Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Xử lý như thế nào?

Ngày 24/12/2023
Kích thước chữ

Đặt vòng tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp dây vòng tránh thai thò ra ngoài.

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài là sự cố thường gặp nên có rất nhiều chị em không khỏi thắc mắc: "Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không?". Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề này. Từ đó, tìm được cách xử lý phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến khả năng ngừa thai, cũng như sức khỏe sinh sản của bản thân khi gặp phải tình trạng này nhé!

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không?

Dây vòng tránh thai thường nằm ló ra ngoài cổ tử cung khoảng 2 - 3cm. Trong khi đó, cổ tử cung của phụ nữ lại rất dài nên khoảng cách từ dây vòng đến cửa vùng kín là khá xa. Do đó, nếu bạn phát hiện dây vòng tránh thai thò ra ngoài thì chắc chắn chiếc vòng đã bị đứt dây hoặc tuột khỏi vị trí ban đầu.

Vị trí của vòng tránh thai không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tránh thai. Lúc này, hiệu quả ngừa thai sẽ chỉ giữ được ở mức 50%, thậm chí là 0%. Không những vậy, nó còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của chị em. Đó là: 

  • Làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa: Dây vòng tránh thai thò ra ngoài sẽ trở thành “cầu nối” cho vi khuẩn từ môi trường bên ngoài tấn công vào trong âm đạo.
  • Nếu dây vòng tránh thai bị đứt, nó có thể di chuyển đến các vị trí khác trong cơ thể, thậm chí là làm thủng ổ bụng hoặc tử cung. 
  • Nếu không được lấy ra kịp thời, vòng tránh thai đi lạc trong tử cung có thể gây thai ngoài tử cung, dị tật thai nhi, thai chết lưu,...
Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Xử lý như thế nào? 1
Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Đây là tình trạng rất nguy hiểm

Dấu hiệu bị tuột vòng tránh thai

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài chỉ là một trong số những dấu hiệu đặc trưng cho thấy vòng tránh thai của bạn đã bị tuột. Nếu nghi ngờ bản thân bị tuột vòng tránh thai, bạn có thể tham khảo thêm một số dấu hiệu dưới đây:

  • Dây vòng tránh thai ngắn hơn bình thường;
  • Hai sợi dây bị lệch khỏi vị trí ban đầu hoặc trở nên bất cân xứng;

Trong nhiều trường hợp, nữ giới bị tuột vòng tránh thai còn xuất hiện các biểu hiện bất thường khác như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau bụng dưới dữ dội;
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và sốt;
  • Có dấu hiệu bị nhiễm trùng âm đạo.

Đối tượng nào dễ bị tuột vòng tránh thai?

Vòng tránh thai có thời gian sử dụng lên đến 5 năm và được đánh giá là vô cùng an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tuột vòng tránh thai cao hơn những người khác, bao gồm:

Phụ nữ trẻ

Phụ nữ trẻ đặt vòng tránh thai có nguy cơ bị tuột vòng tránh thai cao hơn phụ nữ lớn hơn. Thực tế đã được công nhận bởi nghiên cứu công bố năm 2020 của Tạp chí Sản khoa, cho biết tần suất tuột vòng tránh thai ở nhóm đối tượng này là 9%. Ngay cả khi đã tiếp tục đặt lại, tần suất bị tuột lần hai vẫn có thể lên đến 27%.

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Xử lý như thế nào? 2
Phụ nữ trẻ thường có nguy cơ cao bị tuột vòng tránh thai khi áp dụng 

Phụ nữ đặt vòng tránh thai ngay sau khi sinh

Một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng, phụ nữ đặt vòng tránh thai sớm từ 10 phút đến 4 tuần sau sinh thường có nguy cơ bị tuột vòng tránh thai cao hơn. Đây chính là lý do vì sao các bác sĩ khuyến nghị bạn nên chờ một thời gian sau khi sinh rồi mới đặt vòng để làm tăng hiệu quả phòng tránh thai.

Phụ nữ sinh thường

Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ cũng đã phân tích các yếu tố nguy cơ của tuột vòng tránh thai sau khi sinh nở. Bên cạnh nguy cơ về độ tuổi, phụ nữ sinh thường dễ bị dây vòng tránh thai thò ra ngoài cao hơn khoảng 4 lần so với phụ nữ sinh mổ.

Các yếu tố khác

Ngoài ra, nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu sau, bạn cũng nên đề phòng nguy cơ bị tuột vòng tránh thai cao, bao gồm:

  • Người bị thừa cân, béo phì;
  • Người bị thiếu máu hoặc mắc các bệnh về máu;
  • Phụ nữ có tiền sử chảy máu tử cung bất thường;
  • Người có tiền sử từng bị tuột vòng tránh thai;
  • Tiền sử mắc các bệnh dễ chảy máu.
Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Xử lý như thế nào? 3
Bạn cần thăm khám bác sĩ kỹ càng trước khi sử dụng vòng tránh thai 

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài phải làm sao?

Khi dây vòng tránh thai thò ra ngoài, bạn cần thực hiện các biện pháp kiểm tra theo hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể:

  • Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch rồi lau khô.
  • Bước 2: Ngồi xuống hoặc ngồi xổm ở tư thế thoải mái nhất.
  • Bước 3: Từ từ đưa một ngón tay vào âm đạo, tiến sâu vào cổ tử cung. Đến vị trí này, bạn sẽ cảm nhận được cấu trúc chắc và đàn hồi như chỏm mũi của bạn.
  • Bước 4: Chạm đến dây vòng tránh thai để kiểm tra độ dài và vị trí của sợi dây có tương tự qua mỗi tháng hay không.

Bạn lưu ý tuyệt đối không nên kéo dây để tránh dây bị đứt, gây tổn thương và chảy máu âm đạo. Dây vòng tránh thai thường được treo thòng xuống một đoạn ngắn trong âm đạo, cách âm đạo một khoảng từ 2 - 3cm.

Nếu dây vòng tránh thai thò ra ngoài, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ phụ khoa để hỏi về các triệu chứng. Bên cạnh đó, sử dụng các biện pháp tránh thai dự phòng khác. Nếu bị đau, bạn cần kiêng quan hệ tình dục để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài có sao không? Xử lý như thế nào? 4
Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm tra vòng tránh thai định kỳ 

Dây vòng tránh thai thò ra ngoài là một sự cố thường gặp nên chị em không cần quá lo lắng. Mặc dù vậy, bạn cũng không nên tự xử lý tại nhà mà nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt nhé!

Xem thêm: Không sờ thấy dây vòng tránh thai là hiện tượng gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin