Đầu gối là khớp lớn nhất và là một trong những khớp quan trọng nhất của cơ thể vì phải chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Do đó, khớp gối rất dễ bị tổn thương, đau nhức, lâu dần dẫn tới thoái hóa. Chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra đau khớp gối ở tuổi 20 cùng những biện pháp khắc phục vấn đề này.
Nguyên nhân gây đau khớp gối ở tuổi 20
Thói quen sinh hoạt, đặc thù công việc, bệnh lý về xương khớp,... là những nguyên nhân phổ biến góp phần gây đau khớp gối gia tăng ở người trẻ tuổi.
Nếu bị đau khớp gối ở tuổi 20, bạn cần sớm khắc phục để tránh dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm về xương khớp.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến khớp gối bị đau/viêm ở người trẻ tuổi:
Làm việc nặng nhọc
Tuổi 20-30 là độ tuổi có sức khỏe tốt. Nhiều người không ngại công việc phải mang vác nặng và đứng lâu, tuy nhiên nếu việc này diễn ra thường xuyên và trong thời gian dài sẽ tạo sức ép rất lớn lên vùng khớp gối, làm tổn thương vùng xương sụn gây ra tình trạng đau nhức.
Thừa cân, béo phì
Việc để trọng lượng cơ thể quá thừa sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đầu gối, lớp sụn bị suy yếu khiến nó bị phá vỡ nhanh chóng hơn.
Không ít người trẻ ngày nay có lối sống thụ động, lười tập thể dục thể thao nên rất dễ thừa cân, béo phì. Điều này khiến trọng lượng cơ thể dồn lên hai khớp gối, lớp sụn chêm về lâu dài sẽ bị bào mòn dần, dẫn đến đầu gối bị nhức khi di chuyển.
Chấn thương
Đau khớp gối ở tuổi 20 có thể do ảnh hưởng trong quá trình chơi thể thao. Trong lúc tập luyện, bạn vô tình đẩy khớp gối vào tình huống phải chịu áp lực lớn từ cơ thể như vận động với cường độ cao, kéo dài hoặc thay đổi động tác đột ngột… Tất cả những điều này đều có thể dẫn đến chấn thương dây chằng, gây trật khớp khiến khớp gối bị đau.
Bên cạnh đó, nếu bạn đã từng bị chấn thương ở đầu gối như trật khớp, viêm khớp dây chằng, gãy xương… cũng góp phần làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và đầu gối sẽ xuất hiện triệu chứng đau nhức.
Yếu tố di truyền
Đây là nguyên nhân nhiều người không mấy quan tâm nhưng nếu trong gia đình có người bị đau nhức xương khớp, điển hình là khớp gối thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc phải bệnh này. Do một số gen có nhiệm vụ tạo sụn khớp trở nên kém, dẫn đến xương khớp bị thoái hóa sớm hơn.
Việc để trọng lượng cơ thể quá thừa sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đầu gối, lớp sụn bị suy yếu khiến nó bị phá vỡ nhanh chóng hơn.
Đau khớp gối ở tuổi 20 cảnh báo bệnh gì?
Đau khớp gối trước đây thường bắt gặp ở người già và chúng ta không có gì ngạc nhiên vì điều đó khi thấy người già hay bị đau khớp gối. Nhưng người trẻ bị đau khớp gối lại là chuyện chớ coi thường bởi nếu triệu chứng đau ngày một diễn biến nặng thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một trong những bệnh lý về xương khớp bao gồm:
Khô khớp gối
Đau khớp gối có thể là dấu hiệu cảnh báo khớp gối bạn bị khô do chất dịch bôi trơn đầu sụn tại khớp bị giảm dần, bào mòn dần theo thời gian.
Khớp gối bị khô nếu không phát hiện kịp thời đến khi không còn dịch bôi trơn sẽ càng gây ra những cơn đau dữ dội hơn.
Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp bị bào mòn không thể che phủ toàn bộ đầu xương, xương đùi và xương chày cọ xát vào nhau khi vận động. Khi bị thoái hóa khớp gối sẽ khiến người bệnh chịu đựng cảm giác đau đớn. Mỗi khi cử động, hoặc khi thời tiết thay đổi lại càng đau hơn. Đặc biệt, khớp sẽ bị cứng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau ở khớp gối khiến người bệnh đi lại, vận động, sinh hoạt rất khó khăn. Để lâu không điều trị sẽ càng khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị phá hủy. Quan trọng hơn là viêm khớp dạng thấp có thể gây biến dạng khớp, làm mất khả năng lao động, hay thậm chí là dẫn đến tàn phế.
Bệnh gout
Một người có lối sống thụ động, uống nhiều rượu, bia cũng như chế độ ăn uống quá nhiều chất đạm rất dễ bị bệnh gout. Bệnh này khi mắc phải sẽ gây ra đau khớp gối, ngón chân, cổ chân, khớp bàn tay kèm theo triệu chứng sưng, nóng, đỏ.
Tập thể dục với cường độ hợp lý sẽ nâng cao sức khỏe hệ xương khớp.
Loãng xương
Nhiều người lâu nay vẫn cho rằng căn bệnh loãng xương chỉ xuất hiện ở người già. Tuy nhiên, thực tế là ngày nay ngay cả những người trẻ tuổi cũng có thể mắc phải chứng loãng xương. Có nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương, ví dụ như yếu tố di truyền, ăn uống thiếu dinh dưỡng… khiến mật độ xương giảm, xương yếu dần và rất dễ bị gãy.
Gai khớp gối
Một người bị gai khớp gối là khi ở các phần khớp gối xuất hiện gai mọc gây đau nhức khó chịu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Ở mức độ nặng, gai khớp gối gây biến chứng có thể khiến người bệnh phải ngồi xe lăn vì mất khả năng di chuyển.
Viêm khớp gối
Khi phần xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp sẽ dẫn đến tình trạng viêm khớp gối. Lúc này, các khớp xương cọ xát vào nhau chặt hơn, ma sát nhiều khiến việc hấp thụ các chấn động ở sụn khớp giảm đi, gây đau và vận động khó khăn.
Viêm gân bánh chè
Vận động viên hoặc những người chơi thể thao, thích vận động rất dễ gặp tình trạng bị viêm gân bánh chè, ảnh hưởng đến dây chằng nối xương bánh chè đến xương ống quyển. Khớp gối bị quá tải vì vận động liên tục, kéo dài, hay khi bạn khởi động không kỹ trước khi chơi thể thao đều có thể khiến đau khớp gối.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Bao hoạt dịch giữ vai trò lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp và gân, da. Khi một túi chứa dịch lỏng ở khớp gối bị viêm, sưng, đỏ chính là tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối. Người bệnh bị đau khớp gối có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý này.
Tràn dịch khớp gối
Ngoài viêm bao hoạt dịch, tràn dịch khớp gối cũng có thể là nguyên nhân khiến vùng đầu gối một người xuất hiện những cơn đau nhức, tê cứng hoặc khó cử động. Tình trạng dịch nhiều lên bất thường và thay đổi tính chất sẽ gây ra tràn dịch khớp gối. Bệnh này nếu không được phát hiện và có biện pháp chữa trị sớm sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Lao xương khớp
Lao xương khớp xảy ra phổ biến ở các vị trí như khớp háng, cột sống và khớp gối. Bệnh do vi trùng lao gây ra, khi các khớp xương càng lớn, chịu đựng sức nặng càng nhiều thì nguy cơ mắc lao càng cao.
Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp như omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ…)
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu chỉ là những cơn đau ở mức độ nhẹ, người bệnh thường dễ bỏ qua hoặc có thể chủ động xử lý tại nhà. Nhưng nếu bạn gặp một trong những dấu hiệu sau đây thì cần phải gặp bác sĩ ngay:
Khớp gối phát ra tiếng động lạ
Ngay khi bị đau hoặc gặp chấn thương tại khớp gối, nếu nghe thấy có âm thanh đồng thời phát ra thì người bệnh không nên đứng dậy ngay. Sử dụng hai tay đỡ lấy phần đầu gối đang bị chấn thương, sau đó mới nhẹ nhàng cử động duỗi thẳng chân ra. Trường hợp bệnh nhân cảm thấy đau nhiều, không thể di chuyển được nên nhờ người thân nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra, xác định và có phương pháp điều trị phù hợp.
Bị đau quá nặng
Nếu bị trật khớp, gãy chân, viêm bao hoạt dịch…, bệnh nhân tuyệt đối không tự điều trị tại nhà mà phải đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám xác định nguyên nhân và chỉ định điều trị. Nhất là khi thấy đầu gối viêm, sưng, đau đến mức không thể di chuyển và cử động được thì phải nhanh chóng gặp bác sĩ, không để tình trạng diễn tiến nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị về sau.
Đi khập khiễng
Những trường hợp đau mức độ nhẹ và vẫn có thể đi khập khiễng được, chườm đá lên đầu gối để giảm sưng, đau là cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, khi sưng, nhức bên trong xương nhiều ngày và đi lại rất khó khăn thì phải ngay lập tức đến bệnh viện để thăm khám, điều trị.
Cách chữa đau khớp gối
Đau khớp gối sẽ khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, cản trở sinh hoạt, vận động. Do đó, bệnh nhân cần sớm điều trị để cải thiện triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ có thể biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm.
Kiểm soát cân nặng
Thừa cân, béo phì sẽ thúc đẩy bệnh lý xương khớp sớm xuất hiện. Do đó, kiểm soát cân nặng là việc cần làm để ngăn chặn các cơn đau mỏi khớp gối. Đồng thời, thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng. Lưu ý một chế độ ăn khoa học, không kiêng khem quá mức hoặc thiếu hụt dinh dưỡng mới mang lại cho bạn sức khỏe tổng thể, bao gồm cả hệ xương khớp
Hạn chế mang giày cao
Hạn chế mang giày dép cao sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe khớp đầu gối. Nên chọn một đôi giày vừa chân và có độ cao vừa phải sẽ giúp duy trì cân bằng cấu trúc chân và khớp gối, ngăn ngừa các chấn thương ở vùng này.
Tập luyện thể dục thể thao
Tập thể dục với cường độ hợp lý không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn củng cố sự vững chắc cho các cơ bắp xung quanh đầu gối, giảm đau đáng kể cho người trẻ.
Trước khi tập nên khởi động làm nóng cơ thể, thực hiện các động tác kéo giãn các cơ trước và sau bắp đùi nhằm giảm áp lực lên dây chằng và đầu gối. Khi tập luyện tránh cong khớp gối quá 90 độ hoặc xoay vặn khớp quá mức.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp như omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ…) là rất cần thiết. Các hoạt chất glucosamin và chondroitin, vitamin C kháng viêm (chanh, cam, dứa, đu đủ…) giúp người bệnh bớt đau và ngăn ngừa biến chứng.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam