ở giữa đường nối huyệt uỷ trung và gót chân, dưới uỷ trung 8 tấc, ngay chỗ lõm giữa hai khe cơ sinh đôi ngoài và trong.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Sức khỏe Đời sống