Dạy học giải quyết vấn đề kích thích tính sáng tạo cho học sinh
Ngày 05/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Dạy học giải quyết vấn đề là phương pháp dạy học hiện đại đang được áp dụng phổ biến hiện nay nhằm mục đích bồi dưỡng học sinh và nâng cao kỹ năng phát hiện và suy nghĩ, sáng tạo của các em để tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.
Hiện nay, các phương pháp giảng dạy tiên tiến đang được khuyến khích áp dụng rất nhiều trong các tiết học. Đáng chú ý là phương pháp dạy học giải quyết vấn đề. Đây là một trong những phương pháp giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo và rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Vậy đây là phương pháp gì, có ưu điểm gì và cách dạy như thế nào? Hãy tham khảo bài viết sau để có thông tin chi tiết về phương pháp này.
Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là gì?
Một trong các phương pháp dạy học tích cực đang được áp dụng hiện nay là dạy học giải quyết vấn đề. Mục đích của phương pháp này là tạo sự kích thích tính chủ động, tính sáng tạo và khả năng tự giải quyết vấn đề của học sinh. Qua phương pháp dạy học này, học sinh được rèn luyện năng lực và có thể đưa ra giải pháp nhanh.
Bản chất của phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là giáo viên đưa ra những tình huống xảy ra vấn đề, hướng dẫn học sinh phát hiện ra vấn đề và khuyến khích học sinh chủ động nghiên cứu, tư duy sáng tạo để đưa ra giải pháp giải quyết. Từ đó, học sinh tự tin tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng và đạt được hiệu quả học tập.
Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề có ưu và nhược điểm gì?
Với mục tiêu giúp học sinh xây dựng giải pháp cho các vấn đề trong đời sống thực tế, phương pháp dạy học giải quyết vấn đề có những ưu điểm đặc trưng như sau:
Cung cấp cho học sinh thêm nhận thức tiên tiến, kiến thức, kỹ năng và từ đó nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống.
Rèn luyện khả năng tìm kiếm thông tin, nghiên cứu thông tin và rèn luyện góc nhìn qua nhiều tình huống khác nhau.
Góp phần trau dồi tư duy phản biện, kích thích sự sáng tạo của học sinh trong quá trình giải quyết vấn đề.
Bên cạnh những ưu điểm đột phá so với cách giáo dục truyền thống nhưng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề vẫn có những hạn chế nhất định như:
Khi tổ chức lớp học theo phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, cần nhiều thời gian và giáo viên có năng lực sư phạm cao để thiết kế nội dung hoạt động của lớp cho hợp lý. Giáo viên cần đặt vấn đề hợp lý và đánh giá giải pháp của học sinh một các linh hoạt.
Từ bước đặt ra tình huống có vấn đề, xác định vấn đề cho đến đưa ra giải pháp mất nhiều thời gian hơn so với phương pháp dạy học truyền thống, yêu cầu giáo viên phải sắp xếp thời gian hoạt động hợp lý trong tiết học.
Đặc điểm của học sinh khi tiếp cận phương pháp dạy học giải quyết vấn đề
Sau khi tiếp cận phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, học sinh sẽ có năng lực và một số kỹ năng mềm sau đây:
Khả năng hình dung, liên tưởng vấn đề và khả năng trình bày ý tưởng một cách ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu.
Khuynh hướng đa chức năng: Cùng một vấn đề, học sinh có thể tìm kiếm được nhiều giải pháp giải quyết khác nhau. Các em có thể vừa ghi nhớ bức tranh tổng quát của vấn đề, đồng thời vừa tập trung vào các chi tiết cụ thể.
Khả năng sử dụng ngôn ngữ lưu loát: Những học sinh tiếp cận với phương pháp dạy học này ngay từ nhỏ sẽ có khả năng diễn đạt ý tưởng cũng như trình bày giải pháp sáng tạo của mình một cách dễ hiểu nhất.
Có tinh thần tập thể và trách nhiệm xã hội cao: Học sinh có kỹ năng giao tiếp tốt và làm việc hiệu quả với mọi người, trong nhiều lĩnh vực.
Vượt qua giới hạn bản thân: Không giới hạn bản thân trong một ranh giới an toàn, học sinh tiếp cận phương pháp này vẫn cho rằng còn có nhiều cách giải quyết tốt hơn nhưng chưa được khám phá. Do đó, các em sẽ luôn nỗ lực để vượt qua mọi giới hạn của bản thân để tìm ra giải pháp tốt nhất.
Các bước thực hiện phương pháp dạy học giải quyết vấn đề
Sau đây là 4 bước theo quy trình thực hiện phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, cụ thể gồm:
Bước 1: Phát hiện và tìm hiểu vấn đề
Từ một tình huống cụ thể, các em phát hiện vấn đề.
Giải thích tình huống: Các em nêu ra thắc mắc để hiểu đúng vấn đề.
Trình bày vấn đề và đặt ra các mục tiêu để có hướng giải quyết vấn đề đó.
Bước 2: Tìm kiếm giải pháp
Quy trình thực hiện giải quyết vấn đề như sau: Tiếp cận vấn đề, phân tích, đề xuất hướng giải quyết và cách thực hiện để tìm ra một giải pháp đúng đắn nhất. Nếu giải pháp được đề xuất không giải quyết được, quay lại bước phân tích vấn đề và thực hiện lại các bước đề ra ban đầu.
Bước 3: Trình bày giải pháp
Học sinh trình bày lại vấn đề và đưa ra giả thiết về hướng giải quyết, nêu ra các kiến thức cần sử dụng để giải quyết vấn đề. Sau cùng, học sinh đưa ra giải pháp giải quyết cụ thể và giải thích lý do đề xuất hướng giải quyết đó.
Bước 4: Nghiên cứu giải pháp
Tìm hiểu hiệu quả của cách giải quyết đã đề xuất.
Đề xuất những vấn đề mới, đề tài mới có tính liên quan.
Triển khai phương pháp dạy học giải quyết vấn đề cần lưu ý gì?
Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề yêu cầu giáo viên gợi mở cho học sinh một tình huống hoặc vấn đề cần tìm giải pháp để giải quyết. Do vậy để việc triển khai phương pháp được hiệu quả, giáo viên cần lưu ý một vài điều sau:
Giáo viên cần đưa ra các tình huống phù hợp với trình độ và khả năng nhận biết của học sinh. Các vấn đề có sự gần gũi với học sinh sẽ giúp học sinh dễ hiểu và đưa ra giải pháp dễ dàng.
Học sinh sẽ hiểu rõ vấn đề nhanh chóng hơn thông qua các câu hỏi mở của giáo viên như “cái gì?”, “tại sao?”, “bằng cách nào?” để tìm câu trả lời. Một khi đặt câu hỏi thành công, học sinh sẽ nắm bắt được vấn đề và xác định mục tiêu cần giải quyết dễ dàng.
Trong quá trình học sinh thảo luận để tìm ra giải pháp, giáo viên nên chủ động gợi ý bằng các câu hỏi như “điều gì sẽ xảy ra nếu…?” để học sinh có cơ hội suy nghĩ sâu, từ đó giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện cũng như xem xét, đánh giá đầy đủ ưu – khuyết của giải pháp.
Nhìn chung, dạy học giải quyết vấn đề là phương pháp giảng dạy tiên tiến được đánh giá cao nhằm phát huy tính chủ động và tư duy logic, sáng tạo của học sinh. Với việc áp dụng phương pháp này, giáo viên có thể giúp học sinh phát triển năng lực và xây dựng lòng tự tin để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.